Đừng muốn con ngoan

Tôi thường nghe “câu chúc truyền thống” cho trẻ con nhân dịp lễ tết sinh nhật thường là: “Chúc con học giỏi, ngoan, nghe lời ông bà bố mẹ”. Nếu là học giỏi thì con phải tuân thủ các yêu cầu ở trường, về nhà lại phải “tuân lệnh” cả bao nhiêu thế hệ nữa thì chắc chắn là chúng ta không hề muốn con làm trái ý hay “cãi” người lớn. Tuy nhiên, trong các trường học trên thế giới, và ngay trong nhiều trường học ở Việt Nam, tư duy phản biện là một trong những kỹ năng được các nhà sư phạm rất chú trọng xây dựng cho học sinh của mình. Source: fb.com/khanhquynh.phan.7/posts/10156930761806155
Đừng muốn con ngoan
Đừng muốn con ngoan

Dòng hashtag #ISitWithHarper đang được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Câu chuyện của cô bé Harper Nielsen, 9 tuổi, học sinh trường tiểu học Kenmore South State ở bang Queensland, Australia đang là đề tài nóng trên các trang báo ngày hôm nay. Harper đã không đứng dậy khi quốc ca vang lên bởi tin rằng bài hát “Advance Australia Fair” không tôn trọng những thổ dân bản xứ. Em giải thích: “Bài hát chỉ đề cao người da trắng. Câu hát “chúng ta còn trẻ” đồng nghĩa với việc hoàn toàn bỏ qua những thổ dân Australia từng có mặt tại đây trước chúng ta tới 50.000 năm”. Hành động này của Harper đã bị tấn công bởi hàng loạt chính trị gia nổi tiếng của Australia, thậm chí thượng nghị sĩ cánh hữu Pauline Hanson cáo buộc ngôi trường đã “tẩy não” học sinh, đồng thời kêu gọi đuổi học cô bé.

Trả lời phỏng vấn của CNN, bố của Harper nói: “Tôi rất ngạc nhiên về khả năng của con gái trước những điều không cảm thấy đúng và có đủ sức mạnh để thử và làm đúng chúng. Tôi không thể làm điều đó, và khi thấy một người bé nhỏ làm được thì thực sự đáng kinh ngạc. Và tôi vô cùng tự hào.” Ông cũng chia sẻ gia đình bị choáng ngợp bởi rất nhiều phản ứng tích cực của những người chưa từng quen biết lan truyền rộng rãi thông điệp bảo vệ con gái ông qua hashtag #ISitWithHarper – tôi đứng về phía Harper!

Đừng muốn con ngoan

Tôi nhớ lại một bài phát biểu của nữ diễn viên Meghan Markle tại Liên hợp Quốc. Cô kể lúc còn là một cô bé 11 tuổi, khi đang xem truyền hình ở trường, trong đó có một đoạn phim quảng cáo về một loại xà phòng rửa chén hiện lên rằng: “Phụ nữ toàn nước Mỹ đang phải vật lộn với đống xoong nồi đầy dầu mỡ”. Hai bạn nam trong lớp của cô nói: “Đúng rồi! Đó là nơi của phụ nữ: trong nhà bếp!”. Cô đã cảm thấy sốc, giận dữ và cả tổn thương; và trên hết là có điều gì đó chưa đúng và cần phải thay đổi. Cô về nhà và kể với bố về những gì xảy ra. Bố cô khuyến khích con gái hãy viết thư đi. Và Meghan đã bắt tay thực hiện lời khuyên nghiêm túc ấy của bố, gửi thư cho những người quyền lực nhất mà cô có thể nghĩ tới và cả một lá thư gửi cho nhà máy sản xuất xà phòng. Một vài tuần trôi qua, và trong niềm ngạc nhiên, cô bé 11 tuổi đã nhận được thư khích lệ từ nhà báo nổi tiếng, nhà hoạt động nhân quyền, và đặc biệt là từ đệ nhất phu nhân Hillary Clinton. Khoảng một tháng sau đó, nhà máy sản xuất xà phòng lúc bấy giờ, Proctor and Gamble đã thay đoạn quảng cáo cho loại nước rửa chén từ: “Phụ nữ trên toàn nước Mỹ đang phải vật lộn với đống xoong nồi…” thành “mọi người trên toàn nước Mỹ…”.

Những Harper 9 tuổi, Meghan 11 tuổi sẽ chẳng thể có được một sức mạnh nhường ấy để dám thể hiện ra những điều mà các em cho là bất công và cần thay đổi nếu không được sống trong môi trường mà các em được khuyến khích để có thể tự do thể hiện quan điểm của mình. Môi trường đó bắt đầu trước hết từ gia đình, vì bố mẹ là những người mà con cái dễ dàng gần gũi và chia sẻ nhất. Bố của Harper đã bất chấp để đứng về phía con gái mình để ủng hộ việc con dám thể hiện quan điểm dù là đi ngược với đám đông. Bố của Meghan đã không hề chê cười “ý tưởng chống lại người khổng lồ” của cô mà ngược lại đã khích lệ cô rất nghiêm túc.

Đừng muốn con ngoan

Cô bé Meghan 11 tuổi năm nào, nhờ người cha luôn biết lắng nghe và khích lệ đã trở thành thành viên của Hoàng Gia Anh và là một trong “100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới” do tạp chí Time bình chọn. Còn quá sớm để có thể đoán trước được tương lai của Harper nhưng ít nhất tại thời điểm này, em đã là người truyền cảm hứng cho triệu triệu con người trên khắp thế giới, nhắc nhớ họ hãy biết lên tiếng trước những bất công sai trái.

Tôi thường nghe “câu chúc truyền thống” cho trẻ con nhân dịp lễ tết sinh nhật thường là: “Chúc con học giỏi, ngoan, nghe lời ông bà bố mẹ”. Nếu là học giỏi thì con phải tuân thủ các yêu cầu ở trường, về nhà lại phải “tuân lệnh” cả bao nhiêu thế hệ nữa thì chắc chắn là chúng ta không hề muốn con làm trái ý hay “cãi” người lớn. Tuy nhiên, trong các trường học trên thế giới, và ngay trong nhiều trường học ở Việt Nam, tư duy phản biện là một trong những kỹ năng được các nhà sư phạm rất chú trọng xây dựng cho học sinh của mình. Bởi giáo dục truyền thống là dạy một bài học giống nhau cho nhiều đứa trẻ khác nhau. Nhưng giáo dục hiện đại cần hướng tới cá nhân và tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân đó. Vậy thì mỗi gia đình là một môi trường giáo dục đặc biệt nhất đối với mỗi đứa trẻ vì hơn ai hết, cha mẹ là những người hiểu đứa con của mình nhất. Chúng ta chính là người thầy tốt nhất để tạo ra giá trị giáo dục riêng cho con của mình, do đó càng cần phải khích lệ con được là chính mình, là điều đặc biệt duy nhất với các thế mạnh của riêng con. Và chính vì thế tôi ước mong chúng ta hãy đừng mong con “ngoan” và “nghe lời” nữa, hãy chúc con “vui”, chúc con luôn “là chính mình” và hãy cùng giúp đỡ con tốt hơn chính con của ngày hôm qua nữa là trọn vẹn.

Khanh Quynh Phan
Bài về chủ đề Giáo dục:
Về đầu trang