Hiệp sĩ


Tin liên quan:
✔️ Cộng sinh - sinh ra từ cộng
✔️ Nơi tôi đang sống...
✔️ Không tìm cách chặn từ nguồn cơn, có bao nhiêu hội hiệp sĩ cũng không đủ…
✔️ Đến bao giờ mới hết thảm cảnh chết người?
✔️ Hiệp sỹ, anh là ai? Công an, anh là ai?
✔️ Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí

Hai “hiệp sĩ” đã chết khi đương đầu với một bọn cướp ngày. Cái chết nào cũng đáng tiếc, đáng kính cẩn, nghiêng mình, nhất là khi người tử nạn đã hy sinh mạng sống để bênh vực người khác, trong một xã hội vô cảm, mỗi người chỉ lo thân mình.

Điều đó không cấm người ta thấy chữ “hiệp sĩ” nó kỳ kỳ, như rất nhiều từ ngữ sinh sôi nẩy nở ở Việt Nam những năm gần đây.

Khổng Tử nói: “Ngôn bất chính, danh bất thuận”. Camus nói: “Không dùng chữ cho chỉnh là mang cái hỗn loạn thêm vào cái hỗn loạn đã hiện diện”.

“Hiệp sĩ” ở Việt Nam là một hình thức nhân dân tự vệ, nhân dân võ trang, người Pháp gọi là “milice”. Milices ra đời trong những giai đoạn đen tối nhất, hỗn loạn nhất của mỗi quốc gia.

Một quốc gia xứng đáng là một quốc gia đặt nền tảng trên sự an toàn của người dân. Nghĩa vụ bảo vệ an toàn của người dân đặt trên vai một lực lượng an ninh công lực hữu hiệu, và một nền pháp lý công minh.

Người công dân một nước bình thường không phải tự vệ. Đó là trách nhiệm của nhân viên công lực. Không có quyền trả thù hay xét xử người khác. Đó là trách nhiệm và độc quyền của công lý.

Khi hai cơ sở đó không hữu hiệu, hay tệ hơn nữa, hữu hiệu nhưng bất công, bất lương, thối rữa từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ phải sang trái, xã hội sẽ rối loạn, các “milices” đủ mọi hình thức ra đời. Như ở Việt Nam ngày nay.

Ở Việt Nam ngày nay, công lý là trò hề lố bịch. Lố bịch và tàn nhẫn. Những phiên toà bỏ tù những người yêu nước, khoan hồng với người hiếp dâm trẻ em có tuổi đảng, đã cho thấy khuôn mặt pháp lý ở Việt Nam nó thô tục, nham nhở tới bực nào.

Lực lượng an ninh Việt Nam rất “hữu hiệu” trong những cuộc đàn áp người yêu nước!

Lực lượng an ninh Việt Nam không phải không hữu hiệu, trái lại, nó cực kỳ hữu hiệu, vì nó là tổ chức đông nhất, được huấn luyện kỹ nhất, với ngân khoản lớn nhất trong một nước kiệt quệ, bệnh nhân nằm ngoài sân, học sinh chen chúc nhau trong những chuồng bò. Nó đông đảo, hữu hiệu, nhưng không phải để bảo vệ dân, mà ngược lại, chống lại dân. Nó chỉ để bảo vệ Đảng. Bảo vệ chế độ. Quân đội, công an, cảnh sát hỗ trợ bọn cướp đất, cướp nhà, đàn áp thẳng tay những nạn nhân của bất công, của tham nhũng, và những người còn có lòng với đất nước. Dân không còn tin ở nhân viên công lực, ở quan tòa nữa. Họ tìm cách tự vệ.

“Nhân dân tự vệ” là triệu chứng của một xã hội băng hoại, một quốc gia bệnh hoạn, trên đường giải thể. Nó có thể là một thái độ nghĩa hiệp trong giai đoạn đầu, dần dần nó sẽ thêm cái hỗn loạn vào cái hỗn loạn.

Trong một chế độ toàn trị như Việt Nam, nhân dân tự vệ sớm muộn gì cũng phải bắt tay với nhà nước để sống còn, vì nhà nước sẽ đập tan, và có dư khả năng, dư cái tàn bạo để đập tan tất cả những lực lượng nào đe dọa uy quyền của họ.

Người ta có thể cấm các tổ chức nhân dân tự vệ, các milices, để cho xã hội có bề mặt ổn định. Nhưng đập vỡ hàn thử biểu (thermomètre) không làm cho bệnh nhân hết cơn sốt. Một xã hội lở lói sẽ có đủ cách, đủ hình thức để phơi trần cái lở lói, bệnh hoạn.

Antonio Gramsci gọi đó là những hiện tượng quái dị của thời tranh tối tranh sáng, một thế giới cũ đang chết nhưng một thế giới mới chưa thành hình.

Từ Thức
Tin liên quan:
✔️ Cộng sinh - sinh ra từ cộng
✔️ Nơi tôi đang sống...
✔️ Không tìm cách chặn từ nguồn cơn, có bao nhiêu hội hiệp sĩ cũng không đủ…
✔️ Đến bao giờ mới hết thảm cảnh chết người?
✔️ Hiệp sỹ, anh là ai? Công an, anh là ai?
✔️ Xã hội pháp quyền phải quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí

Về đầu trang