Thế nào là công dân toàn cầu, thế nào là người Việt Nam?

👉 Chuyện một

Trên Facebook của nhà văn người Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt, tác giả có chia sẻ về chuyện tại sao nhiều người có cảm giác ông là người Việt Nam và ông cũng cảm thấy thế.

Ông nói rằng, cho dù tiếng Việt của ông không hoàn hảo (trên Facebook ông chủ yếu viết và trả lời bạn đọc bằng tiếng Anh dù nhiều khi bạn đọc hỏi ông bằng tiếng Việt), nhưng ông thấy từ bên trong ông là một người Việt Nam. Ông dẫn ra một ví dụ giản dị thế này. Khi ông ở Mỹ và đến một cửa hàng ở đó ông thấy một người đàn ông đang nói chuyện qua điện thoại. Người đàn ông đó có vẻ là người Việt Nam. Rồi ông nghe thấy ông ta nói với con qua điện thoại bằng tiếng Việt: “Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?”. Ông bảo người đàn ông ấy không có gì đẹp trai, nhìn thô ráp, dáng vẻ là người lao động nhưng không hiểu sao khi nói bằng tiếng Việt mấy câu trên thì những lời của ông với con thật dịu dàng.

Clip (có phụ đề Tiếng Việt) được chia sẻ trên trang của nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Việt kiều Mỹ).

Ông bảo những lời đó trong tiếng Anh nó chẳng đáng kể gì. Nhưng ông thú nhận “Trong tiếng Việt, nó bao hàm mọi thứ” (Nó là tất cả) và ông gần như khóc khi nghe mấy tiếng đó.

Và ông bảo đấy là thứ xác nhận ông là người Việt Nam. Những thứ thuộc về Việt Nam vẫn chảy trong ông, theo đuổi ông và làm ông cảm động. Ông thú nhận “Và chừng nào tôi còn cảm thấy tôi là người Việt Nam, chừng nào tôi còn cảm thấy cảm động bởi những gì thuộc về Việt Nam, chừng đó tôi sẽ vẫn là người Việt Nam”.

Những chia sẻ nói trên của ông đã làm cho rất nhiều người Mỹ gốc Iraq, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ la tinh cảm động.

Những lời ấy được ông viết (nói) bằng những câu ngắn, đơn giản. Có lẽ ông muốn dành nó cho những người chỉ có thể đọc bập bõm tiếng Anh (như tôi) và những người sống ở Mỹ như hồn để ở cố hương.

Tôi chỉ là bạn Facebook, chưa gặp ông lần nào và mới chỉ đọc mỗi một tập truyện ngắn dịch sang tiếng Việt của ông nhưng không hiểu sao đọc những dòng trên của ông tôi cũng rơi nước mắt trên xe buýt.

👉 Chuyện hai

Giáo sư Fujiwara Masahiko, người viết tác phẩm “phẩm cách quốc gia” nổi tiếng ở Nhật là một người say mê ngoại ngữ từ nhỏ và có thể nói được rất nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha...). Trong “Phẩm cách quốc gia” ông tự nhận mình là một “Otaku” về ngoại ngữ ngay khi còn nhỏ.

Nhưng sau khi đã dạy toán nhiều năm ở Anh, Mỹ và trở nên nổi tiếng, ông cực lực phản đối chuyện dạy tiếng Anh cho tất cả học sinh tiểu học ở Nhật Bản. Ông cho rằng việc dạy tiếng Anh từ sớm cho trẻ em là tốt nhưng đó là phần việc của giáo dục gia đình chứ không phải công việc của trường công lập. Ở trường công lập trong độ tuổi học tiểu học, trẻ em phải ưu tiên học toán, rèn luyện thể chất và đặc biệt là phải học cho tốt tiếng mẹ đẻ nhất là đọc sách.

Dạy tiếng Anh cho toàn bộ học sinh tiểu học là cách nhanh nhất để làm cho tiếng Nhật diệt vong-ông đã viết như vậy.

Lập luận này của ông đã làm bùng lên ngọn lửa tranh luận khắp nước Nhật.

Ở Việt Nam chắc chắn sẽ cũng có rất nhiều người phản đối ông vì nhiều người nghĩ “Tại sao trẻ em lại không thể làm tốt cả hai việc là học tiếng Anh và học tiếng mẹ đẻ cũng như đọc sách?”

Điều này, tôi không đủ chuyên môn nên không dám bình luận. Nhưng đoạn sau ông nói thì tôi nghĩ là có lý.

Ông nói rằng, nếu chỉ giỏi tiếng Anh thì không thể nào thành con người quốc tế hay công dân toàn cầu được. Lý do là vì khi ra ngoài thế giới ông thấy ngay cả người Mỹ cũng chỉ có khoảng 10% có thể trở thành người quốc tế. Ông cho rằng nội dung quan trọng hơn hình thức. Nội dung ở đây là bản lĩnh, chiều sâu văn hóa dân tộc trong con người được nuôi dưỡng bởi gia đình, giáo dục và xã hội bằng đọc sách và hấp thụ các tác phẩm cổ điển, thiên nhiên tươi đẹp cũng như cảm xúc mỹ học của tổ tiên. Nội dung này quan trọng hơn phương thức biểu đạt là ngoại ngữ. Ông dẫn ra vài ví dụ khá thú vị.

Khi ở Anh và tiếp xúc với một nhà toán học được giải Fields người bản xứ, thay vì hỏi ông về lịch sử nước Anh thì đột nhiên lúc làm quen, ông ta lại hỏi “Sự tự sát của nhân vật chính trong tác phẩm Kokoro của Natsume Soseki và cái chết của nhà văn Sanshima Yukio có mối quan hệ gì không?”.

Câu hỏi làm ông choáng váng và lúng túng.

Nghiên cứu lịch sử ông cũng thấy những người Nhật đầu thời cận đại như Fukuzawa Yukichi (nhà khai sáng người Nhật), Niitobe Inazo (người viết tác phẩm “Võ sĩ đạo”)… khi ra nước ngoài được kính trọng cho dù ngoại ngữ ban đầu không giỏi là vì họ là người thấm đấm tinh thần và văn hóa Nhật Bản.

Theo ông, những người Nhật khoảng 70-80 tuổi hiện nay hầu hết khi ra nước ngoài đều không thể nói được tiếng Anh và chỉ có thể mỉm cười khi giao tiếp. Nhưng người nước ngoài khi tiếp xúc với họ đều nghĩ trong đầu “Người Nhật thật là lịch thiệp và sâu sắc”. Trái lại ông nghi ngờ rằng trong số những người Nhật sống ở nước ngoài và có thể nói lưu loát tiếng Anh hiện nay có bao nhiêu người khiến cho người bản địa kính trọng?

Vì thế trong sách ông bày tỏ hy vọng rằng những người Nhật chỉ biết có hình thức mà không biết có nội dung hãy im miệng khi ở nước ngoài.

👉 Chuyện ba

Trong tác phẩm “Tự Phán” còn gọi là “Phan Bội Châu niên biểu”, cụ Phan có kể lại câu chuyện về Tăng Bạt Hổ khá cảm động.

Trong bữa tiệc mừng thắng trận của quân đội Nhật. Khi mọi người đều nâng chén uống rượu mừng thì có một người thanh niên bưng mặt khóc. Chỉ huy người Nhật rất ngạc nhiên liền hỏi mới biết rằng thanh niên đó là người thanh niên vong quốc không thể trở về nên tòng quân làm lính Nhật và chiến đấu vô cùng dũng cảm. Thấy người Nhật ăn mừng thắng trận nhớ cảnh cố quốc đang nằm trong tay người Pháp nên không kìm được cảm xúc.

Người thanh niên ấy là Tăng Bạt Hổ. Nghe chuyện, ai nấy trong bữa tiệc đều rơi lệ.

👉 Chuyện bốn

Ishigawa Takuboku là nhà thơ sống vào thời Minh Trị. Quê ông ở miền đông bắc nước Nhật-nơi tuyết rơi dày và rất nghèo khổ. Lúc nhỏ ông là đứa trẻ nghịch ngợm nên hay làm cho mẹ phiền lòng. Sau này lớn lên, lang thang sống cuộc sống tự do của một người thi sĩ, ông đã viết bài thơ “Cõng mẹ” thế này:

“Đùa chơi cõng mẹ trên lưng
Nhẹ sao ba bước khóc thầm, mẹ ơi!”

Sống ở Tokyo, xa quê hương, nhớ quê quá mà không có điều kiện để về, mỗi chiều ông đều đến nhà ga nơi những con tàu từ phía Đông Bắc dừng lại thả khách xuống. Ông ở đó lặng lẽ nghe trong thổn thức tiếng của những người vùng Đông Bắc gọi nhau.

Tiếng Nhật ở vùng Đông Bắc tương đối khác với tiếng Nhật phổ thông.

Đọc câu chuyện này tôi cũng nhớ đến câu chuyện diễn ra trên con tàu của thuyền trưởng Nemo trong “Hai vạn dặm dưới đấy biển” .

Đó là trong trận chiến sinh tử với bạch tuộc, một thủy thủ trên tàu trước khi bị con bạch tuộc nuốt đã kêu lên “Cứu tôi với” bằng tiếng pháp-tiếng mẹ đẻ của giáo sư A-rô-nắc và cũng là tiếng mẹ đẻ của anh ta cho dù hàng ngày trên tàu tất cả chỉ nói với nhau bàng tiếng Anh hoặc im lặng.

💟

Trong bốn câu chuyện trên thì câu chuyện cuối cùng tôi chỉ nhớ được mang máng như thế nhưng ấn tượng về nó thì cứ găm mãi vào đầu tôi.

Tại sao lại như vậy, tôi cũng không tìm được câu trả lời chính xác dù cảm xúc khi nhớ lại nó cũng vẫn như lần đọc ban đầu.

Nguyễn Quốc Vương
Về đầu trang