Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, điểm bắt đầu của một thảm họa khác...


Tin liên quan:
✔️ Có đi, mới thấy…
✔️ Tin không, có một Miền Tây đang bị bức tử!
✔️ Sài Gòn - Thủ Thiêm, quy hoạch văn minh và nhân bản trước 1975
✔️ Chính dự án Thủ Thiêm Nam Sài Gòn khiến thành phố ngập úng không lối thoát!
✔️ Chúng ta đang tự đốt nhà mình

Quay trở lại vấn đề của Bán đảo Thủ Thiêm, tôi mời gọi chúng ta nên nhìn vào một khía cạnh khác của tính chất địa lý và môi trường nơi đây, qua bản đề án quy hoạch chi tiết năm 2012 của Sasaki Associates (Mỹ), được đăng trên trang profile ISSUU của cô Haley Heard, nhân viên thiết kế dự án của tập đoàn quy hoạch kiến trúc này, xem tại đây: Bản đề án quy hoạch chi tiết năm 2012 của Sasaki Associates (Mỹ).

Điều đáng lưu ý là ở trang 31, 32 và 33 của đề án này, độ cao so với mực nước biển của gần 80% toàn bộ vùng Bán đảo Thủ Thiêm từ 0m - 1m. Có nơi còn thấp hơn mực nước biển 40cm.




Khi triều cường dâng lên và đạt đỉnh cao nhất từ tháng 10 đến tháng 1 hàng năm, gần như toàn bộ bán đảo ngập trong nước triều.

Cũng vậy, trong đề tài “Xác định các quần xã sinh vật và kỹ thuật phục hồi, xây dựng sinh cảnh đất ngập nước và cây xanh đô thị thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm” (Ts. Đinh Quang Diệp, trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM), được tiến hành trong vòng 2 năm để phục vụ bản quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm của SASAKI, có những con số thực tế về chế độ thủy văn, địa chất như sau:

Lượng mưa cao, bình quân 1.949 mm/năm. Số ngày mưa trung bình 159 ngày/ năm. Khoảng 90% lượng mưa tập trung vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, trong đó tháng 6 và 9 thường có lượng mưa cao nhất.

Thủ Thiêm nằm cách ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai - Soài Rạp không xa. Vì thế, nguồn nước đổ vào bán đảo đến từ sông Đồng Nai, thủy điện Trị An, Thác Mơ, Dầu Tiếng + thủy triều biển Đông truyền vào hệ thống sông rạch Lòng Tàu - Soài Rạp.

Địa hình Bán đảo Thủ Thiêm là sản phẩm của một quá trình bồi tích lâu dài có nguồn gốc sông với các tính chất:

1. Một vùng thấp trũng, khá bằng phẳng

2. Hướng địa hình thấp dần từ thượng lưu xuống hạ lưu và từ sông vào nội đồng.

3. Dải đất cao ven sông có dạng các đê tự nhiên (giồng ven sông), song do lượng phù sa sông Sài Gòn ít ỏi, nên xuống đến khúc quanh Thủ Thiêm cao trình đê tự nhiên còn lại không đáng kể. Tuy vậy, người dân địa phương vẫn lợi dụng dải đê hẹp ven sông để tôn tạo thành khu dân cư, đường sá, nên hiện tại khó phân biệt phần nào là đê tự nhiên phần nào là nhân tạo. Lớp đất đắp phía trên dày khoảng 0,6 – 0,8m.

4. Vùng đất cao nhất (1,4 – 1,8m) nằm dọc theo đường Lương Định Của (chủ yếu là đất đắp), một vài vị trí có cao trình đến 2m.

5. Vùng thấp trũng nhất ở trung tâm bán đảo có cao trình bình quân 0,5m, với nhiều đầm, đìa có cao trình < 0m thường xuyên ngập nước.

6. Trừ những vùng đất ở, một diện tích rất nhỏ được sử dụng vào việc trồng hoa màu, phần lớn diện tích còn lại có thể gọi là đầm lầy, rừng ngập nước tự nhiên.

Địa chất:

Các trầm tích ở đây có nguồn gốc chủ yếu là sông, đầm lầy, nên vật liệu mềm, nhão, chứa nhiều di tích hữu cơ (trầm tích Holocene) xuất hiện từ mặt cho đến độ sâu 15m-20m. Phù sa cổ xuất hiện từ độ sâu 15m-20m đến 60m và sâu hơn. Các thành tạo mới thuộc trầm tích Pleistocene (phù sa cổ). Đặc trưng chung là chứa nhiều vật liệu thô, sạn sỏi.

Trong phạm vi một chiều dày rất lớn đất không có cấu trúc (structure), độ ẩm tự nhiên rất cao >75%, giới hạn chảy 79-80%.

Mức nước ngầm rất cao, cách mặt đất 0,4m-0,5m ở các vùng nội đồng và <1m ở các vùng cao ven sông.

Vì thế, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mối hiểm họa của vùng đất này trước một tương lai đen tối về mặt khí hậu như sau:

1. Lượng mưa được dự đoán sẽ còn tăng cao lên gấp nhiều lần (trên 3.500mm/năm), và sẽ có những cơn bão kéo theo những cơn mưa cực đoan với khối lượng nước mưa đổ xuống trong cùng một thời điểm rất lớn. Trong khi đó, khuynh hướng bão tiến vào miền Nam tại khu vực Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu - Sài Gòn trong tương lai là rất cao. Nếu bão và mưa xảy ra cùng một thời điểm với đỉnh triều cường (rất dễ trùng hợp vì triều cường dâng từ tháng 10 đến cuối năm, thời gian xảy ra nhiều cơn bão lớn và có khuynh hướng dạt vào miền Nam), thì thảm họa sẽ xảy ra vì lượng nước nguồn đổ xuống hệ thống sông ngòi sẽ không tiêu thoát đi đâu được, mà dâng cao, cộng với lượng nước mưa trút xuống các vùng thấp nghậm nước bão hòa của Thủ Thiêm, sẽ nhấn chìm và cô lập phần lớn bán đảo này trong biển nước.

2. Trong 50 năm sắp tới, với kịch bản nền nhiệt khí hậu tăng +2 độ C, mực nước biển toàn cầu được dự đoán sẽ dâng ít nhất là 2 mét do băng ở hai cực của Trái Đất tan ra. Nếu các quốc gia công nghiệp như Mỹ, Trung Quốc và Nga không cắt giảm lượng khí thải nhà kính của họ như đã đề ra trong Hiệp định Khí hậu Paris (2015), thì nền nhiệt này còn tăng cao hơn nữa, và dĩ nhiên, mực nước biển sẽ còn dâng cao hơn. Chỉ cần băng ở Bắc Cực và Greenland tan ra hoàn toàn, mực nước biển sẽ dâng lên 8-12 mét.

Như vậy với nền đất cao trung bình từ 0m - 1m ở Thủ Thiêm, cho dù có nâng nền xây nhà lên thêm 2,5m nữa (đề xuất của Sasaki), thì với mực nước biển dâng ít nhất là 2m, cộng với đỉnh triều cao 1m, cùng với một cơn bão trút xuống khoảng 1.000mm nước mưa trong 4-5 giờ, chúng ta dễ dàng đoán được điều gì sẽ xảy ra với toàn bộ các căn biệt thự của tập đoàn địa ốc Đại Quang Minh, Phát Đạt, Lotte, Hoàng Anh Gia Lai được xây dựng tại khu trung tâm bán đảo này. Những cái tên mỹ miều của thiên đường như Sala, RiverFront Residence, My Paradise, Eco Smart City... sẽ có một đặc điểm chung duy nhất trong tương lai: những ốc đảo cô đơn và lạnh lẽo.

Trong khi các cường quốc trên thế giới đang rút lui và tránh xây dựng nhà cửa và công trình ở vùng thấp và sát mép thủy triều dâng, thì tại Việt Nam, cơn điên loạn và ngu xuẩn của chính quyền đất nước này đang kích động lòng tham của những nhà đầu cơ bất động sản tiến ra vùng đầm lầy và ven biển để phát triển các đô thị lớn dành cho giới nhà giàu. Đó là vì đất ở những khu vực này dễ ăn cướp và giải tỏa trắng trợn, vì dân cư sống lâu đời tại đây rất nghèo, thưa thớt và thấp cổ bé họng. Bằng các chiêu thức marketing và quảng cáo hoành tráng, rầm rộ, các tập đoàn địa ốc mafia kết hợp với quyền lực của nhà cầm quyền đã mê hoặc lòng tham và ước mơ của giới trung lưu và thượng lưu bên kia sông, là những cơn sóng đầu tiên của đầu cơ bất động sản, kích hoạt quá trình mua-bán liên tục của thân phận con người, cho đến khi cơn sóng thật sự của đại dương sẽ nhấn chìm tất cả trong biển nước.

Trong những đợt sóng đầu cơ bất động sản tại Bán đảo Thủ Thiêm, lương tâm và đạo đức của con người bị cuốn trôi. Nhưng khi các cơn sóng thực sự của biển Đông ập vào, chúng hủy diệt mọi thứ, kể cả mạng sống của con người, như một lẽ thường tình của đất trời: của thiên trả địa - làm ăn thất đức thì đời con đời cháu sẽ trả nợ.

Nói thẳng ra, chúng tôi gọi dự án quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là điểm bắt đầu của một thảm họa khác sẽ xảy ra ở phía bên kia bờ sông Sài Gòn.

Nguyen Dat An
Tin liên quan:
✔️ Có đi, mới thấy…
✔️ Tin không, có một Miền Tây đang bị bức tử!
✔️ Sài Gòn - Thủ Thiêm, quy hoạch văn minh và nhân bản trước 1975
✔️ Chính dự án Thủ Thiêm Nam Sài Gòn khiến thành phố ngập úng không lối thoát!
✔️ Chúng ta đang tự đốt nhà mình

Về đầu trang