Giang hồ trà đá Mạc Can

0
Mấy ông thần bạn đọc ưa tò mò thường hỏi tôi: trên giang hồ, ông nể tay nào nhất? Thật tình, sợ thì không nhưng nể thì nhiều. Giang hồ không có vua, làm gì có ai là nhất. Nhưng đọng lại, cả trên trang viết lẫn ngoài đời thật, dân chơi thứ thiệt mà tôi quý hơn cả chắc chắn sẽ là Mạc Can, một nghệ sĩ lận đận đa tài. Ông là ảo thuật gia lừng danh, nghệ sĩ hài nổi tiếng, diễn viên đóng nhiều vai phụ nhất được ghi tên trong sách kỷ lục Guinness Việt Nam. Ông thành "nhà văn trẻ" khi bước sang tuổi 60, giành nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (2004), của UBND TP HCM (2003 - 2004) và của Trung tâm Doanh nhân văn hóa Việt Nam (2005). Source: fb.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10214188552547827
Mấy ông thần bạn đọc ưa tò mò thường hỏi tôi: trên giang hồ, ông nể tay nào nhất? Thật tình, sợ thì không nhưng nể thì nhiều. Giang hồ không có vua, làm gì có ai là nhất. Nhưng đọng lại, cả trên trang viết lẫn ngoài đời thật, dân chơi thứ thiệt mà tôi quý hơn cả chắc chắn sẽ là Mạc Can, một nghệ sĩ lận đận đa tài.

Ông là ảo thuật gia lừng danh, nghệ sĩ hài nổi tiếng, diễn viên đóng nhiều vai phụ nhất được ghi tên trong sách kỷ lục Guinness Việt Nam. Ông thành "nhà văn trẻ" khi bước sang tuổi 60, giành nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (2004), của UBND TP HCM (2003 - 2004) và của Trung tâm Doanh nhân văn hóa Việt Nam (2005).

Vậy nhưng, thời hoa niên, ông lại là một gã bụi đời thậm khổ, cứ rạc rài theo những đoàn lô tô, hội chợ, gánh hát rong - tạp kỹ lang thang vô định khắp Nam Kỳ lục tỉnh, không biết gia đình lưu lạc ở đâu. Mãi đến năm 17 tuổi, ông mới… tình cờ gặp lại người cha, ảo thuật gia Lê Văn Quý và quay về đoàn tụ với gia đình trong một căn nhà thuê nhỏ xíu trên kênh nước đen ở Sài Gòn.

Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, phim chiếu rạp ở miền Nam hoàn toàn nhập ngoại. Cả Sài Gòn, mỗi phim chỉ nhập về đúng một bộ, chiếu luân chuyển giữa các rạp. Khoảng chờ đợi giữa hai lần thay phim là cơ hội kiếm sống của các nghệ sĩ tạp kỹ. Thấp, nhỏ, chân tay khuềnh khoàng, dáng dấp hậu đậu, cái tướng "nhìn quá oải" của Mạc Can hóa ra lại là một lợi thế để vào vai chọc cười thiên hạ.

Ông diễn hề, kết hợp với bàn tay phù thủy của người cha ảo thuật gia Lê Văn Quý, trở thành đôi bạn diễn nổi tiếng mua vui cho khán giả quên khoảng thời gian đợi thay phim. Nghèo vẫn hoàn nghèo nhưng dẫu sao rời sàn diễn, nghệ sĩ nổi danh của tương lai vẫn còn có một gia đình làm nơi chốn đi về.

Lớn chút nữa, đến tuổi bị bắt lính, Mạc Can trốn chui trốn nhủi. Mỗi lần nghe chó sủa hay tiếng xe jeep phanh cái "rét" đầu hẻm, bà Mạc Thị Hào lại ấn đầu anh con trai xuống sàn nước thò ra giữa lòng kênh, chờ cảnh sát đi xa lại lôi lên. Nhưng trốn mãi cũng không thoát. Khoảng giữa năm 1966, Mạc Can bị bắt, tống vào trại Chí Hòa.

Mạc Can bị nhốt vào cùng phòng với Của "Xóm Chùa" (còn gọi là Của "Gia Định"). Xóm Chùa xưa, nay là đường Nguyễn Cửu Vân, quận Bình Thạnh. Thập niên 1960, đó là vùng ven lầy lội của tỉnh Gia Định, chỉ có dân lao động nghèo không nghề, đám lưu manh bị pháp luật săn đuổi không nơi ẩn náu mới dạt về đó sống chui nhủi.

Nguyễn Văn Của là một tay anh chị sô lô (không băng nhóm) không cướp của người nghèo, chỉ cướp hàng quân tiếp vụ. Của thấp, đậm, người chắc nịch, rất giỏi võ, từng biểu diễn phang ống quyển cong cả cột hàng rào lưới B40 bằng thép. Đám cảnh sát mò vào Xóm Chùa truy bắt du đãng, Của không chạy mà quay lại đánh cho cả đám chạy có cờ. Đám du thủ du thực vừa nể, vừa sợ, xem Của như đại ca toàn vùng.

Đầu năm 1966, Của "Gia Định" bị bắt, tống vào trại Chí Hòa với tội danh "gian nhân hiệp đảng". Từng tập tọng viết tin, Mạc Can đương nhiên từng nghe danh Của đại ca. Nhập phòng, tay chân anh nghệ sĩ nghèo đâm bủn rủn, sợ toát mồ hôi hột.

Nhưng Của "Gia Định" lại là một tay anh chị khoái văn nghệ, cũng biết danh Mạc Can nên rất quý. Anh ta thét đám cô hồn dạt ra hai bên để "nghệ sĩ lớn (vô tù thì lớn, ra ngoài thì nhỏ xíu, vì... đói ăn) biểu diễn tài năng". Tối, Mạc Can diễn xong, đại ca còn bắt đám "tù con so" (vô tù lần đầu) và đám "âm binh mất ma" (giang hồ chưa có số má) kê nệm, đấm lưng cho Mạc Can dễ ngủ.

Có bao nhiêu mánh lới, tài nghệ cả ảo thuật, hề, kịch câm, Mạc Can vắt óc mà nhớ, cố diễn cho bằng hết để giữ vị thế. Bù lại, tuy là tù "con so", Mạc Can dù chẳng có "số má" gì trong giang hồ vẫn tránh được màn ăn đòn hội chợ, lại được cơm bưng nước rót tận răng.

Diễn mãi cũng hết vốn, Mạc Can cố tìm chiêu để khỏi bị hành hạ và tiếp tục được hưởng an nhàn. Anh bày trò coi bói, tán ngang: "Trời ơi! Đường sinh đạo của đại ca dài thấy bà cố. Chắc như bắp, một tuần nữa là đại ca sẽ được hưởng an nhàn". Của "Gia Định" khoái lắm.

Bốc phét chẳng gặp thời. Đêm 25-8-1966, bị kích động, Của "Gia Định" đã cùng ba trùm du đãng khác là Đại Cathay (Lê Văn Đại), Lâm "Chín Ngón" (Lê Ngọc Lâm) và Ngọc Heo cầm đầu khoảng 800 tù thường phạm hai dãy ED, FD tấn công, đánh đập khoảng hơn 400 chính trị phạm cùng bị giam chung trong dãy lầu 3D. Trong lúc say máu, đám tù thường phạm đã đập phá và nổi lửa đốt luôn cả trại Chí Hòa.

Mất gần trọn một đêm, Cảnh sát dã chiến mới dập được lửa và ốp được đám thường phạm quá khích về lại các buồng giam. Một tuần sau, Của "Gia Định" cùng những kẻ đầu têu bất trị đã bị kết án và đày ra Phú Quốc. Quẻ bói không linh, gã "thầy bói" Mạc Can bị những tên tù còn lại "bề hội đồng" thừa sống thiếu chết, cho chừa tội "xạo ke giỡn mặt với đại ca".

Nhờ gia đình chạy chọt, ít lâu sau anh được thả. Thả bữa trước, bữa sau bị rình rập bắt lại. Không sống nổi với gia đình, anh bỏ nhà đi lang thang, làm đủ thứ nghề từ bán trà đá, đạp xích lô, ba gác, bán chim phóng sinh.

Có dạo, anh cặp kè với một tay ký giả bụi đời có bút danh rất kêu là Thanh Y Dạ Khách, thuê hai chiếc ghế bố ở Bến xe miền Đông mở hẳn một... hãng tin. Suốt ngày Thanh Y Dạ Khách đi lang thang khắp nơi trong nội thành, sục vào các bót cảnh sát thu thập đủ loại thông tin kiểu “xe cán chó”. Mạc Can gõ máy chữ, biến chúng thành những mẩu tin đúng cũng có mà trật cũng... kệ nó, bán cho các tờ báo lá cải, sống lay lắt.

Bạn diễn gắn bó nhất với Mạc Can là nghệ sĩ Ngọc Phu. Nghề chính là MC nhưng nghề phụ thì diễn viên, rồi vũ sư dạy nhảy, viết báo... thứ gì Ngọc Phu cũng biết. Bá nghệ bá tri, vị chi... bá láp. Ngọc Phu cũng nghèo “tàn canh giá lạnh”, ai kêu gì, nhờ gì cũng làm, đâm ra lắm nghề.

Ban đêm diễn chung, ban ngày Ngọc Phu “trưng dụng” Mạc Can về nhà thuê ở Ngã 7 Lý Thái Tổ làm... vú em. Vợ Ngọc Phu làm cave vũ trường, đi suốt đêm, ngày lăn ra ngủ. Chuyện thay tã, khuấy sữa, đút cháo cho hai đứa con nhỏ của anh ta rồi đi chợ, nấu nướng cho cả nhà, Mạc Can lo tất!

Ngọc Phu thích chơi máy ảnh, thường hay chụp ảnh ca sĩ, nghệ sĩ. Thỉnh thoảng, Mạc Can lại viết tin, viết chân dung nghệ sĩ đính kèm ảnh của Ngọc Phu bán cho mấy tờ điện ảnh kịch trường.

Từ nhỏ đã lang thang, Mạc Can chưa bao giờ được đến trường. Gánh hát đi đến đâu, cậu bé lại tréo chân trước cửa trường làng nơi đó mà học lỏm dăm ba chữ. Qua... vài chục trường thì cũng biết đọc biết viết, dĩ nhiên là còn sai be sai bét.

Ít học nhưng ham đọc. Vớ được cái gì có chữ, Mạc Can đọc cái nấy. Không hiểu cũng đọc. Mạc Can phát hiện ra căn gác trọ kế bên nhà Ngọc Phu có cả một kho sách. Sách báo vung vãi cả lên giường chiếu, sàn nhà, sặc mùi cứt gián.

Khách trọ căn phòng ấy là một lão trung niên ốm như que củi, tóc tai dị hợm, áo quần nhàu nát, bẩn thỉu, hôi thối như tổ đỉa. Một lần, nghe xủng xoảng tiếng mở nắp xoong, Mạc Can tò mò ghé mắt qua khe nứt vách ngăn nhìn sang. Lão dị nhân ung dung gạt lớp mốc xanh mốc đỏ trên bề mặt, bốc từng nắm cơm đã thiu bốc mùi trong xoong cho vào miệng nhai nuốt ngon lành.

Đoán rằng là dị nhân người siêu chữ, cuồng chữ, Mạc Can nể sát đất, bèn lân la làm quen xin được bái sư. Thì ra là trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Nhận làm thầy Mạc Can, Bùi Giáng đưa toàn những chuyện chữ nghĩa cao siêu, văn phạm, ngữ pháp rối rắm ra giảng giải khiến học trò cứ há hốc mồm không hiểu gì cả.

Giảng bằng tiếng Việt không ăn thua, ông cắt nghĩa bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Học trò sợ quá, chạy mất. Thầy cũng sợ học trò quá, trốn luôn. Họ không bao giờ có dịp gặp lại nhau. Nhưng với Mạc Can, nửa chữ cũng thầy, ông vẫn coi trung niên thi sĩ Bùi Giáng là người thầy đầu tiên, người thầy duy nhất của đời mình.

Mạc Can thời làm ký giả tự do trước 1975.

Sau giải phóng, kiếm sống bằng nghề bán trà đá ngoài Bến xe miền Đông, Mạc Can nảy sáng kiến bán thêm cốm, người ta ăn vào mau... khát, bán cho được nhiều. Không ăn thua, một tay “dân chơi cầu Ba Cẳng” sáng say chiều xỉn cho mượn xích lô đạp ngày một buổi. Quá nhỏ bé và yếu ớt, đạp không nổi, xe lật, hất một bà khách nặng tròm trèm 1 tạ xuống đường, bị chửi một trận. Mướn ba gác máy chở gạo, lại làm lật xe, rớt gạo, bị chủ đuổi.

Buồn quá, nản quá, thấy đời mình khổ quá, đâm cay cú và hận đời, ông bèn... tự tử. Nhằm đại một cái đuôi xe tải cắm đầu cắm cổ đạp cái xe đạp không chuông không phanh lao thẳng vào. Rầm một cái, xe gãy đôi, người văng xuống đường nhưng... không bị gì cả. “Tui không làm được gì nên hồn. Tự tử cũng thiếu... kinh nghiệm, làm sao mà chết”. Một nghệ sĩ lớn tuổi bảo: “Thật ra ông chết rồi. Bây giờ ông sống là sống cuộc đời khác!”.

Ừ thì khác, ông lấy vợ, sinh con rồi đi đóng phim, diễn ảo thuật, cả viết lách nữa. Làm tất, chẳng vì đam mê nghệ thuật, mà để kiếm tiền nuôi con nuôi vợ. Nhân tiện, lập một đống kỷ lục các kiểu.

Nghệ sĩ Mạc Can giao lưu với khán giả truyền hình.

Cách đây chừng chục năm, dối già, ông “thưa” với vợ con rằng bây giờ con cái đã đủ nghề nghiệp, có gia đình, trách nhiệm của Mạc Can tui đã hoàn thành, xin phép vợ con cho tui được "ra riêng" để... rong chơi cho đã. Đời tui nhọc nhằn quá, thời trai trẻ nó qua hồi nào không kịp hay, giờ “già lắm rồi”, muốn làm... trai trẻ một chút!

Gia tài “ra riêng” của ông chỉ có một chiếc xe Mate (loại xe bưu tá của Nhật, có chiếc ba-ga to xù). Hôm đi đóng phim ở Củ Chi, có một fan hâm mộ cứ đi theo, nhìn chiếc xe cà tàng của ông mà ao ước. Anh này nghèo, làm nghề bỏ mối bánh tráng từ Củ Chi xuống các chợ quận 5, đi xe buýt hoài thấy không cơ động nên ngó chiếc Mate cà tàng mà thèm.

Hiểu ý, Mạc Can mời anh ta ngồi sau xe mình về Đài Truyền hình chơi. Đến nơi, ông đổ đầy xăng vào xe, đưa chìa khóa và giấy tờ xe ra tặng, gỡ luôn cả nón bảo hiểm “khuyến mãi”. Anh chàng này chạy luôn một hơi, về đến Củ Chi mới điện thoại xuống cảm ơn, lúc đó mới dám tin là Mạc Can cho mình xe thiệt!

Kể lại chuyện này, mắt Mạc Can lại rơm rớm. “Đơn giản, anh chàng đó cần chiếc xe hơn tôi. Khi nhận xe, nhìn vào mắt anh ta, tôi biết bóng của mình trong đó đang trượt từ “thằng khùng” sang “ông bụt”. Chẳng lẽ không còn nơi để tin người ta vào lòng tốt nữa hay sao?”.

Câu hỏi của người nghệ sĩ già khiến tôi cay mắt. Đúng là Mạc Can đang sống ở kiếp sống thứ hai, kiếp sống của sự chia sẻ. Trong giang hồ, tôi nể ông, quý ông là vì thế.

Còn ai muốn hỏi gì nữa không?


Trà đá chém gió với Đỗ Trung Kwan về chùm khế ngọt (đoán thế).

Nguyễn Hồng Lam
Bài về chủ đề Khác lạ-Kỳ thú:

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang