“Đến chết cũng chưa dám tin là nó lừa mình…”

Mãi lâu sau, khi tôi gần thành đàn ông, tôi mới hỏi ba về vụ đó. Ba nói lúc ấy, cả cuộc đời ông diễn lại trong trí ba, từ khi thoát ly gia đình, bỏ vợ bỏ con bỏ làng đi kháng chiến, bao năm trung thành tín ngưỡng, sắt son cho đến lúc nằm xuống, bị phản bội mà khống dám gọi tên sự phản bội đó. Ba nói, không có gì đau thương bằng đặt cược vốn liếng cả đời mình vào một tay đầu cơ lừa đảo, đến chết cũng chưa dám tin là nó lừa mình. Source: fb.com/lethanhtruong/posts/2368140256534268
“Đến chết cũng chưa dám tin là nó lừa mình…”
“Đến chết cũng chưa dám tin là nó lừa mình…”

Ông nội tôi theo cách mạng năm nào tôi không biết. Chỉ biết năm 1945 cướp chính quyền, ông làm cái gì đội trưởng vũ trang tuyên truyền xã. Sau 1954 ông là bí thư huyện ủy, ở lại nằm vùng. Quê tôi phía nam giới tuyến. 1956 bị lộ, ông tập kết.

Đẵng tới sau 75 ông mới về quê. Lúc đó đã hưu rồi. Ông yêu đảng kính đảng một lòng son sắt. Lẽ ra tôi phải viết là Đảng. Nếu ông biết ra tôi không viết hoa chữ đó, chắc ông vụt cho tôi một gậy. Ấy là nói về lúc sinh thời. Nếu ông còn sống đến hôm nay, tôi không dám chắc ông còn muốn đánh tôi.

Ngày đó, cô út tôi, ba tôi ở tuổi u40, đều đã nếm đòn của ông khi lỡ lời nhắc tới đảng mà giọng thiếu biểu cảm, mà cứ thẳng lưng nghển mặt không cung kính.

Rồi ba tôi đưa gia đình vào Nam. Ở vùng đất mới khai vỡ, dân cư tạp nhạp. Chính quyền địa phương rặt một lứa hậu tiến, đa phần xuất thân là gia nô của ông chủ tịch huyện, từ cuốc cỏ đào giếng chăn bò mà tiến vào ủy ban. Sau ông này lên hàng tỉnh, kéo theo một dọc đàn em tuần tự nối đuôi nhau như những bậc cầu thang, từ xã đến huyện.

Ông tôi chuyển sinh hoạt đảng về đảng bộ xã. Là người cao tuổi nhất xứ. Tuổi đảng của ông còn nhiều hơn tuổi đời các đồng chí. Mỗi tháng đôi lần, ông đạp chiếc xe phượng hoàng - thứ giá trị nhất ông mang về từ miền Bắc rồi theo ông vào Nam - lóc cóc đường mòn lên ủy ban họp chi bộ. Đồng chí niên trưởng nhưng hưu trí, có danh vọng nhưng không có chức vụ, được anh em xúm xít tung hô một thời gian rồi lơi dần. Việc ai nấy làm. Và việc ông thường làm mỗi khi họp về, là nằm lì trên giường, vắt tay ngang trán thở dài chừng tám chục lần, qua hôm sau mới trở lại nếp sinh hoạt bình thường.

Năm trôi tháng trôi. Ông bị thần kinh tọa, teo cơ một bên chân. Đến lúc không còn đạp xe được nữa, ông chống gậy nhúc nhắc đi họp. Tháng đôi lần. Họp về lại nằm, gác tay ngang trán thở dài thêm dài thêm. Rồi ông bệnh. Những đợt bệnh sau dài hơn dài hơn đợt trước. Trở dậy, ông vẫn chống gậy đi họp.

Ba tôi nói. Thôi ông nghỉ đi. Thời của ông qua rồi. Việc ông đóng góp cho kháng chiến, cho đất nước như vậy cũng xong rồi. Nghỉ cho khỏe, đừng hội họp với bọn nó nữa, nhìn chúng làm chuyện chướng mắt rồi buồn rồi bịnh thêm.

Ông nói. Không. Tao biết chúng nó coi tao không bằng cục đất. Chúng nó ghét tao kỳ đà cản mũi. Chính vì thế mà tao phải đi họp. Con ruồi đậu nặng cái cân. Tao có một cánh tay biểu quyết, tao có một phiếu chống. Không thay đổi được kết quả nhưng khi chúng toa rập nhau làm một việc xấu, chúng nhìn cánh tay tao mà chờn lại một chút.

Không biết có đứa nào chờn lại chút nào không, trong cái đảng bộ xã đó. Bánh xe lịch sử (chao ôi cái chữ lịch sử ở đoạn này thật lấm lem tội nghiệp) vẫn quay đều. Ông đem hết tàn hơi những năm cuối đời mà chèn lại, mà cố bẩy nó xê xích chút đỉnh, hay chỉ là giãi cái lòng trung ái ra đó, để trời xanh và đảng thấu cho.

Ông mất.

Ngày đưa tang, cả bộ sậu chính quyền ban ngành đoàn thể rầm rộ kéo tới. Truy điệu. Điếu văn đọc những gì đồng chí sinh ra sớm lòng yêu nước giác ngộ lý tưởng đứng vào hàng ngũ đấu tranh cống hiến một lòng phấn đấu tuổi già nhiệt huyết không sờn xứng danh người con tấm gương sáng nguyện noi theo vân vân họ đọc những gì tôi không hiểu. Tôi chỉ giận dữ. Tôi muốn hét đuổi chúng đi đừng làm rộn trước vong linh ông nội tôi.

Hạ huyệt. Ba tôi khóc. Lần đầu tiên tôi thấy ba khóc. Thật bàng hoàng.

Mãi lâu sau, khi tôi gần thành đàn ông, tôi mới hỏi ba về vụ đó. Ba nói lúc ấy, cả cuộc đời ông diễn lại trong trí ba, từ khi thoát ly gia đình, bỏ vợ bỏ con bỏ làng đi kháng chiến, bao năm trung thành tín ngưỡng, sắt son cho đến lúc nằm xuống, bị phản bội mà khống dám gọi tên sự phản bội đó. Ba nói, không có gì đau thương bằng đặt cược vốn liếng cả đời mình vào một tay đầu cơ lừa đảo, đến chết cũng chưa dám tin là nó lừa mình.

Gần 30 năm rồi. Tôi không nghĩ là ông đi buôn lỗ vốn nữa. Những toan tính của ông ngày đó, bây giờ tôi không phán xét được. Nhưng tôi nghĩ, mình có thể đồng hành với ông một vài đoạn đường, khi ông hăm hở với ý nghĩ phụng sự tổ quốc, sẵn sàng đổ máu mình vì hạnh phúc của nhân dân. Tôi còn mừng cho ông, vì ông không thăng tiến, ông chỉ cống hiến ở vị trí khiêm tốn của mình. Đó là vị trí hợp lý cho một người cộng sản nguyên chất. Tôi mừng cho tôi. Vì tôi được thừa kế của ông chỉ một tấm lòng, và quả nghiệp không đáng kể.

Le Thanh Truong
Về đầu trang