Những hiệp sĩ khác và những kẻ vong thân


Tin liên quan:
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Cái chết của nam sinh hay sự hấp hối của giáo dục trường học?
✔️ Đôi lời nhận xét về giới trẻ từ một chuyên gia
✔️ Cafe Thứ Bảy: Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam
✔️ NCS Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách để có tâm hồn phong phú, suy nghĩ độc lập


Cái chết của những hiệp sĩ đường phố bắt trộm cướp đang gây sốc lớn. Nhưng nếu để ý sẽ thấy không chỉ lĩnh vực an ninh, trật tự mà ở các lĩnh vực khác rất nhiều hiệp sĩ đang làm thay việc của những người chuyên nghiệp.

Ở đây, trong phạm vi hiểu biết của mình tôi chỉ nói về giáo dục.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, giáo dục Việt Nam thực sự như một đại công trường. Náo loạn. Ngổn ngang. Thất thoát. Lãng phí. Bụi bặm. Và… ầm ĩ.

Nhưng trong âm thanh náo động đó, có cố lắng nghe người ta cũng chẳng mấy khi thấy xuất hiện những tiếng nói của những nhà giáo dục chính danh, chính thống trên các diễn đàn cho dù họ qua ngày tháng vẫn tiếp tục làm rất nhiều đề tài, đoạt thêm nhiều danh hiệu và hưởng ngày một nhiều bổng lộc. Họ cũng ngày càng có quyền lực hơn đối với sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong việc xét đề tài tốt nghiệp, hướng dẫn khoa học… Họ nắm trong tay quyền sinh và quyền sát.

Khi báo chí phỏng vấn họ im lặng né tránh hoặc phát biểu loanh quanh rất đúng… quy trình.

Ở trên lớp, ở hội đồng họ ngồi họ tỏ ra rất hoành tráng và khoa học còn trước công luận và thế giới bên ngoài họ… núp.

Cho dù cải cách giáo dục được chà đi xát lại rất nhiều lần, công chúng chờ đợi mỏi mắt cũng không thấy họ công bố các công trình nghiên cứu của họ làm nền tảng cho các cuộc cải cách đó. Các sách giáo khoa, các chương trình giáo dục vẫn được ban bố mà không có cơ sở học thuật đáng kể nào.

Cãi tôi ư, xin cho tôi hỏi đâu là các cuốn sách chuyên khảo, các cuốn sách dịch làm nền tảng cho “dạy học thông qua di sản”, “dạy học tích hợp”, “dạy học lấy học sinh làm trung tâm?”. Nếu có thì tác giả của chúng là ai, có phải là những người ở trên tôi vừa đề cập.

Nói thẳng thắn, họ đã không làm tròn vai. Những đề tài họ làm đem lại tiền bạc và là cơ sở đúng quy trình để sau nhận học hàm và vinh thăng tước hiệu nhưng nó không đem lại sự thặng dư trong tiến bộ tri thức và tác động tới xã hội. Vòng đời của nó chỉ đi từ người nộp đề tài, qua tay người thẩm định (thường là quen biết cả) và chui vào ngăn kéo hoặc may lắm là trở thành các cuốn sách in dày cộp sau đó chui vào thư viện nằm phủ bụi.

Trong khi đó, cũng trong lĩnh vực này người ta lại chứng kiến tinh thần hiệp sĩ và xả thân của những người vốn nằm ngoài hệ thống giáo dục và không làm giáo dục chuyên nghiệp. Đó là các nhà báo, các nhà văn, các sinh viên, các nhà hoạt động xã hội và đặc biệt là các phụ huynh.

Nếu quan sát kỹ hơn chúng ta sẽ thấy những tiếng nói tha thiết nhất về giáo dục, gợi mở nhất lại đến từ những người không còn làm giáo dục nữa hoặc ở lĩnh vực khác. Đấy là Nguyên Ngọc, Dương Thụ, Hoàng Tụy và nhiều người khác nữa không phải là người đang làm giáo dục hoặc vốn không phải là người nghiên cứu về giáo dục. Hoặc là những người đã định cư ở nước ngoài - nơi nước Việt chỉ còn là ký ức xa xôi hoặc nỗi niềm khắc khoải.

Tôi nghĩ họ là các hiệp sĩ vì họ đã làm những việc lẽ ra trước tiên là của những người khác-những người đang hưởng lợi từ vị trí chuyên nghiệp và cái danh khoa bảng trong hệ thống giáo dục.

Trong truyện ngắn “Đôi mắt” viết những năm 1950 của thế kỉ trước, nhà văn Nam Cao đã nói đại ý rằng cái đại họa của nước mình là những kẻ giỏi đánh tiết canh lại cứ thích làm chủ tịch. Lẽ ra họ phải đi bán cháo lòng mới phải. Cụ viết kiểu văn chương nhưng nên hiểu rằng đó là cụ chỉ ra việc ngồi nhầm chỗ.

Hiện tượng ngồi nhầm chỗ rất phổ biến. Muốn con thành người mà lại nhồi vào đầu con ngay từ đầu là học cho giỏi rồi làm quan kiếm chác ấy là tư duy muốn đặt con ngồi nhầm chỗ. Muốn làm giàu mà lại chọn con đường làm viên chức, công chức (những nghề có thể tính luôn ra thu nhập ngay từ đầu) thay vì kinh doanh, phát triển kỹ nghệ. Muốn kiếm danh lợi, vinh thân phì gia mà lại chọn nghề làm khoa học - nơi người ta phải khắc kỉ với bản thân nhiều nhất…

Vì ngồi nhầm chỗ nên để tồn tại tất yếu họ sẽ phải vong thân. Họ sẽ cố gắng giữ lại bản thân họ trong vai trò là bản năng sinh vật (ăn, mặc, ở, đi lại) để hưởng thụ các lạc thú đời thường và thỏa mãn dục vọng và chấp nhận dành đặc tính xã hội (nhân sinh quan, thế giới quan) cho con người khác. Vì thế họ sống nửa cuộc đời của mình và sống nửa cuộc đời của người khác. Hai người này cứ thoắt ẩn thoắt hiện chơi trò ú tim với nhau trong thân thể họ. Nó hệt như một trạng thái tâm thần phân liệt hoặc đa nhân cách-thứ mà ở nhiều nước được miễn nhiệm hình sự.

Cho đến tận giờ tôi vẫn nhớ mãi một mẩu chuyện trong tập truyện cổ Andersen hoặc Grim tôi đọc hồi bé. Hình như nó có tên “người nào vật nào về chỗ nấy”. Trong truyện có kể về một cái còi cứ thổi lên cái là thế giới được sắp xếp lại. Ai là đầu bếp thì ngồi vào bếp. Ai chăn vịt thì ra chuồng vịt. Ai đánh xe thì ngồi trên xe…

Đôi lúc lẩn thẩn nghĩ, tại sao cái ông Andersen kia lại là người Đan Mạch mà lại không phải là người Việt Nam.

P.s. Bài này viết để chỉ một hiện tượng xã hội tôi quan sát được không nhắm vào cá nhân nào nên bạn đọc nên mỉm cười tự nhủ “Chắc nó chừa mình ra” thì sẽ thấy thoải mái.

NCS. Nguyễn Quốc Vương
Tin liên quan:
✔️ Những hiệp sĩ khác và những kẻ vong thân
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Cái chết của nam sinh hay sự hấp hối của giáo dục trường học?
✔️ Đôi lời nhận xét về giới trẻ từ một chuyên gia
✔️ Cafe Thứ Bảy: Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam
✔️ NCS Nguyễn Quốc Vương: Đọc sách để có tâm hồn phong phú, suy nghĩ độc lập

Về đầu trang