Raphael Rhodes Thanh Chiêm, cậu bé làm ngạc nhiên linh mục Alexandre De Rhodes

Trong tác phẩm “Hành trình và truyền giáo”, linh mục Alexandre de Rhodes ghi lại “Người giúp tôi một cách kỳ diệu là một em bé bản địa. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng... Đối với tôi cậu có nhiều ưu ái nên đã lấy tên tôi làm tên của cậu.” Source: fb.com/nguhuart2012/posts/2601588136575585 Raphael Rhodes Thanh Chiêm, cậu bé làm ngạc nhiên linh mục Alexandre De Rhodes
Nhà thờ Phước Kiều - Thanh Chiêm - nơi được xem là cái nôi của chữ Quốc Ngữ
Nhà thờ Phước Kiều - Thanh Chiêm - nơi được xem là cái nôi của chữ Quốc Ngữ

Trong thư của linh mục Gabriel de Mattos, giám sát tu sĩ Dòng Tên Đàng Trong gửi Bề Trên Cả Dòng Tên ở Rôma, bằng tiếng Bồ, đề ngày 5/7/1625 ghi nhận:
Hiện nay chúng tôi có ba cư sở mà hai trong số nầy (Hội An, Nước Mặn) đã được hoàn thành (theo Giáo luật) còn cơ sở thứ ba ở tại thủ phủ quan trấn thủ (Dinh trấn Kẻ Chàm, Thanh Chiêm), nơi mà lúc nầy tôi (đang tạm trú), có ba linh mục định cư: linh mục Francisco de Pina biết tiếng (Việt) khá lắm, làm bề trên và là giáo sư (dạy tiếng Việt), và các linh mục Alexandre de Rhodes cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và là học viên.

Những dòng báo cáo đó cùng với lá thư nổi tiếng của Francisco de Pina viết khoảng năm 1622-1623 tại Dinh Trấn Thanh Chiêm giúp chúng ta hình dung cơ sở này. Nếu lá thư được viết năm 1622 thì mấy từ “năm vừa qua” phải là năm 1621, linh mục Pina, nhìn xa trông rộng, muốn đặt một móng nền đức tin vững chắc tại đây, việc mà các bạn đồng liêu chưa chắc đã đồng thuận vì họ luôn hỏi “Vậy cái ông cha nầy (linh mục Pina) muốn làm gì với Kẻ Chàm?”

Trước hết, ông muốn an cư nên “con đã mua hai cái nhà làm nơi ở, nhà kia làm nhà nguyện. Mục đích của con là là chúng ta phải có môt cái gì đó ở nơi đặc biệt quan trọng của vương quốc nầy...”. Có nghĩa là chấm dứt việc mượn nhà, hay thuê nhà, không thuộc quyền sở hữu, khá bất tiện. Sau đó cha Pina nói về các chàng trai trẻ sống và học hành trong nhà trong đó có một người tên là Anrê, phải chăng sẽ là “Anrê lớn” năm 1644, người cùng bị bắt với thầy “Anrê trẻ xứ Phú Yên”.

Ngoài những nhân vật sống trong nhà chắc hắn không thiếu những người trẻ khác sống tại dinh trấn hay từ các nơi đến học hành. Với một quyết tâm như thế chỉ sau vài năm linh mục Pina đã có không ít đệ tử lớn nhỏ vây quanh theo học chữ Bồ và Latin và chữ Việt viết theo mẫu tự Latin. Nhất cử lưỡng tiện cho thầy và trò.

Nếu Gabriel de Matos cho biết trong báo cáo 1625 trong cư sở Kẻ Chàm (Dinh trấn) đã có 3 linh mục... trong đó có Alexandre de Rhodes vừa đến năm 1624 cùng các bạn Girolimo Majorica, Gaspar Luis... cũng có liên hệ học tiếng. Sau này Majorica viết gần 40 tác phẩm chữ Nôm còn lưu giữ tại Paris. Giỏi chữ Nôm cũng đồng nghĩa phải rất giỏi tiếng Việt, dĩ nhiên ban đầu phải nhờ làm bạn với chữ quốc ngữ Pina trước. Thầy Pina như trong thư quá bận rộn nên đã phân phối giúp công việc “học tiếng” cho những người còn nhỏ tuổi.

Raphael Rhodes Thanh Chiêm, cậu bé làm ngạc nhiên linh mục Alexandre De Rhodes

Tôi muốn nói đến cậu bé Thanh Chiêm 13 tuổi, người làm cho linh mục Alexandre de Rhodes sửng sốt.

Trong tác phẩm “Hành trình và truyền giáo”, linh mục ghi lại:
Người giúp tôi một cách kỳ diệu là một em bé bản địa. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thầy giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thầy và nơi Vương quốc Lào láng giềng... Đối với tôi cậu có nhiều ưu ái nên đã lấy tên tôi làm tên của cậu.

Rất tiếc chúng ta không biết họ tên của em, chỉ biết tên là Raphael Rhodes. Sau chuyến truyền giáo không thành công ở Lào, chúng ta thấy chàng trai này tại Thăng Long và Phố Hiến, nhờ biết nhiều ngôn ngữ Âu Châu, Raphael Rhodes trở thành thương gia giàu có, vợ là Pina, Cả hai là trợ thủ đắc lực cho Giáo hội Đàng Ngoài. Linh mục Joseph Tissanier có ghi nhận:
Trong số ân nhân của chúng tôi, chúng tôi cần phải nhắc tới một người gốc Đàng Trong giàu có tên là Raphael Rhodes, xưa kia từng chịu phép Rửa tội với cha De Rhodes ở Đàng Trong, nay vẫn giữ đức hạnh và hoài tưởng đến tên tuổi của vị tông đồ vĩ đại của Chúa. Hiện nay đối với chúng tôi trên miền đất Đông Kinh (Đàng Ngoài) này, Raphael đã thể hiện lòng ưu ái lớn lao qua những ân huệ triền miên...

Nhân dịp “Hội thảo Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ quốc ngữ” sắp đến, xin tưởng nhớ đến chàng trai thông minh làm kinh ngạc một con người vĩ đại như Alexandre de Rhodes: một tân tòng dấn thân vào công việc truyền giáo tại đất Lào “đèo heo hút gió” vào thế kỷ XVII; một thương gia giàu có nhưng đạo đức, biết sử dụng tiền của và khả năng ngoại giao giúp đỡ các giáo sĩ mới chân ướt chân ráo đến miền Bắc, sau năm 1660.

Hoan hô Raphael Rhodes Thanh Chiêm!

Mong tại “đất học” Thanh Chiêm hôm nay và trên đất Việt tiếp tục sản sinh những tinh hoa như cậu!

An Ngãi, 8 Tháng Tám 2016
Lm. Antôn Nguyễn Trường Thăng
Bài về chủ đề Khai trí:
Về đầu trang