Vua Gia Long và Tổng trấn Lê Văn Duyệt với đạo Công giáo

0
Khi đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng, các nhà thừa sai tìm mọi cách để Tin Mừng Chúa Kitô được đón nhận. Các ngài đã học và nói tiếng Việt, sống theo phong tục người Việt, tiếp xúc với mọi hạng người trong xã hội và dấn thân vào những hoạt động bác ái, giáo dục, khoa học với mong muốn qua những hoạt động này, men Tin Mừng được dậy lên. Một trong những đối tượng truyền giáo mà các nhà thừa sai nghĩ rằng qua họ Tin Mừng có sức lan toả mạnh là các vương hầu khanh tướng, gia đình hoàng tộc, vương tộc, vì một khi minh chủ theo đạo thì thần dân cũng dễ theo đạo của minh chủ. Tại Việt Nam, cũng không ít những vị hoàng hầu, cung phi, quan giai đã tòng giáo. Vua Gia Long và Tổng trấn Gia Định Thành đã có mối liên hệ qua lại rất sâu đậm với các vị thừa sai. Lẽ ra sự hiểu biết về đạo, việc nghe giảng về đạo, việc nhìn thấy những con người rao giảng và sống đạo, việc mang ơn của những người có đạo sẽ tác động lên nhận thức và đến lúc nào đó có thể biến đổi hai con người này. Nếu được như vậy đó là một thành công lớn lao của các vị thừa sai trên bước đường truyền giáo tại Việt Nam. Trong khuôn khổ bài này xin trình bày hai thái độ khác nhau trong một hoàn cảnh như nhau của vua Gia Long Nguyễn Ánh và của Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt về Đạo Công giáo. Tại sao họ không để Tin Mừng Chúa Kitô điều khiển cuộc đời họ? v Source: https://k7dcvhue.wordpress.com/2013/03/01/vua-gia-long-va-tong-tran-le-van-duyet-voi-dao-cong-giao

"Các con hãy đi rao giảng khắp muôn dân, và làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Thánh Thần"(Mt 28,19). Lời nhắn nhủ này của Chúa Giêsu trước khi về trời như một sứ mệnh truyền giáo. Trung thành với sứ mệnh này, biết bao con người đã lên đường vượt đại dương mênh mông sóng dữ để đem Tin Mừng Chúa Kitô đến cho muôn dân. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV có những nhà truyền giáo tiên phong mở đường đến vùng Bắc Á và Đông Á. Thượng bán thế kỷ XVII là công việc đặt nền móng của các giáo sĩ dòng Tên thuộc nhiều quốc tịch: Bồ, Ý, Pháp, Nhật, với sự tiếp tay của các thầy giảng và tông đồ giáo dân người Việt. Giữa thế kỷ XVII sang đầu XIX là thời kỳ các nhà thừa sai xây dựng và tổ chức Giáo hội qua Hội Thừa Sai Paris, dòng Đa Minh, dòng Phan Sinh, dòng Tên và sự góp phần của hàng giáo sĩ, nữ tu và thầy giảng Việt Nam. Tuy nhiên đây là thời kỳ khó khăn nhất, đẫm máu nhất trong lịch sử Giáo hội Việt Nam. Các nhà thừa sai tìm mọi cách để Tin Mừng Chúa Kitô được đón nhận. Các ngài đã học và nói tiếng Việt, sống theo phong tục người Việt, tiếp xúc với mọi hạng người trong xã hội và dấn thân vào những hoạt động bác ái, giáo dục, khoa học với mong muốn qua những hoạt động này, men Tin Mừng được dậy lên. Một trong những đối tượng truyền giáo mà các nhà thừa sai nghĩ rằng qua họ Tin Mừng có sức lan toả mạnh là các vương hầu khanh tướng, gia đình hoàng tộc, vương tộc, vì một khi minh chủ theo đạo thì thần dân cũng dễ theo đạo của minh chủ. Tại Việt Nam, cũng không ít những vị hoàng hầu, cung phi, quan giai đã tòng giáo. Vua Gia Long và Tổng trấn Gia Định Thành đã có mối liên hệ qua lại rất sâu đậm với các vị thừa sai. Lẽ ra sự hiểu biết về đạo, việc nghe giảng về đạo, việc nhìn thấy những con người rao giảng và sống đạo, việc mang ơn của những người có đạo sẽ tác động lên nhận thức và đến lúc nào đó có thể biến đổi hai con người này. Nếu được như vậy đó là một thành công lớn lao của các vị thừa sai trên bước đường truyền giáo tại Việt Nam. Trong khuôn khổ bài này xin trình bày hai thái độ khác nhau trong một hoàn cảnh như nhau của vua Gia Long Nguyễn Ánh và của Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt về Đạo Công giáo. Tại sao họ không để Tin Mừng Chúa Kitô điều khiển cuộc đời họ?

Thái độ của Nguyễn Ánh đối với đạo Công giáo


Năm 1776, đức cha Bá Đa Lộc từ Ma Cao đến ở vùng đất Hà Tiên theo lời mời của Đô đốc Mạc Thiên Tứ. Quan đô đốc nhường cho đức cha một khu đất khá rộng gần thị trấn để tiện việc truyền giáo. Chính tại đây, đức cha gặp Nguyễn Ánh và cho ông đến trú tại nhà. Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương đóng quân tại Tân Triều (phía bắc Biên Hoà), nơi đức cha Bá Đa Lộc đã từ Hà Tiên lên lập chủng viện cách đây 2 năm. Tháng 1. 1783, Tây Sơn chiếm Sài Gòn-Gia Định. Nguyễn Ánh chạy ra Phú Quốc, rồi Côn Sơn. Sau đó Nguyễn Ánh gặp lại đức cha Bá Đa Lộc tại Thái Lan. Từ đây, đức cha Bá Đa Lộc đi vào hoạt động chính trị giúp Nguyễn Ánh. Lúc đầu, Nguyễn Ánh chưa dứt khoát theo lời đề nghị của đức cha là cầu cứu Pháp, nhưng sau trận Thái Lan thua Tây Sơn ở Rạch Gầm –Xoài Mút, ông hối thúc đức cha Bá Đa Lộc đi cầu sự giúp đỡ của Pháp.

Vua Gia Long

Nhờ tiếp xúc với các Giám mục, Nguyễn Ánh đã bỏ thành kiến không tốt về đạo Công giáo. Các ngày Chúa nhật, thường có lễ trong đền, Nguyễn Vương để các quan có đạo tham dự Thánh lễ. Vương cũng năng đi lễ và nghe cách thích thú những bài giảng của Đức Giám mục. Trong những vùng vương đã chiếm được, điều có chỉ dụ cho người Công giáo được tự do (1)

Khi đức cha Bá Đa Lộc đi sứ sang Pháp trở về, Nguyễn Vương rất cảm tình với người Công giáo, hình như Vương lấy làm sung sướng mỗi khi có dịp gặp đức cha Bá Đa Lộc và tìm cách tỏ lòng biết ơn người. Nguyễn Vương thường nói với các quan: "Về mọi phương diện Người Âu vượt hẳn người Việt chúng ta. Không những họ giỏi về chiến thuật hành quân trên bộ cũng như dưới nước, học còn có một sự hiểu biết sâu rộng về các nghành thiên văn, chính trị và ngay cả nghệ thuật. Những người thông thái như thế không lẽ họ lại mù quáng mà theo tà đạo" (2). Thấy Nguyễn Vương trọng kính Đức Giám mục như và xưng hô người là "Thượng sư", các quan bực tức ghen tương, các ông trả thù bằng cách hại giáo dân. Để tỏ lòng biết ơn đối với đức cha Bá Đa Lộc, vua Gia Long bãi bỏ hết các chỉ dụ cấm đạo, cho phép các thừa sai được tự do truyền đạo, nghiêm trị những vụ lương dân ức hiếp người công giáo, khi họ đòi họ phải tế thần hoặc phải nạp tiền để được miễn tế. Nhà vua còn tỏ thái độ kính trọng các giáo sĩ, đặt Đức Giám mục ngang hàng với các quan triều đình, các thừa sai ngoại quốc ngang hàng với các quan đầu tỉnh, trấn thủ hay tổng đốc, và các linh mục người việt ngang hàng với các quan huyện. Tháng 6.1802, trên đường đem quân ra Bắc hà, vua Gia Long tới Nghệ An, dừng lại tiếp Đức cha La Mothe Giám mục địa phận Tây và thừa sai De la Bissachère đến chào mừng, nhà vua tiếp rất niềm nỡ và thân mật. Ngày 22.7.1802, vua Gia Long tiến vào Thăng Long giữa tiếng hoan hô của dân cố đô. Để tỏ thịnh tình đối với Công giáo, nhà vua tuyên bố huỷ bỏ các chiếu chỉ cấm đạo, đồng thời cho các Giám mục, linh mục ngoại quốc cũng như bản xứ được tự do giảng đạo, xây cất nhà thờ và các cơ sở giáo dục và bác ái.

Tuy nhiên thái độ trên đây của Nguyễn Ánh là thái độ của một người biết ơn trước sự giúp đỡ, cứu mạng của các Giám mục, linh mục chứ không phải là thái độ của một con người ngưỡng mộ trước chân lý. Đối với một vị vua Việt Nam, một thứ đạo cấm người ta không được gian dâm, không được cưới nhiều vợ, không thuyết phục được họ. Chính ông đã tuyên bố với các thừa sai: "Đạo các ông là đạo tốt lành nhưng nghiêm khắc quá, ai mà có thể giữ được? Tôi không thể nào chỉ cưới một vợ". Không chỉ vì nền luân lý mà vì lễ nghi tôn giáo đã làm cho Nguyễn Vương mất thiện cảm với đạo ít nhiều.

Cũng phải nói rằng thái độ chấp nhận đạo Công giáo ban đầu của Nguyễn Vương còn mang mầu sắc chính trị. Khi Đức cha Bá Đa Lộc từ Pháp trở về tiếp viện cho Nguyễn Vương, ghe Tây Sơn giết đạo như vậy, Nguyễn Anh tỏ ra rằng: "chúng nó tàn sát Công giáo, chứng nó tiêu diệt Công giáo thì Công giáo ủng hộ ta". Vào dịp nhà vua ra Bắc hà, nhà vua được các thừa sai trình bày về việc người Công giáo bị giết, xô xuống sông vì không nộp tiền tế thần. Vì vua Gia Long mới lên ngôi, ngai vàng chưa vững còn cần có sự ủng hộ của người Công giáo, nên vào tháng 9.1802 nhà vua ban hành một chỉ dụ cấm lương dân từ nay không được bắt người Công giáo đóng góp tiền bạc vào việc tế thần nữa. Cuối năm 1803, nhà vua ra Bắc một lần nữa để đón sứ thần Trung Quốc, nhân dịp này, Đức cha Longer đến yết kiến nhà vua nhưng thái độ của nhà vua đã hoàn toàn thay đổi. Nhà vua tiếp Đức giám mục với thái độ thờ ơ, lạnh nhạc và tránh bàn về chuyện tôn giáo. Trở về Huế, ngày 4.3.1804 Gia Long ra một chỉ dụ tự phong cho mình làm giáo chủ và tự định đoạt tất cả các việc về tôn giáo nói chung. Đặc biệt trong điều thứ 4 nhà vua chỉ dụ rằng Đạo Hoa Lang là một đạo ngoại lai đã truyền bá một cách lắng lút khắp trong nước và hiện vẫn còn, mặt dầu chính quyền đã muốn huỷ bỏ cái đạo dị đoan này. Đạo này đã truyền bá trong đám ngu dân, một số khá lớn đã tiêm nhiễm tà đạo và giữ luật cách mù quáng. Do đó, từ nay trong các tỉnh các làng có nhà thờ Hoa Lang, cấm không được sửa chữa hoặc xây cất nhà thờ mới ở những nơi chưa có, tuyệt nhiên cấm hẳn. Thế là các thừa sai vỡ mộng, khi một số trong các ngài đã tận tình giúp đỡ nhà vua khi còn là Nguyễn Ánh (3).

Thái độ trước sau như một của Tổng trấn Gia Định Thành đối với Công giáo


Lê Văn Duyệt là khai quốc công thần đã có công theo phò vua Gia Long từ những ngày còn lánh nạn Tây Sơn. Năm 1802, vua Gia Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng Đế, đóng đô tại Phú Xuân (Huế), Lê Văn Duyệt đi theo Gia Long ra Bắc đánh dẹp, rồi được đưa về Huế lo bảo vệ kinh thành. Sau đó, ông được đưa vào làm Tổng Trấn Gia Định và được trao cho "Thượng phương kiếm" là kiếm của vua dùng và được quyền "tiền trảm hậu tấu" uy quyền như một vị phó vương (người Pháp thường gọi ông là Vice-Roi) (4).

Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

Đức cha Michel Igneau đã viết: "Trong số các quan bạn của người Pháp, Tổng Trấn Sài Gòn đã dám đương đầu với tân vương và đám cận thần. Ngài thẳng thắn chỉ trích hoàng tử đã chà đạp đường lối khôn ngoan và khả kính của vua cha, và tỏ ra không biết ơn đối với những người tận tâm phục vụ, nhờ họ mà hoàng tử được ngôi vua" (5). Qua những lời trên có thể nói thái độ của Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt với các giáo sĩ và người Công giáo trước sau như một. Trong 18 năm trị vì của triều Gia Long, không có sắc chỉ bên vực hay cấm đạo nào nhưng đạo Công giáo tương đối tự do, dù cho thái độ của vua Gia Long càng ngày càng lạnh nhạt đối với các giáo sĩ đã từng giúp nhà vua. Chính vì thế vai trò của Lê Văn Duyệt đối với Công giáo không nổi bật cho bằng thời vua Minh Mạng bắt đầu cấm đạo.

Ngày 17.2.1825 vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo, viện cớ tầu Thétis và Espérance lúc rời Đà Nẵng đã để lại Regereau. Giáo sĩ Pháp cho là Minh Mạng cứng đầu, ngoan cố không nghe lời Lê Văn Duyệt và kể cả di chúc của Tiên Vương. Thực ra Minh Mệnh chỉ sợ thế lực của Thượng Công Lê Văn Duyệt, trong khi đó vua Gia Long không có một trối lại một điều gì về Công giáo và hẳn nhiên Minh Mệnh vẫn còn nhớ mãi tờ dụ của vua cha mạt sát Công giáo. Ngày 1.1.1827, vua Minh Mạng mở màn việc cấm đạo bằng việc sai bắt Gs Taberd đưa về Huế và ra lệnh tìm bắt các đạo trưởng Tây Dương đưa về Kinh làm thông dịch. Lúc đầu Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt ém nhẹm lệnh từ Kinh Thành Huế nên các trấn miền nam không biết để truy lùng các giáo sĩ, sau đó Bộ lễ thúc mãi, và ông nghĩ rằng triều đình cần thông dịch nên chọn Đức Giám mục Gagelin và linh mục Odorico rành chữ Hán Nôm gởi ra Huế (6). Đức Giám mục Taberd kể trong một bức thư đề ngày 28.4.1828 tại Huế rằng "lúc đầu ông không biết những ý đồ thầm kín của vua Minh Mạng, nhưng từ khi được người ta cho hay thái độ bất ưng của nhà vua đối xử với chúng ta, ông đã khóc than về việc đó. Tôi sẽ cho các ông rõ vài nét về vị đại thần này: ông xứng đáng được người Pháp biết danh, bởi lẽ ông là con người duy nhất mến họ và còn nhớ các công cuộc phục vụ lớn lao của Giám mục Pigneau và của cả quốc gia chúng ta nữa. Danh tước của ông là Thượng công, ông đứng đầu hàng quan giai và là nhân vật độc nhất mà nhà vua kính nể. Thấy rõ ý hướng cừu địch của nhà vua đối với thánh giáo chúng chúng tôi. Chúng tôi bèn biên thư cho vị đại quan này và nhờ nhiều nhân vật trần thuật với ông tình cảnh của chúng tôi, nhất là thảm trạng ở Bắc Kỳ. Nghe kể tình cảnh khốn khổ của chúng tôi, ông la làng lên: 'Tôi không hay biết gì hết về sự việc đó. Các cha cố Pháp có phạm trọng tội chi mà ngược đãi họ?... Khi chúng ta bị đói kém, và cho vải sồ khi chúng ta bị rách rưới mình trần thân trụi, không có chi hết trọi để che thân. Đấy, như thế đấy mà vua đã trả bao công ơn bằng bấy hành vi vong ân,... Tôi sẽ đi ra Huế và tôi sẽ tâu với nhà vua' " (7). Tháng 12.1827, Lê Văn Duyệt về Kinh Thành Huế tâu trình vua Minh Mạng nghe hành động của nhà vua là trái lẽ phải, trái với đường lối của vua cha, đồng thời trình bày những hồ sơ của Gia Long nhìn nhận công ơn của đức cha Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn. Nghe lời bộc trực cứng rắn của thượng công, Minh Mạng buộc lòng ngưng kế hoạch của mình, và ngày 29.6.1828 ba "tù nhân được phóng thích" (8).

Phần mộ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt ở lăng Ông Bà Chiểu.

Học giả Trương Vĩnh Ký thuật lại phản ứng của Thượng Công Lê Văn Duyệt như sau: "Ngài Tổng Trấn bấy giờ đang xem chọi gà thì dụ bắt đạo chuyển tới. Ngài kêu lên rằng: 'Làm sao chúng ta lại bắt bớ những kẻ đồng đạo với giám mục Adran và những người Pháp mà nhờ họ chúng ta còn có cơm ăn? Không, ngài nói tiếp, đang khi giận dữ xé dụ của nhà vua, chừng nào tôi còn sống, người ta sẽ không làm được chuyện đó, điều nhà vua muốn thì hãy làm sau khi tôi chết' " (9)

Tả quân lâm trọng bệnh và mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn tại Sài Gòn (nhằm ngày 15 tháng 8 năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi và "cho tới giờ sau hết, ngài vẫn còn là người bảo vệ người Pháp và các tín đồ Thiên Chúa giáo" (10).

Với hy vọng rằng sẽ có một "Constantinus II" tại Việt Nam thì việc truyền giáo sẽ dễ dàng hơn, các nhà thừa sai Châu Âu đã ra sức phò giúp cho Vương Nguyễn Ánh đoạt được ngôi vua, thống trị đất nước. Nhưng thái độ đó trải qua cùng năm tháng đã phai nhạc dần, để rồi về cuối đời, một chỉ dụ về tôn giáo đã làm các thừa sai và dân công giáo hoàn toàn thất vọng. Trong khi đó, một người đứng đầu hàng quan giai và là nhân vật độc nhất mà nhà vua kính nể, một con người được các thừa sai kính trọng nhất, luôn luôn nhớ đến sự giúp đỡ của các vị thừa sai trong những buổi cơ hàn. Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã dám đương đầu với vua Minh Mạng và đám cận thần để bảo vệ các thừa sai và những người theo đạo Hoa Lang. Thậm chí tới giờ chết ngài vẫn còn nhớ đến họ. Hai con người cùng chịu một ơn nhưng có hai thái độ khác nhau, ngược nhau. Nhưng hai con người đó có chung một thái độ: Tin mừng Kitô giáo không là lẽ sống của cuộc đời mình. Hạt giống Tin Mừng đã gieo vào nhưng vẫn còn trơ trọi trong hai con người này. Chân lý cứu độ không thể thắng được một tham vọng chính trị. Một nền luân lý chân chính không thể thắng được dục vọng, vinh hoa trần thế. Thiên Chúa không cần nhờ đến bàn tay quyền thế trần gian để truyền bá đức tin. Cậy trông vào thế vua quan, chẳng bằng ẩn nấu ở bên Chúa Trời (Tv 117) (11).

Giacôbê Văn Trần Đức Duy, Đại chủng viện Huế

(1) Lm Bùi Đức Sinh OP, "Giáo hội Công giáo ở Việt Nam", quyển I, Cagary-Canada-2002, trang 477.
(2) Lm Bùi Đức Sinh OP, "Giáo hội Công giáo ở Việt Nam", quyển I, Cagary-Canada-2002, trang 477.
(3) Lm Bùi Đức Sinh OP, "Giáo hội Công giáo ở Việt Nam", quyển I, Cagary-Canada-2002, trang 484-487.
(4) http://lichsuvn.info/index.php/Tu-lieu
(5) Đức cha Michel Igneau. Souvenirs de Hue. Typhon, Shanghai, 1941. Tr.214 (chú thích số 1).
(6) Cao Thế Dung, Việt Nam Công giáo Sử Tân Biên (1553-2000)-quyển III, Dân Chúa xuất bản-2003, trang 1466-1469
(7) B. A. V. H, Những Người Ban Cố Đô Huế, tập XIII-năm 1926, nhà xuất bản Thuận Hoá, trang 8-10.
(8) Lm Bùi Đức Sinh OP, "Giáo hội Công giáo ở Việt Nam",quyển II, Cagary-Canada-2002, trang 22-23
(9) Trương Vĩnh Ký. Bài đã dẫn. Tr.31.
(10) A. Schreiner. Les Institutions Annamites En Basse-Cochinchine Avant La Conqute Francaise. Tome I, Saigon, 1900-1902. tr.192.
(11) Lm Bùi Đức Sinh OP, "Giáo hội Công giáo ở Việt Nam",quyển II, Cagary-Canada-2002, trang 487.

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang