Triết học và Giáo hội Công giáo: cuộc hôn nhân 2000 năm

Giáo hội Công giáo luôn luôn trân quý chân lý được tìm thấy nơi triết học, ý thức rằng chính Chúa đã đặt để khả năng suy tư ấy nơi chúng ta. Triết học tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống trí thức của Giáo hội Công giáo. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và lý trí) của ngài, đã giải thích, “Đức tin và lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý. Thiên Chúa đã in vào tâm khảm con người khát vọng nhận biết chân lý, và sau cùng để nhận biết chính Người, ngõ hầu khi đã biết và yêu mến Người thì con người cũng nhận biết chân lý đầy đủ về chính mình”. Triết học và Giáo hội Công giáo: cuộc hôn nhân 2000 năm
Đức tin và lý trí là một cặp đôi hạnh phúc trong đời sống trí thức của Giáo hội.

Triết học và Giáo hội Công giáo: cuộc hôn nhân 2000 năm

Một trong những đặc tính dễ nhận thấy nhất nơi một con người, điều tách biệt chúng ta với thú vật, đó là khả năng để suy tư, và sau cùng là, để chất vấn về ý nghĩa của cuộc đời. Và qua nhiều thế kỷ, khả năng thiên phú này của con người đã đưa đến vô số trường phái triết học, trong đó người ta vận lộn với những câu hỏi nền tảng về hiện hữu.

Theo dòng thời gian, các bậc thầy, các nhà tư tưởng đã dần phát triển, khai sinh ra một môn học đặc biệt kêu là “triết học” (philosophy, từ này trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan”), nơi các ý tưởng và suy tư được soi xét một cách sát sao kỹ càng hơn.

Giáo hội Công giáo luôn luôn trân quý chân lý được tìm thấy nơi triết học, ý thức rằng chính Chúa đã đặt để khả năng suy tư ấy nơi chúng ta.

Triết học tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống trí thức của Giáo hội Công giáo. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et Ratio (Đức tin và lý trí) của ngài, đã giải thích, “Đức tin và lý trí là như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý. Thiên Chúa đã in vào tâm khảm con người khát vọng nhận biết chân lý, và sau cùng để nhận biết chính Người, ngõ hầu khi đã biết và yêu mến Người thì con người cũng nhận biết chân lý đầy đủ về chính mình”.

Đức Gioan Phaolô II cũng là một triết gia nữa, ngài tiếp tục diễn giải về vẻ đẹp được tìm thấy nơi triết học.
Triết học liên quan trực tiếp đến việc đặt ra những chất vấn về ý nghĩa của cuộc đời và phác hoạ ra câu trả lời cho chất vấn đó. Triết học do vậy, cho thấy, nó là một trong những phận vụ cao quý nhất của con người. Theo từ nguyên Hy-lạp, cụm từ “triết học” có nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan”. Được khai sinh và được hoàn thiện ngay khi con người biết đặt ra những câu hỏi về duyên cớ của mọi sự và về cùng đích của họ, triết học chứng tỏ, qua nhiều dạng thức, thể hiện khác nhau rằng, khát vọng chân lý chính là một phần thuộc bản tính của con người. Lý trí con người tự nhiên đã biết chất vấn tại sao mọi chuyện, mọi sự lại như hiện tại, mặc dầu các câu trả lời lần lượt xuất hiện và nằm trong một giới hạn hiểu biết nhất định, điều này chứng tỏ các nền văn hoá khác nhau của nhân loại thì bổ túc, hỗ tương nhau.
Triết học là một trợ tá quan trọng cho cuộc hiện hữu của con người, và khát vọng tìm biết chân lý cần được nuôi dưỡng nơi từng người. Khát vọng này là chung cho hết thảy con người ta, và siêu vượt mọi khung cảnh văn hoá và ngôn ngữ. Triết học có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình, chúng ta là ai, và về vị trí của chúng ta trong thế giới này.

Tuy thế, Giáo hội biết, triết học không thể thế chỗ cho đức tin được. Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng, dù triết học “đã tiếp cận được gần hơn với thực tại là sự sống con người và các hình thức biểu đạt của nó, triết học cũng dính dấp với các vấn đề — hiện sinh, chú giải, ngôn ngữ — và gạt qua một bên chất vấn căn bản của sự thật về hiện hữu của từng cá nhân, về hiện hữu nói chung và về Thiên Chúa.”

Bởi thế, “Thiếu mất những gì mà Mạc khải cung cấp, lý trí lạc vào những con đường hẻm, đẩy đưa nó vào mối nguy lạc mất định hướng để đến được cùng đích tối hậu.”

Triết học cần phải được đức tin bổ trợ, nếu nó muốn trở nên thực sự hữu dụng, và tìm được những câu trả lời cho những chất vấn nền tảng của cuộc sống.

Xét ở thái cực đối ngược, Giáo hội cũng cảnh báo các tín hữu không được chỉ biết ôm lấy đức tin mà loại trừ lý trí. Thay vào đó, “Giáo Hội xác tín một cách thâm sâu rằng đức tin và lý trí ‘hỗ trợ lẫn nhau’, thi hành chức năng sàng lọc hoặc khích lệ lẫn nhau, để tiến tới trong việc nghiên cứu và thâm hiểu.”

Các triết gia được chào đón nơi Giáo hội Công giáo và được khuyến khích vật lộn với những khát vọng thâm sâu nơi trái tim con người, và luôn biết đàng sau đó, còn có Đấng là Tác Giả, là Tạo Hoá của tất cả.

Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Nhóm phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org

Bài từ Nhóm phiên dịch Mai Khôi:
Về đầu trang