Dòm qua “cửa” luật di sản chút

Bên tu viện Dòng Mến Thánh giá và Nhà thờ Thủ Thiêm (Tp.HCM) hiện nay đang lo sốt vó trước nguồn tin Nhà nước sẽ “đưa vô diện di tích để bảo tồn”. Lạ không? Được bảo tồn thì phải mừng chớ, phải cảm ơn lòng tốt của nhà nước chớ.

Nói vậy, để mọi người (nhứt là đối với các vị trí thức ở hải ngoại) hãy lấy làm thắc mắc “sao lạ rứa”.

Bài kế tiếp (kỳ II), tôi xin được diễn giải — mà có hiểu câu chuyện tu viện Dòng Mến Thánh giá thì mới hiểu luôn câu chuyện về nhà thờ Bùi Chu, tuy có đôi điểm dị biệt, nhưng vẫn là “móc xích” với nhau.
Dòm qua “cửa” luật di sản chút
(Bài này, mới là bài viết “sơ sơ” kỳ I của anh Nguyễn Chương. Nên đọc. Và theo dõi mấy kỳ sau. Tựa trên là của tôi.)

Tôi đã không vội viện dẫn “Luật Di sản văn hóa” (chớ chưa cần đến những điều luật xa xuôi khác...) khi nổ ra câu chuyện Bùi Chu, nói nào ngay, cũng là để có dịp “soi rõ mặt nhau” cái đã! Tới lúc này, nói luật cũng chưa muộn.

Dòm qua “cửa” luật di sản chút

Câu chuyện Bùi Chu

➊ Nhiều người vì ưng vẻ đẹp nơi nhà thờ cổ Bùi Chu một cách ngay tình (ở đây, tôi không quan tâm tới những kẻ sống bằng nghề thọc gậy bánh xe) đã nghĩ, ít nhứt, có hai điều sau:

▪ Nhà thờ Bùi Chu là di tích, thậm chí di tích quốc gia chớ còn gì nữa, thành thử phải giữ lại;

▪ Mà đã di tích quốc gia thì, dù cho đây là tài sản thuộc Công giáo đi nữa, cũng trở thành di sản chung (được hiểu là... giáo quyền địa phận Bùi Chu không được toàn quyền quyết định).

➋ Tuy nhiên, dù tôi, anh, hay chị bằng con mắt của mình thấy nhà thờ Bùi Chu quả là một di tích độc đáo đi nữa; nhưng việc xếp hạng di tích đối với nhà thờ Bùi Chu lại không nằm ở phán quyết cảm tính của từng cá nhân, mà buộc phải thông qua một hội đồng thẩm định từ giới hữu trách.

Theo điều 30 của Luật Di sản Văn hóa, về thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích; và điều 31 về thủ tục xếp hạng di tích — thì: “di tích cấp tỉnh” thuộc về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; “di tích cấp quốc gia” thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin & Du lịch; “di tích cấp quốc gia đặc biệt” thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ.

➌ Cho tới thời điểm hiện nay, nhà thờ Bùi Chu không hề lọt vô bảng xếp hạng là di tích, cấp tỉnh cũng không, cấp quốc gia lại càng không!

Lẽ ra sự lên tiếng đúng đắn phải là, nên là: giới trí thức chất vấn đối với chính quyền tỉnh Nam Định, chính quyền trung ương rằng tại sao bỏ lơ đối với công trình kiến trúc — tôn giáo hiện hữu nơi nhà thờ Bùi Chu!

Tại sao giới chức chính quyền không đủ trân trọng đối với một nhà thờ cổ có tuổi đời 135 năm để có ứng xử văn minh sớm hơn?

Đàng này, lạ thay, nhiều người lại đi xoáy mũi dùi vào mấy vị tu hành bên Công giáo tại Bùi Chu, cự nự tại sao không bảo tồn di tích. Nhà thờ có lọt vô bảng xếp di tích hồi nào đâu, mà biểu người ta phải theo đúng qui chuẩn của việc bảo tồn di tích?

➍ Mà bảo tồn một công trình kiến trúc — tôn giáo, không phải ông kiến trúc sư nào cũng làm được. Nói theo chữ nghĩa của Công giáo, là phải am hiểu “Nghệ thuật Thánh” trong từng họa tiết, vòm, cột... của nhà thờ.

Một kiến trúc sư chỉ biết xây chùa thì không tài nào có thẩm quyền để “phán” về kiến trúc nhà thờ (cũng vậy, bảo tồn kiến trúc chùa mà kêu một kiến trúc sư chỉ rành về xây dựng nhà thờ thì trớt hướt). Nói sâu hơn, nghĩa là trong Hội đồng thẩm định việc bảo tồn, trùng tu (nhà thờ) đòi hỏi phải có mặt giới chức Công giáo.

Tự lập ra hội đồng thẩm định, mà nếu không có giới hữu trách bên Công giáo, sẽ là điều bất bình thường, thiếu tôn trọng.

➎ Điều 5 và điều 9 trong Luật Di sản Văn hóa nêu rõ: Nhà nước công nhận các hình thức sở hữu về di sản văn hóa, trong đó có hình thức sở hữu của các tổ chức tôn giáo; công nhận quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa!

Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, còn sở hữu di sản văn hóa — như nhà thờ Bùi Chu, là thuộc quyền sở hữu của Công giáo.

Cho dù được xếp hạng “di tích cấp quốc gia” đi nữa, nhưng nếu ĐÃ thuộc sở hữu của tôn giáo, thì — theo Luật Di sản Văn hóa — vẫn thuộc “quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa”.

Ở đâu ra cái gọi là “di tích” thì thuộc “của chung” (để từ đó, một số người tự ban cho mình được quyền dạy dỗ các vị tu hành bên Công giáo phải làm thế này phải làm thế kia)?

Dòm qua “cửa” luật di sản chút

Tạm thay lời kết của kỳ I

Bên tu viện Dòng Mến Thánh giá và Nhà thờ Thủ Thiêm (Tp.HCM) hiện nay đang lo sốt vó trước nguồn tin Nhà nước sẽ “đưa vô diện di tích để bảo tồn”. Lạ không? Được bảo tồn thì phải mừng chớ, phải cảm ơn lòng tốt của nhà nước chớ.

Nói vậy, để mọi người (nhứt là đối với các vị trí thức ở hải ngoại) hãy lấy làm thắc mắc “sao lạ rứa”.

Bài kế tiếp (kỳ II), tôi xin được diễn giải — mà có hiểu câu chuyện tu viện Dòng Mến Thánh giá thì mới hiểu luôn câu chuyện về nhà thờ Bùi Chu, tuy có đôi điểm dị biệt, nhưng vẫn là “móc xích” với nhau.

Nguyễn Chương
Bài về chủ đề Pháp luật-Nhân quyền:
Về đầu trang