Bờ Đông Sài Gòn 20 năm tranh đoạt đất


Lần đầu tiên phóng viên báo chí có thể thoải mái dùng máy ảnh chuyên nghiệp để cân chỉnh, bắt nét, xóa phông những gương mặt đầy khắc khổ và đau xót ở vùng bán đảo Thủ Thiêm. Những tấm ảnh chuẩn mực, những bài tường thuật đầy đặn, trong đó các chủ thể hiện lên như một thảm cảnh vừa mới xảy ra. Thực ra, thảm cảnh này đã lan rộng trên vùng đắc địa Quận 2, Quận 9 từ hơn 2 thập niên qua. Báo chí trong nước đã le lói một vài đề tài vào những ngày đầu rồi bị dập tắt nín cho đến tận bây giờ, và giờ mới được khai quật. 

Chúng ta đang nói về những ngày sôi sục phanh phui tiêu cực đất đai ở Sài Gòn vào đầu tháng 5-2018. Trong một thời gian dài, dân oan khiếu nại không biết trông chờ vào đâu. Đơn từ tính ra có thể là hàng tấn. Người dân vẫn ngây thơ in, photocopy mang đến hết cơ quan này sang cơ quan khác, hết cấp dưới đến cấp to, từ Sài Gòn ra Hà Nội.

Bằng đủ chiêu, mánh hành chính và những trò bạo lực, chính quyền đã càn qua quét lại và san phẳng hầu hết nhà dân ở trên bán đảo. Trụ lại cho đến cuối chỉ còn một ngôi nhà thờ cổ kính cùng số ít hộ dân kiên cường. Đứng trên cầu Thủ Thiêm để nhìn toàn cảnh, chúng ta sẽ tự vấn không biết 15 ngàn người dân nơi này đã bị đẩy đi đâu, họ sống ra sao, cái cách mà chính quyền “bứng” họ đi như thế nào?…

Cưỡng chế người thu hồi đất đai dưới thời của Nguyễn Tấn Dũng trên toàn quốc và dưới thời Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân ở Sài Gòn đã trở thành một nỗi ám ảnh đáng sợ của người dân sống trong các vùng quy hoạch, những vùng đất tiềm năng tăng nhanh giá trị. Ở Quận 2, từ những năm 1990 đã có chiêu trò chính quyền xúi dân tranh chấp đất lẫn nhau để có cơ thu hồi  rồi bán cho doanh nghiệp.

Một chiêu khác: Doanh nghiệp lập dự án lấy vỏ bọc là sân golf để lấy đất. Vậy nên ở Quận 2 và Quận 9 hình thành hàng loạt dự án sân golf mà không có golf. Dân bị đè ra thu hồi buộc giao đất vì chính quyền lấy lý do “phục vụ thể thao, mục đích công cộng”. Sân gofl An Phú ở Quận 2 là một ví dụ điển hình. Chính quyền giúp doanh nghiệp giải tỏa với giá đền bù đất nông nghiệp chưa đến 100 ngàn đồng/m2. Doanh nghiệp lấy xong không làm sân golf mà xây tường rào cao che lại rồi lập hạ tầng phân lô bán nền biệt thự. Ở Quận 9, rất nhiều lần phó chủ tịch quận chinh thân dẫn lực lượng công an và dân phòng trang bị vũ khi đi đàn áp dân buộc giao đất cho doanh nghiệp. Họ làm công khai, thẳng tay, không ngần ngại, bất chấp quy định của pháp luật là chỉ áp dụng cưỡng chế thu hồi đối với những vị trí phục vụ mục đích quốc phòng, giáo dục, giao thông, công ích.

Trở lại với Thủ Thiêm, đây là vùng giải tỏa trắng có quy mô lớn nhất với giá trị bất động sản cao kỷ lục. Vị trí ngay bên hông Quận 1, địa thế lại đẹp, Thủ Thiêm trở thành miếng mồi gây thèm thuồng cho những thế lực tham lam. Đô thị mới Thủ Thiêm được xây dựng hiện đại, khang trang sẽ là không có gì đáng bàn, nếu chính quyền Lê Thanh Hải không lợi dụng chủ trương, “đánh đuổi” hết cư dân bản địa ra khỏi bán đảo.

Liên tục trong sáu tháng cuối năm 2005, chính quyền TPHCM đã ban hành hàng loạt văn bản để sửa đổi quy hoạch Thủ Thiêm, vốn đã được phê duyệt  bởi Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào 10 năm trước. Mục tiêu của các động thái này là nhằm chiếm luôn 160 ha đất tái định cư tại chỗ cho người dân Thủ Thiêm và giải tỏa thêm cả  những vùng đất nằm ngoài ranh quy hoạch. Đất thu hồi đền bù cho dân với giá vài trăm ngàn đồng/m2, để rồi doanh nghiệp bán ra với giá vài trăm triệu đồng/m2.

Công luận trong nước đang soi vào điểm bất hợp lý lớn nhất tại Thủ Thiêm là dự án khu đô thị Sala của Công ty Đại Quang Minh. Chủ đầu tư đã được chính quyền giao cho hơn 100 ha đất “kim cương”. Đổi lại Đại Quang Minh chỉ cần làm bốn tuyến đường, tổng chiều dài nhỉnh hơn 11km. Điều đáng nói là công ty này báo cáo chi phí hết 12 tỷ đồng cho số km đường ngắn ngủi trên, tính ra mỗi km đường nhựa tốn kém hơn 1 tỷ đồng! Việc Đại Quang Minh được chính quyền Thành phố dâng đất dễ dàng khiến không thể không  liên tưởng đến những phần “lại quả” khổng lồ có thể đã được chung chi. Thông tin hiện nay coi như đã chính thức “vỡ trận” sau rất nhiều năm được chính quyền nỗ lực bưng bít. Tuy nhiên, kết quả xử lý như thế nào, đến đâu; quan tham có bị trừng trị đúng mức, quyền lợi của dân oan có được hoàn trả hay không…, tất cả vẫn còn đang chờ ở những ngày phía trước.

Dù sao, sự kiện Thủ Thiêm cũng đã vén lên bức màn đen tối che phủ mấy mươi năm tranh đoạt đất hỗn loạn ở vùng đất phía Đông Sài Gòn.

Thanh Lâm (Trí Việt News)
Tin liên quan:
✔️ Chính cán bộ cao cấp đầu cơ đất Thủ Thiêm!
✔️ Nền kinh tế… đất
✔️ Thủ Thiêm, không chỉ là nước mắt
✔️ Nguyên do của nạn cướp đất
✔️ Đằng sau việc tấm bản đồ quy hoạch bị “mất tích”! Hay điều 53 quái quỷ!
✔️ “Xô xát” trong vụ thi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolô
✔️ Đạp đổ tâm linh để đổi lấy đất đai, dấu hiệu suy tàn đến cùng cực?
✔️ Vụ Đặng Văn Hiến: Công nhân Long Sơn bị đẩy vào chỗ chết như thế nào
✔️ Phỏng vấn người cùng quê Trần Đại Quang, bị cướp đất, bị bắt bỏ tù 11 năm, bị "hành hạ dã man hơn tù Côn Đảo"...

Về đầu trang