Phiên toà cuối và “truyền thống” lưu manh của ngân hàng Việt


Tin liên quan:
✔️ Nghề thầy cãi ở Việt Nam
✔️ Dự luật an ninh mạng - Bước ngắn nhất đưa Việt Nam tách biệt thế giới văn minh
✔️ Sự ấm ức của những người không thể lên tiếng
✔️ Sự nguy hiểm của nền kinh tế dựa vào bất động sản
✔️ “Gấp mười tự do!” - Ngân sách (từ thuế dân) đang được dùng vô tội vạ!
✔️ Câu chuyện về các tỷ phú và con đường Việt Nam


Cả giới tài chính Việt đang đổ dồn sự quan tâm đặc biệt về Phiên toà cuối cùng sẽ diễn ra ngày 28/5 tới đây xử đại án lớn nhất ngành ngân hàng. Phiên toà cuối cùng này sẽ định đoạt số phận của hơn 4.000 tỷ đồng khách hàng bị mất trong Đại án Huỳnh Thị Huyền Như tại Vietinbank.

Có lẽ, không ở đâu trên thế giới khổ như phận người gửi tiền ở Việt Nam. Có nhiều tiền đi gửi ngân hàng chưa hẳn đã vui mà còn đèo bòng thêm nỗi lo có thể bị cán bộ ngân hàng cướp bất cứ lúc nào. Một khi bị cán bộ ngân hàng cướp, kể cả cướp hàng trăm, hàng nghìn tỷ thì ngân hàng cũng sẽ vô can. Đây là một vết nhơ của ngành ngân hàng Việt, và điều đáng buồn nhất là vết nhơ đó lại đang là “truyền thống” của các ngân hàng Việt.

Một bên là nỗi uất ức thấu trời của người gửi tiền mất oan hàng trăm tỷ, một bên là các ngân hàng dửng dưng, vẫn vô tư tiệc tùng lớn, thưởng cao cho nhân viên, công bố lãi cả chục ngàn tỷ.

Tại VPBank, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân (Củ Chi, TP. HCM) mất 26 tỷ đồng. Đã 3 năm xảy ra sự việc đến nay số tiền của bà Xuân vẫn mất hút.

Mới đây, vợ của Vua tôm Minh Phú cũng công bố mất 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại Eximbank. Tiền gửi tiết kiệm không cánh mà bay, sự việc rùm beng và tốn nhiều giấy mực của báo chí. Nghi can đã bị bắt nhưng tiền của vị khách VIP này vẫn một đi chưa trở lại. Eximbank vẫn phủi tay với trách nhiệm của mình.

Nói về sự vô trách nhiệm, dửng dưng với khách hàng có lẽ Vietinbank đạt đẳng cấp thượng thừa nhất, không bank nào vượt qua được. Ngân hàng vô liêm sỉ này vẫn đứng ngoài đại án Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng. Trong lúc nạn nhân gào khóc, khủng hoảng vì bị mất tiền gửi tại Vietinbank thì bank này tràn đầy tự hào khi công bố lãi 9.200 tỷ năm 2017, mục tiêu lãi 10.800 tỷ năm 2018. Hàng ngày họ vẫn vỗ ngực tự hào là ngân hàng bán lẻ tốt nhất, ngân hàng dẫn đầu trong top 1000, ngân hàng tiêu biểu tốt nhất Việt Nam, ngân hàng dịch vụ quản lý dòng tiền tốt nhất… Vâng ngân hàng tốt nhất là khi nhân viên ngân hàng kiêm phường trộm cắp, còn ngân hàng thì vô cảm, bỏ mặc nạn nhân với nỗi đau mất tiền.

Trở lại vụ án Huyền Như, hơn 7 năm đã trôi qua kể từ ngày vụ án Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ ở Vietinbank bị khởi tố. 7 năm liên tục, 3 phiên tòa cân não, hàng loạt cuộc điều tra căng thẳng, bản án dành cho Huyền Như đang dừng lại ở mức chung thân cho tội danh “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và phải bồi thường gần 4.000 tỷ đồng cho các bên thiệt hại. Riêng VietinBank được phán vô can trong việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ việc.

Bà Josephine Yei Pheck Joo, Tổng giám đốc Công ty Saigonbank Berjaya (SBBS) - nạn nhân đã mất trắng 210 tỷ đồng trong đại án Huyền Như cho biết bà quá sợ hãi - ám ảnh về chuỗi 2.500 ngày đi đòi số tiền trên. Người phụ nữ nhỏ bé, mềm yếu đã 7 năm, không một ngày nào bà bỏ sót lịch làm việc với các luật sư.

Nhà đầu tư nước ngoài này nói rằng bà đang không chỉ bảo vệ tài chính cho SBBS mà góp phần không tạo ra một tiền lệ xấu xí, một vết nhơ mà khi người ta nhắc đến chỉ có thể lắc đầu ngán ngẩm cho ngành ngân hàng.

“Bạn bè của tôi - những nhà đầu tư ở Malaysia và Singapore đang theo dõi vụ án này từng ngày từng giờ vì nó ảnh hưởng để quyết định đầu tư của họ ở Việt Nam. Phán quyết của tòa án sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Và không nói đâu xa, ngay chính những tổ chức đầu tư và khách hàng ở Việt Nam, họ đang âm thầm dõi theo đại án Huyền Như, họ đang trông chờ vào phán quyết của Tòa án Nhân dân Tối cao TP.HCM vào ngày 28/5 sắp tới. Họ đang trông chờ để xem còn có thể gia cố niềm tin của mình vào hệ thống ngân hàng Việt Nam nữa hay không!”, bà Yei cho biết.

Bạch Huệ
Tin liên quan:
✔️ Nghề thầy cãi ở Việt Nam
✔️ Dự luật an ninh mạng - Bước ngắn nhất đưa Việt Nam tách biệt thế giới văn minh
✔️ Sự ấm ức của những người không thể lên tiếng
✔️ Sự nguy hiểm của nền kinh tế dựa vào bất động sản
✔️ “Gấp mười tự do!” - Ngân sách (từ thuế dân) đang được dùng vô tội vạ!
✔️ Câu chuyện về các tỷ phú và con đường Việt Nam

Về đầu trang