Bánh trung thu giá rẻ được phù phép thành “hàng công ty” trà trộn vào thị trường

Bánh trung thu siêu rẻ bán công khai chưa chắc đã đáng sợ bằng việc chúng được đặt trong những chiếc hộp đẹp đẽ, gắn mác “hàng công ty” hay “hàng xách tay”.

Vỏ hộp mua ở Hàng Chiếu và bánh tự làm, sản phẩm này tung ra thị trường khiến không ít người bị “qua mặt”.

Như tin đã đưa, sáng 8/8 chi Cục quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ 14.000 chiếc bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Phần lớn số bánh trung thu dán nhãn mác Trung Quốc, không hạn sử dụng.

Chiếc bánh trung thu Trung Quốc được chào bán với giá 3.000 đồng/chiếc.

Số bánh bị thu giữ sẽ đem đi tiêu hủy nhưng còn tiểu thương khác, họ sẽ làm gì để tẩu tán số bánh đã mua về. Câu trả lời khá đơn giản khi chỉ cần xé nhãn cũ, mua bao bì mới, đóng hộp. Và thế là bánh trung thủ bẩn bỗng chốc trở thành hàng công ty, hàng xách tay, gia truyền…

Bánh Trung thu nhập khẩu giá rẻ bị thay nhãn mác đang là một trong những chiêu trò được các gian thương áp dụng.

Một tiểu thương trên phố Trương Định (Hà Nội) trao đổi với VTV, bánh trung thu mini này là hàng trốn thuế nên mới có giá rẻ như vậy. Mỗi ngày cơ sở của chị gửi đi tỉnh khoảng 50 thùng bánh. Nếu muốn bán dễ dàng, chỉ cần tháo vỏ ra xếp vào hộp mẫu mã đẹp rồi bảo là hàng công ty.

Tại phố Hàng Chiếu, nơi chuyên cung cấp bao bì, nhiều chủ cửa hàng cũng khẳng định, có thể in tem nhãn nhái dễ dàng, giống như thật, muốn bao nhiêu cũng có.

Bánh giá rẻ sẽ được “phù phép” thành sản phẩm cao cấp nhờ những chiếc hộp bắt mắt.

Bên cạnh chiêu trò “bình mới rượu cũ”, nhiều tiểu thương lại có cách lừa dối khác. Họ khẳng định trắng trợn với khách hàng rằng, sản phẩm này là hàng xách tay từ Hồng Kông, Đài Loan nên không có giấy tờ.

Sản phẩm bánh trung thu khổng lồ giá 40.000 đồng/chiếc cũng thu hút sự quan tâm của nhiều chị em nội trợ.

Chị Lan (tiểu thương ở Lào Cai) chia sẻ với VnExpress, mặt hàng bánh trung thu này bán khá chạy nhưng từ khi biết là hàng được nhập tại xưởng sản xuất Trung Quốc thì chị đã ngưng bán.

“Bánh này không phải xách tay từ Hồng Kông. Bởi lẽ, hàng xách tay thường là hàng có giá trị cao thì chủ hàng mới có lời lớn. Trong khi đó, loại bánh này giá khá rẻ, số lượng lên tới cả triệu chiếc. Chỉ cần khách đặt hàng là bao nhiêu cũng có. Thực tế, bánh được sản xuất bên các nhà xưởng tại Hà Khẩu (Trung Quốc) với số lượng cực lớn và không có giấy tờ xác thực về nguồn gốc Hong Kong như quảng cáo”, chị Lan nói.

Với hàng loạt các chiêu trò trên, người tiêu dùng phải tìm mọi cách tránh các mánh lừa. Theo đó, cách tốt nhất là không mua hàng trôi nổi, ham giá rẻ rồi “tiền mất tật mang”, nên chọn mua sản phẩm uy tín, bao bì sắc nét và đầy đủ những thông tin như tên bánh, cơ sở sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng…

Huyền Hương (DKN.tv)
Về đầu trang