Nghiên cứu cho thấy: Hầu như tất cả các đại dương đã bị phá hoại do những tác động của con người


Một nghiên cứu thống kê đầu tiên cho thấy chỉ còn 13% diện tích đại dương trên thế giới là chưa bị con người chạm đến và bị ảnh hưởng bởi nền văn minh của con người, bao gồm các vùng xa xôi nhất trên Thái Bình Dương và vùng biển ở hai cực của Trái Đất. Ngoài những khu vực này thì hầu như không vùng biển nào còn lưu giữ tính tự nhiên của sự sống hải dương hoang dã như trước đây nữa.

Các hạm đội đánh cá khủng, những tuyến hàng hải khổng lồ, và dòng ô nhiễm chảy ra từ đất liền, kết hợp với biến đổi khí hậu, đang hủy hoại đại dương. Hơn nữa, hiện chỉ còn 5% vùng đại dương hoang dã còn lại nằm trong các khu vực biển được bảo vệ.

Ts. Kendall Jones, thuộc Đại học Queensland, Úc và đang làm việc trong Hiệp hội Bảo tồn Đời sống Hoang dã (Wildlife Conservation Society) của quốc gia này, cũng là người đứng đầu nghiên cứu trên, đã phát biểu: “Chúng tôi kinh ngạc vì mức độ ít ỏi của diện tích hải dương hoang dã còn lại trên toàn thế giới. Đại dương thì rộng lớn, bao phủ 70% diện tích hành tinh của chúng ta, nhưng con người đã thành công trong việc gây tác động khủng khiếp đến hầu hết hệ sinh thái khổng lồ này.”

Ông Jones cho biết những dấu vết còn lại của tính hoang dã cho thấy sức sống của đại dương mạnh mẽ như thế nào trước khi hoạt động của con người xuất hiện và thống trị hành tinh này. Ông nói: “Chúng hoạt động như các cỗ máy thời gian. Chúng là ngôi nhà cho các mức độ phi tuyến tính của sự đa dạng sinh học biển và đây là một trong số ít những nơi chúng ta có thể quan sát được các quần thể khổng lồ của động vật ăn thịt nằm trên đỉnh chuỗi thức ăn, ví dụ như cá mập.”


Phần lớn những vùng biển hoang vu nằm ở xa bờ, ngoài khu vực bảo tồn của nhiều quốc gia. Các nhà khoa học cho rằng cần sớm có một hiệp ước bảo tồn khu vực biển đại dương ở xa bờ, bắt đầu vòng đàm phán vào tháng Chín này theo quy ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Họ cũng kêu gọi cắt giảm khoản trợ cấp 4 tỷ USD hàng năm mà các chính phủ chi cho ngành đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển xa bờ. Ts. Jones nói: “Thật ra, hầu hết việc đánh bắt cá xa bờ sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận nếu không được tài trợ phần lớn”.

Công trình mới này kết hợp với nhiều nghiên cứu trước đó nhằm nêu bật mối đe dọa đối với các đại dương. Hồi tháng 1/2018, giới khoa học đã cảnh báo rằng đại dương đang bị bóp nghẹt, với số lượng vùng biển chết rộng lớn về mặt sinh thái tăng gấp bốn lần kể từ năm 1950, và vào tháng 2/2018, các hải đồ mới cho thấy hiện nay, một nửa các đại dương trên thế giới đang bị công nghiệp hóa vào ngành đánh bắt thủy hải sản. Sir David Attenborough tại buổi ra mắt loạt phim tài liệu Blue Planet 2 (Hành tinh Xanh) của BBC vào tháng 12 năm ngoái từng phát biểu: “Các đại dương hiện đang bị đe dọa chưa từng có trong lịch sử nhân loại”.

Nghiên cứu mới này, được xuất bản trên tạp chí Sinh học Hiện hành (Current Biology Journal), đã xếp loại những khu vực biển vào dạng hoang sơ trong trường hợp chúng chịu ít hơn 10% tác động từ con người, dù từ một hay nhiều nguồn, ví dụ như thả lưới đánh cá.

Hầu hết các vùng biển xa bờ rất hiếm khi được bảo vệ. “Và do đó, tính hoang sơ của một vùng biển rộng lớn có thể biến mất bất cứ lúc nào, khi nhiều cải tiến công nghệ mới cho phép con người có thể đánh bắt cá ở độ sâu lớn hơn và có thể tiến ra xa hơn ngoài biển khơi” - Ts. Jones nói.

Biến đổi khí hậu lại đang gây ra thêm nhiều thiệt hại cho đại dương, và Ts. Jones kể rằng, khu vực biển hoang dã tại Bắc Băng Dương trước đây được băng tuyết bao phủ và bảo vệ trong thập niên 1970, thì nay chúng đã tan ra hết và nhiều tàu đánh cá có thể tiếp cận được vùng này. Đây là một vấn đề càng ngày càng nghiêm trọng, và ông nói: “Trong tương lai, khi cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn, tôi nghĩ là các bạn có thể khẳng định khá chắc chắn rằng đại dương ở bất cứ nơi nào cũng sẽ càng ngày càng dễ bị đe dọa bởi con người”.


Nguyen Dat An chuyển ngữ.
Nguồn: https://www.theguardian
Về đầu trang