Khoảng thời gian này, năm ngoái!

0
Giữa tháng 05/2021, Sài Gòn lockdown phân nửa. Ngày 01/06/2021, toàn thành phố giới nghiêm. Sự sống chìm vào cơn khủng hoảng. Bệnh viện quá tải, người chết tăng chống mặt vì cúm Tàu. Sau này nhìn lại người ta nói đó là do quản lý yếu kém, ứng phó với tình huống một cách lúng túng. NGUỒN: https://fb.com/nguyen.a.huy.31/posts/pfbid0kH9Y25jcBwBPqvWhUnsj2ortsm6kjny7YjkYVfVceYRPvheckzNtmkV6cmPcRx9pl

Giữa tháng 05/2021, Sài Gòn lockdown phân nửa. Ngày 01/06/2021, toàn thành phố giới nghiêm. Sự sống chìm vào cơn khủng hoảng. Bệnh viện quá tải, người chết tăng chống mặt vì cúm Tàu. Sau này nhìn lại người ta nói đó là do quản lý yếu kém, ứng phó với tình huống một cách lúng túng.

Nhưng bác sĩ, điều dưỡng và toàn ngành y tế đã chiến đấu cảm tử. Tiếc là về sau, hình ảnh lung linh, đẹp đẽ này đã bị hoen ố vì kit test Việt Á và các vụ lợi dụng dịch bệnh để kiếm chác một cách bất nhân.

Hồi tưởng lại nhịp sống lúc ấy. Toàn thành phố thiếu lương thực, thiếu thuốc men. Những khu lao động bình dân kêu cứu. Những người bạn nghệ sĩ của tui như Trịnh Kim Chi, Cát Tường, Quốc Thuận, Đại Nghĩa, đạo diễn Xuân Phước, Lê Khâm, Huỳnh Ly, Bình Tinh, Hồ Lê Bảo Sơn, và nhiều người nữa không nhớ hết, lao ra ngoài, bất chấp nguy hiểm đến với bệnh nhân và người lao động nghèo.

Những người bạn khác như nhà báo Hoàng Kim, nghệ sĩ Thanh Thuỷ, nghệ sĩ Hữu Quốc, nấu từng bữa ăn cho người túng quẫn. Nhà văn Trần Nhã Thuỵ, nhà thơ Phương Huyền mang từng món tiền, từng phần thức ăn đến các hẻm nhỏ Sài Gòn.

Những người bạn công giáo Lê Nguyễn Phương Trâm, Nguyễn Peng miệt mài từ đầu đến cuối mùa dịch; khi thì cung cấp rau củ, khi thì nấu thành bữa ăn từ thiện.

Dấu lặng trong lòng tui lúc ấy, Đông Phương, cô em bạn dễ thương của tui- tình nguyện viên cho bếp ăn từ thiện đã ra đi vì bệnh viện quá tải, không thể cấp cứu và chữa trị.

Những đám tang mà người thân không thể tham dự, phải quỳ gối ven đường chờ xe tang đi ngang cúi lạy tiễn biệt khiến tui rơi lệ. Những gia đình cha mẹ ông bà chết hết, con cháu bỗng chốc mồ côi.

Ôi đau thương một kiếp người.

Thành phố chìm trong cảm giác nặng nề, u buồn và chết chóc.

Và đây, bức hình này, người phụ nữ nghẹn ngào không dám nhìn vào thân xác của người thân. Bức ảnh mang tên " Những lễ tang lặng lẽ" (chụp một gia đình có người mất vì covid-19 ở quận 6, Tp. HCM) của Duy Hiệu. Tác phẩm đoạt huy chương vàng Giải thưởng hàng năm Asian Media Awards 2022 do WAN-IFRA tổ chức, dành cho những cơ quan báo chí châu Á có các dự án truyền thông độc đáo.

Giờ nhìn lại hình ảnh này, tim tui vẫn bồi hồi. Lúc ấy, má tui hôn mê gan, thành phố giăng dây chằng chịt, mọi sự di chuyển đều phải được cho phép. Người anh em của tui đã rất linh hoạt xin được giấy phép đi đường. Má đến bịnh viện kịp lúc. Cấp cứu kịp thời. Cảm ơn người anh em.

Đến tháng 1/2022, má bị chủng Omiron, một lần nữa bác sỹ và điều dưỡng đã cứu má thoát lưỡi hái tử thần. Cảm ơn bác sĩ và điều dưỡng!

Giờ đây, Sài Gòn đã trở lại cảnh kẹt xe. Dòng chảy cuộc sống ồn ào và hối hả như là chưa từng trải qua thời điểm chết chóc, đen tối. Mọi người lao vào cuộc mưu sinh. Và thỉnh thoảng, họ nhắc lại những người thân, những người bạn đã ra đi vì dịch cúm Tàu.

Dù người ta có cố đổi tên, nhân loại vẫn nhớ tên dịch cúm Tàu với nhiều nỗi hồ nghi xuất phát từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Một cơn đại dịch khác thường, kéo dài dai dẳng và tàn phá kinh khủng nhất từ trước đến nay.

Giờ nhìn lại, những người còn sống chỉ còn biết cảm ơn ơn trên đã chở che. Để rồi nhiều năm sau này, khi đã già yếu, ai đó trong chúng ta sẽ kể cho con cháu nghe rằng: vào cuối năm 2019 cúm Tàu xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc). vào đầu năm 2020 lan rộng ra thế giới. Năm 2021 giết chết hàng triệu người, trong đó Sài Gòn bệnh nặng, và nó còn âm ỉ đến năm 2022.

Sài Gòn, một ngày nhìn lại - cầu nguyện bình an!
29/05/2022

Nguyễn Anh Huy

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang