Cái chết của nam sinh hay sự hấp hối của giáo dục trường học?


Tin liên quan:
✔️ Những hiệp sĩ khác và những kẻ vong thân
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Đôi lời nhận xét về giới trẻ từ một chuyên gia
✔️ Cafe Thứ Bảy: Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam
✔️ NCS Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách để có tâm hồn phong phú, suy nghĩ độc lập


Vụ việc một em nam sinh ở trường THPT Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự sát và để lại thư tuyệt mệnh bày tỏ sự khủng hoảng tinh thần trước áp lực học hành đang làm xôn xao dư luận.

Một sự kiện buồn và có thể nói là bi thảm. Để nuôi dạy được một người con 17, 18 tuổi, người bố, người mẹ đã mang nặng, đẻ đau, đã phải bế ẵm, thức trắng bao đêm?

Sự kì vọng và tình thương yêu của gia đình dành cho em đã lớn đến thế nào?

Và nữa, ở thời điểm thân thể đang căn tràn sức sống, thế giới tinh thần đang chứa đầy hoài bão lớn lao và cả những rung động tình yêu đầu đời, em đã quyết định tìm đến cái chết như một giải pháp cho sự kết thúc, khi ấy, em đã phải cô đơn, đau khổ, vật vã và tuyệt vọng đến thế nào?

Ai sẽ nhỏ nước mắt khóc thương em?

Ai sẽ cảm động vì lá thư-thông điệp mà em để lại?

Ai sẽ khỏa lấp, xoa dịu nỗi đau và có thể là cả sự giày vò ân hận của cha mẹ em, mái trường và cả thầy cô đã từng dạy dỗ em?

Và nữa, ai sẽ làm cho các bạn ngồi gần em, chơi với em, hoặc rất có thể đang yêu em quên được nỗi đau và sự trống vắng này?

Cái chết của em liệu có làm các vị lãnh đạo ngành giáo dục, các sở, phòng giáo dục, ban giám hiệu các trường và các phụ huynh tỉnh ngộ?

Ai đã làm cho em phải lìa bỏ cõi đời?

Nhìn gần thì đây là áp lực học tập.

Nhìn xa thì đấy là hiện tượng biến giáo dục thành khoa cử, biến trường học thành trung tâm luyện thi.

Nhận thức mù mờ về triết lý-mục tiêu giáo dục đã khiến cho giáo dục trường học quay cuồng trong triền miên các cuộc cải cách mà hầu hết các cuộc cải cách đó là …cải cách thi.

Nào cải cách thi tốt nghiệp, cải cách thi đại học, cải cách thi vào lớp 6, cải cách thi vào lớp 10.

Ở trường học thì nhịp điệu sinh hoạt một năm bó hẹp lại cũng chỉ có một chữ THI: các bài kiểm tra đủ dạng, thi khảo sát đầu năm, thi giữa kì, thi cuối kì, thi thử đại học.

Học sinh thi rồi giáo viên cũng thi. Hết thi giáo viên giỏi bộ môn các cấp (quận, huyện, tỉnh, thành phố, quốc gia) lại đến thi giáo viên chủ nhiệm giỏi. Hết thi sáng kiến kinh nghiệm lại đến thi chuyên đề.

Sau khi thi xong sẽ là điểm số (thông báo công khai thay vì đảm bảo riêng tư) và xếp loại, xếp thứ tự.
Việc xếp thứ tư theo lớp thậm chí là theo khối thành tích học tâp tính bằng điểm số là cái án khủng khiếp với học sinh. Ở đó một số thấy mình là người ưu việt, số khác đông hơn cảm thấy mình là người bỏ đi hoặc đần độn.

Thi cử đã trở thành hoạt động trung tâm của giáo dục và trường học thực chất đã biến thành trung tâm luyện thi. Dạy thêm ngoài giờ, dạy phụ đạo, dạy thêm, dạy bồi dưỡng…cũng là để phục vụ thi.

Trường học nơi có chức năng phát hiện, khai mở tối đa những phẩm chất năng lực của con người để họ biết sống như một người bình thường, một người biết kiếm tìm hạnh phúc cho mình và xã hội đã biến thành một cỗ máy luyện thi lạnh lùng và tàn nhẫn.

Nó đã biến các học sinh chỉ biết có cạnh tranh và đố kị thay vì hợp tác.

Nó đã biến đời sống trường học sống động, phong phú và đầy màu sắc thành một màu xám xịt đầy âu lo-nỗi lo bài tập về nhà và thi cử.

Nó cũng biến hành hố đen hút tất cả mối quan tâm và năng lượng của phụ huynh vào đó. Phụ huynh thay vì suy ngẫm xem mình muốn con mình trở thành người như thế nào đã cuống cuồng lo lắng xem con hôm nay được điểm gì, cuối kì đứng thứ bao nhiêu, có được học sinh giỏi không?

Thèm khát con cái thành đạt thông qua thi cử (sự kéo dài của khoa cử phong kiến) đã làm cho nhiều phụ huynh trở nên mù quáng hoặc tham vọng điên cuồng.

Học ở trường-chưa đủ.
Học ở trung tâm-chưa đủ
Phụ huynh cho con đến học ở cả nhà thầy cô.
Học ngày, học đêm, vừa ăn vừa học, vừa đi xe vừa học.

Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, sức lực con người chỉ có hạn. Hệ quả là sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần.

Càng cuối cấp III áp lực càng nặng nề.

Bao nhiêu áp lực trong cấu trúc hình tháp-biểu tượng của sự quan liêu và lạnh lùng cuối cùng dồn xuống học sinh-những người còn non nớt cả về thể xác lẫn tinh thần.

Hài hước làm sao khi cánh cửa đại học ngày càng rộng mở nhưng phụ huynh vẫn điên cuồng lo lắng huyện thi đại học của con và luôn mong con thi đỗ vào những đại học “tốp” đầu hay kì vọng phải đi du học.

Thế giới ngày nay khác thế giới của thời phong kiến. Xưa kia để thành công-thành đạt, nâng cấp địa vị xã hội chỉ có một con đường: học-thi đỗ-làm quan.

Ngày nay, con người có nhiều cách để lập thân.

Sẽ có những người theo con đường khoa bảng.

Sẽ có những người thành công nhờ học các trường danh tiếng.

Nhưng cũng sẽ có vô số những người khác kiến tạo đươc cuộc đời tự tin và hạnh phúc không nhờ vào hai con đường nó.

Để thành công và sống hạnh phúc con người cần có sức khỏe tốt và vốn văn hóa nền tảng mạnh trước khi cần điểm số hay bằng cấp.

Tuyệt đối hóa điểm số trường học hay sự thành công trong học hành trường lớp là một sự mù quáng trong nhận thức. Nói thẳng ra là sự ngu dốt.

Muốn trở thành một con người bình thường và xa hơn là một người có cống hiến cho xã hội, không thể chỉ cứ học giỏi các môn giáo khoa trong trường phổ thông hay thi đạt điểm cao là ổn.

Để có điều đó họ phải có lòng kiên nhẫn, tinh thần khoan dung, khả năng tập trung, khả năng hợp tác với người khác, khả năng vượt khó, khả năng chịu đựng và vượt qua sự chỉ trích…

Những cái đó phần nhiều sẽ không đến từ việc giải đi giải lại các bài toán, lý, hóa theo “form” định sẵn hay đọc và viết các bài văn mẫu để đi thi đạt điểm cao.

Nó sẽ đến trong quá trình “xã hội hóa” khi cá nhân trải nghiệm đời sống gia đình, xã hội và trường học.

Và đặc biệt nó đến thông qua việc cá nhân tích lũy nền tảng văn hóa cơ bản của bản thân thông qua việc đọc sách và biểu đạt bản thân thông qua thể thao, văn học, nghệ thuật, hoạt động xã hội…

Những người thành đạt mà không có sức khỏe và nền tảng văn hóa tốt rồi cuối cùng cũng sẽ găp rắc rối hoặc sự nghiệp của họ không bền vững.

Xin các vị lãnh đạo trong ngành giáo dục, các thầy cô và các phụ huynh đừng quên điều đó.

Cầu nguyện cho linh hồn em siêu thoát trên thiên đường mây trắng và em được sống một cuộc đời phong phú, hạnh phúc ở nơi xa xôi ấy.

Hà Nội, 12/4/2018
NCS. Nguyễn Quốc Vương
Tin liên quan:
✔️ Những hiệp sĩ khác và những kẻ vong thân
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Đôi lời nhận xét về giới trẻ từ một chuyên gia
✔️ Cafe Thứ Bảy: Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam
✔️ NCS Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách để có tâm hồn phong phú, suy nghĩ độc lập

Về đầu trang