Công lý - pho tượng đá đã mất chiếc lư hương?

Cố dùng giấy để gói lửa, muốn lấy vải thưa để che mắt thánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi phải chịu trách nhiệm lớn nhất về bê bối gian lận điểm thi tại kì thi Quốc gia (bị phát hiện ở Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La) vẫn giữ dã tâm bao che cho những kẻ đã cướp đoạt cơ hội của những học sinh xứng đáng, nhằm vơ vét cơ hội cho con cháu mình.

Cơ quan chức năng đã lì lợm, trơ trẽn, bất chấp làn sóng giận dữ của người dân vẫn chưa lắng xuống trong suốt 270 ngày qua kể từ khi phát hiện sự việc.

Source: fb.com/bachhoanvtv24/posts/2350381565209085
Công lý - pho tượng đá đã mất chiếc lư hương?
Công lý - pho tượng đá đã mất chiếc lư hương?

Cố dùng giấy để gói lửa, muốn lấy vải thưa để che mắt thánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi phải chịu trách nhiệm lớn nhất về bê bối gian lận điểm thi tại kì thi Quốc gia (bị phát hiện ở Hoà Bình, Hà Giang, Sơn La) vẫn giữ dã tâm bao che cho những kẻ đã cướp đoạt cơ hội của những học sinh xứng đáng, nhằm vơ vét cơ hội cho con cháu mình.

Cơ quan chức năng đã lì lợm, trơ trẽn, bất chấp làn sóng giận dữ của người dân vẫn chưa lắng xuống trong suốt 270 ngày qua kể từ khi phát hiện sự việc.

Nhưng, cuối cùng, giấy không thể gói được lửa, vải thưa không thể che được mắt thánh, một danh sách nghề nghiệp của phụ huynh những học sinh được gian dối, thực hiện hành vi phạm pháp tại Sơn La đã bị đưa ra công luận theo điều tra của báo chí.

Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo trơ lì trước dư luận? Hãy nhìn vào danh sách nghề nghiệp của những phụ huynh đó sẽ có câu trả lời. Nghề của họ là nghề làm quan. Nghề của họ là chiếm chỗ trong các cơ quan quyền lực nhà nước.

Có một biểu hiện ngày càng rõ nét của các cơ quan công quyền trong thời gian gần đây, đó là sự trơ lì trước cảm xúc của nhân dân. Họ phớt lờ sự phẫn nộ của nhân dân. Họ thờ ơ tiếng nói của người dân. Họ không thèm đoái hoài gì đến mong mỏi của nhân dân. Hầu hết đều dính líu đến đám quan chức chính quyền.

Ví dụ như, chiếc lư hương dưới chân tượng đại đức thánh Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng, TP.HCM, bị chính quyền TP.HCM di chuyển vào một đền thờ đã có một chiếc lư hương khác. Lãnh đạo thành phố này như đang bịt mắt, bịt tai, như đang dẫm đạp lên sự căm phẫn của người dân, không chịu trả lại lư hương về vị trí cũ, dù 90 ngày đã trôi qua.

Hành động ngu dốt ấy là của đám quan chức và bè lũ sai nha của chính quyền thành phố.

Ở TP.HCM, cơ quan quyền lực công ngày càng vô cảm trước nhân dân. Biểu hiện của nó là những bi kịch xảy ra ở Thủ Thiêm, ở Vườn Rau Lộc Hưng. Không biết khi nào họ mới trả lại cho dân những quyền và lợi ích chính đáng, mới xử lý kẻ làm sai, mới bỏ tù kẻ phạm tội. Người dân cũng không biết phải chờ đợi đến bao giờ để có thể nhìn thấy bóng dáng công lý được thực thi.

Cơ quan quyền lực công mỗi ngày lại vô cảm hơn thì công lý sẽ mỗi ngày rời xa người dân hơn. Trong rất nhiều vụ việc, công lý như một pho tượng đá đã bị cướp mất chiếc lư hương.

Ví dụ như, sau khi thực hiện hành vi xâm hại tình dục một bé gái trong thang máy ở TP.HCM, Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng, vẫn được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, dù 18 ngày đã trôi qua trong sự bức xúc tột cùng của dư luận.

Như thể trêu ngươi những người dân đang phải cố gồng lên tự bảo vệ con em mình, Nguyễn Hữu Linh là cựu quan chức trong bộ máy công quyền thuộc ngành tư pháp, nơi vốn được sinh ra để thực thi công lý.

Cần biết rằng, cơ quan công quyền càng trơ lì thì sự phẫn nộ sẽ ngày càng tăng cấp độ. Và, cần nhớ rằng, bất cứ chính quyền nào coi thường cảm xúc của nhân dân đều sẽ phải trả giá.

Giáo dục thối nát, bất bình đẳng cơ hội, vơ vét tước đoạt ước mơ của lương dân, tham nhũng quá khứ, hiện tại và ăn cướp cả tương lai của người dân, tất cả những thứ ấy nếu không được giải quyết, thì sự phẫn nộ sẽ chuyển thành cơn thịnh nộ, thì làn sóng dư luận sẽ chuyển thành cơn cuồng phong của nhân dân, thì một đốm lửa nhỏ sẽ bùng lên thành đám cháy lớn, và có thể thiêu rụi cả cánh rừng.

Nếu Nguyễn Khắc Thuỷ với vụ ấu dâm ở Bà Rịa - Vũng Tàu không lấy đi của nhân dân niềm tin công lý và ném lại cho dân nỗi ngờ vực về lẽ công bình, thì căn nhà của Nguyễn Hữu Linh ở Đà Nẵng chưa hẳn đã bị biến thành nơi check in như một thông điệp tố cáo tội ác và một hành động phản kháng. Việc bước ra khỏi không gian internet, mang theo nỗi căm phẫn đến trước cửa nhà cựu quan chức ngành kiểm sát để check in là biểu hiện cho những hành động sơ khai của người dân.

Đám đông có những lý lẽ riêng của đám đông. Cảm xúc của đám đông có căn nguyên từ những bất công xã hội. Thế nên, coi thường cảm xúc đám đông dân chúng là tự lấy búa đập đổ nền móng của tổ chức chính trị đang nắm trong tay quyền lực nhà nước.

Khi tiếng nói của người dân không được lắng nghe, thì người dân buộc phải hành động.

Khi phẫn nộ trên không gian mạng không giải toả thì sẽ đến một ngày người dân bước chân xuống đường.

Khi nỗi bức xúc về các vấn nạn quốc gia không được giải quyết, thì người dân sẽ tìm đến nhau, sẽ phải nắm tay nhau bằng hội này nhóm khác.

Đó là quy luật tất yếu mà không một thế lực nào có thể ngăn cản được.

Thế cho nên, đừng coi thường cảm xúc của nhân dân. Vì nó có thể là nguy cơ đối với chính thể này.

Bạch Hoàn
Bài về chủ đề Vấn đề-Tệ nạn:
Về đầu trang