Cha Đắc Lộ


Tin liên quan:
✔️ Hồn cốt Sài Gòn
✔️ Đừng để Sài Gòn trở nên "thành phố mất trí nhớ"
✔️ Chat với… không phải Mozart
✔️ Về Sài Gòn ngày dài nhất
✔️ Người Sài Gòn? Là người biết “chơi đẹp”...
✔️ “Chúng ta chỉ yêu những gì chúng ta đã tiêu diệt”
✔️ Saigon còn hay mất?
✔️ “Người việt nam hèn hạ” - Một đoản văn làm sôi mạng xã hội


Ngày 3/7/1645, sau một đợt khủng bố làm thiệt mạng nhiều giáo dân, sau khi bị kết tội xử trảm rồi được ân xá với lệnh trục xuất vĩnh viễn, ông được đưa lên một chiếc tàu Bồ Đào Nha sắp khởi hành đi Ma Cao. Trước khi tàu nhổ neo ông nói :

“Con người rời khỏi xứ Đàng Trong nhưng chắc chắn tấm lòng sẽ còn ở lại”.

Đó là Linh Mục Alexandre de Rhodes, với cái tên Việt Nam gần gũi: Cha Đắc Lộ.

Tôi có một anh bạn người Sài Gòn rất thích lang thang và uống “café bệt” ở vỉa hè, nơi ưa thích là một con phố nhỏ, yên tĩnh nằm gần Nhà thờ Đức Bà mang tên Alexandre de Rhodes. Đôi lần tôi thầm nghĩ với những điều mà Cha Đắc Lộ đã làm cho xứ An Nam thì tên ông xứng đáng được đặt cho những đại lộ người xe tấp nập ngoài kia, nhưng rồi nghĩ lại, chắc gì như thế đã là một điều hay khi ông là một tu sỹ Dòng Tên, những người đã “khấn hứa giữ khó nghèo và khiết tịnh”. Như một sự tình cờ đúng 300 năm sau khi Cha Đắc Lộ rời Đàng Trong, năm 1945 con đường này được mang tên ông, ngoài Hà Nội một đền đài nhỏ với tấm bia đá kỷ niệm Cha Đắc Lộ được dựng lên bên cạnh Kiếm Hồ. Số phận của nó cũng long đong, sau cách mạng cái đền này bị phá, tấm bia lưu lạc ra nằm tận ngoài bãi sông Hồng làm tấm đá lót đường cho người qua lại, có biết bao nhiêu câu chuyện nửa hư, nửa thực về sự linh thiêng của tấm bia này, rồi nó được một người dân mang về cất giữ. Nghe nói đến năm 1992 nhà nước mới thu hồi lại, không biết đặt ở chỗ nào đành đem về khu vườn của Thư viện Quốc gia. Con đường mang tên ông trong Sài Gòn có may mắn hơn, sau 75 nó cũng bị đổi tên nhưng rồi lại được mang tên cũ.

Một lần ngồi café trên con đường này, tình cờ tôi đọc được một bài báo viết về con đường Alexander de Rhodes, cô nhà báo trích dẫn một số tư liệu chứng minh rằng: “Không phải Alexandre de Rhodes sáng tạo ra chữ Quốc ngữ”, từ đó, tôi mới thực sự đọc nhiều về ông, dò dẫm tìm theo những con đường mà ông đã đi sau khi rời xứ Đàng Trong.

Sau khi rời Đàng Trong vào tháng 7 năm 1645, đến tháng 12 năm ấy, Cha Đắc lộ từ Ma cao đi Roma. Cuộc hành trình kéo dài 3 năm rưỡi, ông rời Ma Cao từ ngày 10/12/1645 và đến Roma ngày 26/06/1649. Một chuyến đi trắc trở đầy mạo hiểm, ông dừng ở Malacca rồi lọt vào tay người Hà Lan và bị đầy đọa, đến được Batavia thì lại bị cầm tù, hành hạ, được người Anh giúp đỡ ở Bantam ông đến được Ba Tư, trải qua một cuộc đi bộ ròng rã 12 tháng trời ông mới xuống được tàu sang Ý. Ở lại Roma 3 năm, Cha Đắc Lộ vận động Giáo hoàng và các Giáo chủ thành lập các Giáo đoàn để truyền đạo ở xứ An Nam. Có tin rằng Giáo hoàng đã tính đến việc phong chức Giám mục cho ông, nhưng ông đã khước từ vinh dự ấy, sách chép: “Người ta không sao thắng được sự cưỡng lại của ông” - Charles B. Maybon - Những người châu Âu ở nước An Nam. Rồi ông được ủy nhiệm tìm những giáo sỹ đồng ý đi An Nam, Cha Đắc Lộ lại sang Paris, khi đoàn truyền giáo được thành lập, mặc dù cố gắng khẩn khoản, ông cuối cùng phải nhận đi thành lập một đoàn truyền giáo ở Ba Tư rồi qua đời ở đây năm 1660, ước nguyện quay trở lại An Nam cũng không thực hiện được.

Ở An Nam có 7 năm ngắn ngủi (4 năm Đàng Trong và 3 năm ở Đàng Ngoài), cái gì ở mảnh đất này làm cho Cha Đắc Lộ mê đắm, yêu quý nó và dâng hiến cho nó ? Ngoài cuốn Từ điển Việt- La- Bồ làm nên tên tuổi của ông, Cha Đắc Lộ còn viết cuốn ký sự Đàng Trong, Lịch sử Đàng Ngoài mà Maybon viết: “Sách viết theo một cách dễ hiểu và hấp dẫn, trong đó cha De Rhodes thể hiện lúc nào cũng bình dị, với nhu cầu được cống hiến, tính khiêm tốn, lòng tự tin và sự chất phác, đồng thời lại tinh tế làm cho ta hiểu vì sao Cha đã thành công đối với những người An nam thuộc đủ mọi địa vị xã hội” - Những người châu Âu ở nước An nam - sđd. Những nhà ngôn ngữ sau này khi hoàn thiện chữ Quốc ngữ đều phải dùng đến sách của Cha Đắc Lộ, với cách ghi lại phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latin: “Chính xác và cực kỳ tinh tế, trước đó và cả sau này sẽ không có ai vượt qua nổi” - Một nhà ngôn ngữ người Pháp đã viết như vậy. Trên hết, mấy chục triệu người Việt Nam, cả Công giáo và các tôn giáo khác hoặc không tín ngưỡng, ngay lập tức đã công nhận thứ chữ kỳ diệu này là Quốc ngữ là tiếng mẹ đẻ. Cố súy cho phong trào này lại là những nhà Nho học lừng lẫy.

Tôi thì lại thích những câu chuyện của ông, khi ông mới đến Đàng Trong, việc ông học tiếng Việt, việc ông cắt nghĩa những âm điệu trong tiếng Việt, phải yêu nó lắm mới có thể làm như vậy, việc ông nhờ người giúp việc đi chợ mua cá về đãi bạn, ông nói thành “cà” và người giúp việc mua về một thúng cà, “Tôi lại phải xin lỗi người giúp việc” - Ông kể. Hay chuyện ông dặn người sáng mai đi “chém tre” (chặt tre) thì lại thành “chém trẻ”, hôm sau Cha Đắc Lộ vô cùng sửng sốt khi thấy đám trẻ hàng ngày vẫn xúm xít quanh ông giờ bỗng vắng hết. “Tôi lại phải đi tìm đám trẻ và xin lỗi chúng”.

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì…? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Tấm lòng của Cha Đắc Lộ để lại xứ Đàng Trong cũng được ngọn gió cuốn đi khắp nơi, được đón nhận bởi những người Việt “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngô Nhật Đăng (Theo Đồng Hành)
Tin liên quan:
✔️ Hồn cốt Sài Gòn
✔️ Đừng để Sài Gòn trở nên "thành phố mất trí nhớ"
✔️ Chat với… không phải Mozart
✔️ Về Sài Gòn ngày dài nhất
✔️ Người Sài Gòn? Là người biết “chơi đẹp”...
✔️ “Chúng ta chỉ yêu những gì chúng ta đã tiêu diệt”
✔️ Saigon còn hay mất?
✔️ “Người việt nam hèn hạ” - Một đoản văn làm sôi mạng xã hội

Về đầu trang