Nền kinh tế… đất


Tin liên quan:
✔️ Không được phép lãng quên Thủ Thiêm
✔️ Một bức tranh bi thảm nữa về cưỡng chế đất đai
✔️ Chính cán bộ cao cấp đầu cơ đất Thủ Thiêm!
✔️ Thủ Thiêm, không chỉ là nước mắt
✔️ Nguyên do của nạn cướp đất
✔️ Đằng sau việc tấm bản đồ quy hoạch bị “mất tích”! Hay điều 53 quái quỷ!
✔️ “Xô xát” trong vụ thi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolô
✔️ Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai, dấu hiệu suy tàn đến cùng cực?
✔️ Vụ Đặng Văn Hiến: Công nhân Long Sơn bị đẩy vào chỗ chết như thế nào
✔️ Bờ Đông Sài Gòn 20 năm tranh đoạt đất
✔️ Phỏng vấn người cùng quê Trần Đại Quang, bị cướp đất, bị bắt bỏ tù 11 năm, bị "hành hạ dã man hơn tù Côn Đảo"...


Sự phát triển kinh tế Việt Nam mấy chục năm qua dường như chủ yếu xoay quanh… đất, dựa vào đất. Cũng phải thôi, vì đất là một tư liệu sản xuất chủ yếu, là nguồn lực kinh tế quan trọng bậc nhất của một quốc gia còn chưa phát triển về công nghiệp và khoa học công nghệ. Đất lại không sinh sôi nảy nở ra được trong khi dân số ngày càng tăng.

Điều đáng nói là dù mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước được đặt ra từ lâu, nền công nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn èo uột và không ai biết đến bao giờ Việt Nam mới trở thành một đất nước “công nghiệp hóa về cơ bản”: ngành công nghiệp xe hơi đã được các quan chức có trách nhiệm chính thức thừa nhận là thất bại; ngành công nghiệp hỗ trợ yếu kém đến mức các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm nhà cung cấp linh kiện trong nước, như cái đinh vít đạt chất lượng, cũng khó; ngành công nghiệp đóng tàu thì với sự phá sản của Vinashin coi như thất bại cay đắng cùng với sự mất trắng hàng chục ngàn tỉ đồng; ngành công nghiệp đánh bắt hải sản xa bờ cũng không đi tới đâu; nhiều doanh nghiệp trong nước bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hoặc tự bán mình cho nước ngoài. Còn có thể kể ra nhiều thứ khác nữa. Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, thậm chí cả GDP, rút cuộc trông cậy phần lớn vào doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), chủ yếu là Samsung của Hàn Quốc.


Trong bối cảnh đó, những hoạt động xoay quanh đất đai nổi lên như là hoạt động xương sống của nền kinh tế. Bước ra khỏi nền kinh tế bao cấp, chuyển qua cơ chế thị trường, đất đai trở nên có giá trị, giá đất hết nóng rồi lạnh, hết lạnh lại sốt, mà thường là sốt. Có những thời kỳ nhà nhà người người đổ xô đi buôn đất, làm “cò” đất. Cả nước dường như lúc nào cũng mong ngóng trông chờ quy hoạch, hễ nơi nào có quy hoạch là giá đất lên như thổi, như hiện tại giá đất đang sốt từng ngày ở mấy địa phương dự định làm đặc khu kinh tế (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong) và ở nhiều thành phố. Và mỗi lần sốt đất như vậy lại có một số ít đại gia phất lên từ đất. Nền công nghiệp quốc gia mãi èo uột nhưng Việt Nam lại có những tỉ phú đôla từ… đất, khi các đại gia – bằng quan hệ và bằng những thứ khác – được chính quyền địa phương giao cho những khu đất béo bở, trong khi rất rất nhiều người dân mất đất lâm vào cảnh trắng tay với giá đền bù rẻ mạt, để rồi hết năm này qua năm khác vác đơn đi kiện, trở thành “dân oan”.

Đất đã trở thành một miếng mồi ngon trong mắt doanh nghiệp và những quan chức tham lam; là một trong những đầu mối xung đột căng thẳng giữa người dân bị mất đất với doanh nghiệp được giao đất, giữa người dân với chính quyền địa phương khi chính quyền đứng ra thu hồi đất bất hợp lý, như vụ Cống Rộc-Hải Phòng, vụ Đồng Tâm-Hà Nội, vụ Văn Giang-Hưng Yên, vụ khu đô thị mới Thủ Thiêm-Sài Gòn, vụ Khu công nghiệp Bình Minh-Vĩnh Long (vốn là vùng đất trồng đặc sản bưởi Năm Roi nổi tiếng)… và vô số những vụ xung đột lớn nhỏ khác ở khắp các địa phương.

Thật ra, không chỉ từ khi nền kinh tế chuyển qua cơ chế thị trường đất mới trở thành đầu mối tranh chấp, xung đột. Ngay từ sau tháng 4-1975, tranh chấp đất đai cũng đã xảy ra nhưng theo kiểu giành “chiến lợi phẩm” giữa những người mới lên nắm chính quyền với những người chủ đất cũ. Gia đình tôi chẳng hạn đã trở thành nạn nhân của một nông trường quốc doanh khi cha tôi sau tháng 4-1975 đưa gia đình từ thành phố trở về quê khai khẩn đất hoang để làm nông, để rồi sau khi khai khẩn xong thì chẳng những bị nông trường kế bên cướp trắng đất mà còn bị chính quyền xã bắt giam.

Nhưng phải nói là kể từ khi nền kinh tế chuyển qua cơ chế thị trường, những tranh chấp, xung đột về đất đai mới trở nên như cơn lốc. Bạn tôi, thuộc gia đình cách mạng nòi, lại là cán bộ một ban thuộc Thành ủy TPHCM, cũng trở thành nạn nhân bị mất đất như bao người khác khi đất ông bà để lại tại vùng trồng bưởi Năm Roi dưới chân cầu Cần Thơ bị chính quyền tỉnh Vĩnh Long “thu hồi” để giao cho một công ty làm khu công nghiệp mà mười mấy năm chẳng ra khu công nghiệp, còn những người dân mất đất trồng bưởi, mất nguồn sống, thì lay lắt qua ngày để đi kiện trong vô vọng. Hỏi bạn bè xung quanh mình, những trường hợp có gia đình bị lấy đất oan ức cũng không phải ít.


Đất, tài sản trong tay người dân, có khi được truyền từ đời cha ông đến đời con cháu, bị chính quyền tước đoạt và đền bù với giá rẻ mạt để giao cho doanh nghiệp. Một số ít người giàu lên từ đó, nhiều người nghèo đi cũng từ đó. Như vậy, có thể thấy nỗi bất công từ đất đã đụng chạm đến một số lượng đáng kể người dân, kể cả những người đã từng ủng hộ “bên thắng cuộc” giành được chính quyền, và gây ra những tiếng oán than chưa bút mực nào tả xiết.

Nhìn một cách tổng quát, “nền kinh tế… đất” từ mấy chục năm qua đã làm một số ít người sung sướng nhờ phất lên, gồm doanh nghiệp và quan chức nhận lại quả, nhưng mang lại khổ đau cho rất nhiều người. Với một nhà nước tự xưng là “của dân, vì dân”, lẽ ra nguồn lực đất đai (sở hữu toàn dân) trước hết phải nhằm phục vụ cho số đông dân chúng vốn còn rất nghèo, cho đông đảo công nhân cả đời ước mơ một căn nhà nhưng do giá cả nằm ngoài tầm với, buộc họ phải bằng lòng sống trong những căn nhà trọ thiếu tiện nghi. Dù Bộ Xây dựng có một Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, người ta chưa thấy có một chương trình xây dựng gia cư (nhà ở) nào cho người thu nhập trung bình, người nghèo, ở tầm quốc gia và để lại dấu ấn. Ngược lại, với nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư, người dân cố cựu tại chỗ và người nghèo bị đẩy ra rìa.

Chẳng hạn, với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được dư luận quan tâm, theo khẳng định của ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND.TPHCM giai đoạn 1997-2001, thì ở dự án này, việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các dự án tái định cư chủ yếu dựa vào mối quan hệ “quen biết” mà không qua đấu thầu nên giờ đây dư ra hàng ngàn căn hộ mà người dân không có khả năng vào ở vì không có cơ sở hạ tầng, xa cách nơi mưu sinh quen thuộc của họ (báo Thanh Niên 6-5-2018). “Câu chuyện dự án Thủ Thiêm bây giờ theo tôi cần làm rõ những vấn đề sau: Có tình trạng cán bộ hay con em cán bộ nhảy vào dự án mua tới mua lui bán chênh lệch làm giàu không? Những công trình hạ tầng đổi đất ở dự án hay công trình tái định cư có qua đấu thầu hay chỉ định để làm lợi cho riêng mình? Đền bù của dự án có chèn ép người dân không? Lúc trước, thành phố để 160 ha làm khu tái định cư giờ 160 ha này nằm ở đâu?…”, ông Thanh nói.


Rõ ràng, muốn chấm dứt tình trạng bất công liên quan đến đất đai và bất ổn xã hội phát sinh từ đó, cần giải quyết cái gốc là chế định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, và trước mắt, trong khi chưa sửa được chế định Hiến pháp này thì phải trao cho người dân quyền thương lượng về giá đất với nhà đầu tư theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Ngay cả những cán bộ thuộc hàng lãnh đạo giờ cũng đã phải nhận ra thực tế này, như ông cựu Chủ tịch UBND.TPHCM Võ Viết Thanh nói trong trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ (7-5-2018): “Không chỉ tôi mà nhiều người cũng nói: cần sửa đổi Luật đất đai, công nhận đầy đủ quyền sở hữu đất đai tư nhân của người dân. Có quyền sở hữu, họ sẽ yên tâm với tài sản của mình, được bảo vệ nhiều hơn với tài sản của mình. Khi có quy hoạch, họ cũng sẽ có quyền được thụ hưởng lợi ích từ việc đất đai của mình được nâng cao giá trị”.

Đó cũng là cách để nền kinh tế thoát khỏi tình trạng một nền kinh tế dựa chủ yếu vào đất, nóng lạnh từng hồi với đất, làm giàu cho một số ít doanh nghiệp và quan chức trong khi đẩy nhiều người dân đến chỗ khốn cùng.

Vấn đề là bao giờ những người nắm quyền lãnh đạo đất nước dám thoát khỏi cái “tín điều” đất đai là sở hữu toàn dân nói trên.

Đoàn Khắc Xuyên (Trí Việt News)
Tin liên quan:
✔️ Không được phép lãng quên Thủ Thiêm
✔️ Một bức tranh bi thảm nữa về cưỡng chế đất đai
✔️ Chính cán bộ cao cấp đầu cơ đất Thủ Thiêm!
✔️ Thủ Thiêm, không chỉ là nước mắt
✔️ Nguyên do của nạn cướp đất
✔️ Đằng sau việc tấm bản đồ quy hoạch bị “mất tích”! Hay điều 53 quái quỷ!
✔️ “Xô xát” trong vụ thi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolô
✔️ Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai, dấu hiệu suy tàn đến cùng cực?
✔️ Vụ Đặng Văn Hiến: Công nhân Long Sơn bị đẩy vào chỗ chết như thế nào
✔️ Bờ Đông Sài Gòn 20 năm tranh đoạt đất
✔️ Phỏng vấn người cùng quê Trần Đại Quang, bị cướp đất, bị bắt bỏ tù 11 năm, bị "hành hạ dã man hơn tù Côn Đảo"...

Về đầu trang