Saigon còn hay mất?


Tin liên quan:
✔️ Cha Đắc Lộ
✔️ Bàn tay tuyên giáo
✔️ Cộng sinh - sinh ra từ cộng ✔️ Ta tiếc cho em


Ðương nhiên là Saigon không còn nữa, bây giờ người ta gọi Sàigòn là thành phố Hồ Chí Minh, hay miễn dài dòng văn tự, dân Lục Tỉnh và Hà Nội gọi tắt là thành phố. Thành phố hẳn hơn nhà quê nên dân nhà quê ùn ùn đổ về Saigon, trông thấy rõ là dân Bắc, vào cái nơi mà ngày xưa vẫn được tuyên truyền là nghèo đói, kìm kẹp, cần phải giải phóng gấp.Thời tiết Saigon lý tưởng cho cả anh quần rách áo ôm lẫn bậc vua chúa, dân không nhà có thể ngủ trên hè phố suốt năm, và người ăn xin có thể sống tươm tất qua ngày như nhận xét của một anh Bắc, dân ăn xin hay chỉ mới hành nghề ăn xin, khi vào Nam là “vào trong này, ngửa tay xin mười người thì cũng có 8 người cho, ở ngoài Bắc thì đừng hòng!” Ngọn lúa nhờ phù sa, con cá, con tôm đầy trong ao rạch, tâm tính con người dễ dãi không lo âu. Anh xích lô máy ở thành phố kiếm ngày đủ ăn, cũng bánh mì, vịt quay, tối mua hai cái vé cải lương cho hai vợ chồng, chuyện ngày mai tính sau.

Có khách, người Nam có gạo thơm, con cá dưới ao, ngọn rau sau vườn. Miếng ăn không chật vật, nên lòng con người rộng rãi, dễ dãi.

Những mảnh đất miền Nam mang tên Long Khánh, Chương Thiện, Hố Nai, Gia Kiệm, Cái Sắn…không những nuôi sống nổi cho hai triệu người di cư từ Bắc Việt mà đã trở thành những địa danh trù phú, giàu có. Miền Nam quả là một vùng đất, béo bở. Không có miền Nam, miền Bắc phải trăm năm nữa mới thấy cái đài, cái đổng, cái xe đạp, con búp bê bằng nhựa biết mở mắt, nhắm mắt, cái xe Honda Nhật và cả 17 tấn vàng chiến lợi phẩm đem về Bắc cho mỗi anh trong Bộ Chính Trị cấu một tí! Và không có miền Nam, đầu óc miền Bắc giờ này hẳn còn đặc sệt chủ nghĩa búa liềm rỉ sét, nên nếu cho rằng miền Bắc sau tháng 4-1975 được giải phóng thì cũng không có gì sai.

Ðất Saigon là đất vàng, từ phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu, các khu quân sự cũ, được chia chác cho bọn kiêu binh, ngày nay trở thành những tư bản đỏ. Nhờ lợi thế kinh tế, ngoại giao và sự màu mỡ của những đặc lợi, quyền thế của hệ thống cai trị Saigon, Bí Thư Thành Ủy Saigon là nấc thang quyền lực cuối cùng đủ điều kiện để nắm chức Bí Thư Ðảng.

Vô Nam, giấc mơ của hàng triệu dân Bắc, ai vào Nam về cũng phởn phơ, thay thịt đổi da, giàu có sáng láng hơn người khác. Không phải ai cũng vào “thành phố” được, nên suốt dãy đất miền Trung, cho tới cao nguyên, những Ðắc Lắc, KonTum… đâu cũng thấy “ngoài ta” hiện diện, làm ăn khấm khá!

Nếu nói đến mảnh đất đang bị “xâm lược,” là phải nói đến Saigon! Một người Bắc trong một diễn đàn tên Trưng Vương đã nói đến những điều tai nghe mắt thấy về sự thay đổi quá nhanh của  Saigon, về chuyện Saigon bị “xâm thực” hay xâm lược:

“Mình là dân Bắc sống ở Hà Nội, nhiều lần vào Saigon và mỗi lần lại thấy có một Saigon khác.

Năm 1982, mình đi chơi trọn ngày không gặp một “đồng hương” phía Bắc.

Năm 2012 ra phố mua đồ đã gặp chủ hiệu áo quần là người Nghệ An, chủ quán ăn là người Hà Nội.

Năm 2016 đi dọc đường Lê Thánh Tôn thấy san sát khách sạn mà chủ là người Hà Nam, Hà Tĩnh. Các shop thời trang áo quần kính mát là người Thanh Hoá, Hải Dương.

Năm 2017 đi sáu cuốc Taxi thì bốn tài xế là người Nam Ðịnh, một Vĩnh Phúc, chỉ có duy nhất một người là Bình Thạnh, Saigon.

Người Saigon thấy rõ điều đó. Họ đâm ra ghét dân Bắc nói chung, bất kể anh là ai, làm gì, tốt hay xấu. (làm sao họ biết anh thế nào bởi để hiểu cần thời gian tiếp xúc lâu dài).

Hôm rồi anh bạn sống lâu năm ở Lý Chính Thắng mời lên tầng 51 toà nhà Bitexco ăn tối, bất chợt cách một bàn có 5-6 khách, nghe họ nói giọng Bắc quá to tiếng, cười rổn rảng, ngồi gác chân gác tay đầy tự tin cứ như ở một quán bia hơi! Một nơi như chỗ này rất cần sự nhẹ nhàng để không làm phiền các thực khách khác, nhất là khách nước ngoài. Thật sự mình thấy xấu hổ với mấy người bạn Sài Gòn.”

Cuối cùng tác giả đã nói một lời “Cho tôi xin lỗi..” Tác giả xin lỗi ai và nhân danh ai mà xin lỗi?

Báo chí trong nước, ngay cả Hà Nội cũng ghi đầy những chuyện tử tế trong cuộc sống hàng ngày của người Saigon. Một bạn đọc Tuổi Trẻ Saigon đã xúc động nói rằng: “Người Saigon luôn mang đầy tính hào sảng, bao dung và tử tế,” hay “Sống ở Saigon mười mấy năm nay, bây giờ dù có đi đâu cũng mong quay trở lại Saigon.”

Tính lương hảo, tử tế của con người Saigon được thể hiện qua những hành động rất nhỏ nhặt nhưng thấm đẫm tình người. Saigon đi đầu cả nước với những  món “miễn phí”, từ thùng trà đá, đến chỗ bơm vá xe mỗi ngã tư đường và từ năm 2016 là những “thùng bánh mì miễn phí, mỗi người một ổ!” Một nhà văn miền Bắc vô Nam sau ngày “phỏng giới,” đi mua mấy cây bút bi, được bà cụ bán hàng Saigon gói ghém cẩn thận lại buộc cho một sợi dây thun, trao tận tay người mua với một  nụ cười ân cần. Cử chỉ nhỏ nhặt này đối với chúng ta là thường tình, nhưng đối với nhà văn là chuyện lạ, khiến anh ngẩn người ra. Trong cái cử chỉ này có một điều gì gọi là tử tế, rất người, tương phản với cái “bản mặt” của các cô mậu dịch viên của miền Bắc đã được lớn lên, đào tạo trong môi trường độc hại XHCN.

Ðất lành chim đậu. Tôi chưa hề nghe chuyện một bà cô hay ông chú trong Nam nay đã dọn nhà ra Hưng Yên, Hải Phòng để làm ăn, sinh sống.

Ðất nước này là đất nước chung, nếu không có chế độ chỉ định cư trú thì ai muốn ở đâu cứ ở, chỉ tội nghiệp, như tác giả câu chuyện trên, cho rằng cuộc xâm lăng ồ ạt đã làm xấu đi khuôn mặt của Saigon. Năm 1954, Saigon đã đón đồng bào di cư từ miền Bắc, tuy có nhiều điều dị biệt, nhưng đây là những người có niềm tin, tôn giáo và lương thiện. Nhưng ngày nay Saigon phải nhận những người trong phe thắng trận, kiêu hãnh, mang trên lưng chút hơi hám quyền lực và với ý thức xâm lược. Và với nếp sống văn hoá đã bị tha hoá từ khi chủ nghĩa Marx-Lenin tràn vào đất nước, lớp người di cư hôm nay, sẽ gặm nhấm, thay đổi Saigon, dần dần trở thành một Saigon, bản sao của Hà Nội.

Phải nói rất buồn, ví như một ngày kia, chúng ta trở lại Saigon. Chúng ta có thể phế bỏ đi những tượng đài, biệt phủ, có thể thay đổi đi cái tên ngày Saigon bị hiếp dâm, nhưng làm sao tìm lại được “chất người” Saigon của những ngày cũ.

Lỗi của chúng ta đã làm mất Saigon, dù tìm lại được Saigon thì Saigon cũng đã mất!

Huy Phương
(Trẻ Online)
Tin liên quan:
✔️ Cha Đắc Lộ
✔️ Bàn tay tuyên giáo
✔️ Cộng sinh - sinh ra từ cộng ✔️ Ta tiếc cho em

Về đầu trang