“HIV thì ít nhất 7 hay 8 năm mới chết, còn đói thì chết ngay...”

0
Có lần tôi được trò chuyện với một cô gái bán hoa. Cuộc nói chuyện dài rất dài nhưng câu hỏi và câu trả lời làm tôi nhớ nhất thì rất ngắn. Khi hỏi cô: “Em có sợ bị nhiễm HIV không?”, cô gái trả lời bằng giọng buồn: “Sợ cũng không được anh ạ, HIV thì ít nhất 7 hay 8 năm mới chết, còn đói thì chết ngay...”. Một lần khác trong câu chuyện với những người bỏ quê lang thang phố kiếm ăn câu trả lời của họ vẫn là sự bế tắc liên quan đến cơm áo gạo tiền. Ruộng thành khu công nghiệp, số người đi làm ở các nhà máy chỉ ở một độ tuổi nhất định đa phần thất nghiệp mà nguồn thu không có, chút ruộng đất kẹp sót lại giữa khu công nghiệp không thể cấy trồng vì ô nhiễm vì chuột phá, khi xung quanh không còn cánh đồng mẫu lớn thì chuột ở các khu dân cư tràn ra ruộng kẹp thật kinh khủng có khi chỉ trong một đêm chỗ lúa ít ỏi vừa chín đã tan hoang... Source: fb.com/tuan.phammanh/posts/3383633215058607

Có lần tôi được trò chuyện với một cô gái bán hoa. Cuộc nói chuyện dài rất dài nhưng câu hỏi và câu trả lời làm tôi nhớ nhất thì rất ngắn. Khi hỏi cô: “Em có sợ bị nhiễm HIV không?”, cô gái trả lời bằng giọng buồn: “Sợ cũng không được anh ạ, HIV thì ít nhất 7 hay 8 năm mới chết, còn đói thì chết ngay...”.

Một lần khác trong câu chuyện với những người bỏ quê lang thang phố kiếm ăn câu trả lời của họ vẫn là sự bế tắc liên quan đến cơm áo gạo tiền. Ruộng thành khu công nghiệp, số người đi làm ở các nhà máy chỉ ở một độ tuổi nhất định đa phần thất nghiệp mà nguồn thu không có, chút ruộng đất kẹp sót lại giữa khu công nghiệp không thể cấy trồng vì ô nhiễm vì chuột phá, khi xung quanh không còn cánh đồng mẫu lớn thì chuột ở các khu dân cư tràn ra ruộng kẹp thật kinh khủng có khi chỉ trong một đêm chỗ lúa ít ỏi vừa chín đã tan hoang...

Những lâm tặc tôi gặp đa phần có cuộc sống bi đát về kinh tế chỉ trùm của họ mới giàu, giàu đủ để mua mạng họ và mua nhiều thứ để có thể phá cả cánh rừng.

Đôi lần đi đường nhìn những người thồ nặng, chở cồng kềnh quá tải tôi hay nghĩ nếu tôi là cảnh sát giao thông tôi sẽ làm gì sẽ xử họ thế nào để giữ nghiêm luật, họ sai và có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng họ có thể làm khác không khi cả cuộc sống của họ và gia đình đặt trên gánh hàng nặng đó, họ biết hiểm nguy không? Biết cả nhưng họ vẫn tặc lưỡi...

Câu chuyện cố bắt một con rắn độc loại rắn có tên trong sách đỏ bảo tồn bất chấp có thể chết khi rắn cắn để đổi học phí cho con cũng giống như bao chuyện ở trên...

Đất nước đang phát triển đấy chứ, sau một đêm những cánh đồng bờ xôi ruộng mật bỗng thành đô thị, giá đất ruộng bèo bọt bỗng được tính bằng con số tỷ. Những biệt thự, siêu xe giá nghe mà không tin nổi có thứ đắt đến thế ở trên đời... chẳng có thứ xa hoa nào trên thế giới có mà ở Việt Nam không có, từ chiếc túi xách tay hàng chục ngàn đô la Mỹ, đến phiên bản siêu xe mà hãng xe sang chỉ sản xuất có 100 chiếc trên toàn thế giới, hay chiếc đồng hồ đeo tay giá tiền mua nổi cả một làng quê...

Đất nước đang phát triển đấy chứ những tượng đài nghìn tỷ mọc lên khắp nơi ghi dấu ấn thời đại...

Đất nước thiếu gì nhân tài, những tỷ phú đầy đường, những doanh nhân khủng vẫn rao giảng trên ti vi về đạo đức kinh doanh và cách khởi nghiệp kia kìa...

Những chính trị gia nhiệt huyết luôn theo đúng quy trình ở đâu chẳng có...

Đất nước đang hạnh phúc đấy chứ chùa chiền nào cũng lớn tượng cao có thấu được chuyện thế gian?

Nói chuyện đạo đức phê phán người nông dân liều chết bắt con rắn quý kia là huỷ hoại môi sinh thật dễ, phạt theo điều luật những người chở nặng kia thật dễ, thu những gánh hàng rong vi phạm vỉa hè lòng đường thật dễ, nhưng đặt mình vào hoàn cảnh đồng loại thật không dễ... khó hơn nữa là việc làm thế nào để những hoàn cảnh đó khác đi, hay những thân phận đó khác đi...

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết: “Chúng ta đang sống trong một đất nước mà bi kịch ở con người chủ yếu do khát vọng về miếng ăn và nhà ở gây ra. Đây là thứ bi kịch thảm hại nhất trong các bi kịch. Có người lưu ý tôi về bi kịch khát vọng dân chủ, bi kịch tôn giáo và nhiều thứ khác nhưng tôi thấy khả nghi. Tôi đã xem các thống kê về người tự tử, số người chết về miếng ăn và nhà ở chiếm tới 80%. Tôi chưa thấy có nhà chính trị hay nhà trí thức nào tự tử vì để bảo vệ lý tưởng cá nhân của mình.” Nhưng cũng ông Thiệp viết: “Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề” cái trách nhiệm mà nhà văn nói đến ấy là trách nhiệm với, gia đình, con cái, anh em, bạn bè và sau cùng là với xã hội... có lẽ vì thế mà những thân phận khốn khổ kia phải cố bơi cho dù ngược nước...

Phán xét thì luôn dễ thôi, làm thế nào để thay đổi mới là rất khó...








Phạm Mạnh Tuấn
Bài về chủ đề Nhận định:

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang