Bán rừng thu 30 triệu, trồng lại tốn… 2,2 tỷ đồng!

Sau gần 20 năm thực hiện dự án trồng rừng quốc gia, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã cho bán 73 hecta để thu về 30 triệu đồng. Bán xong, tỉnh sẽ chi khoảng 2,2 tỷ đồng để… trồng lại!

Liên quan vụ tỉnh Quảng Trị bán rừng “tận thu” trên địa bàn huyện Triệu Phong mà Làng Mới thông tin, ngày 9/8, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, việc khai thác rừng đã dừng lại, chờ đối thoại với dân. Tại thời điểm này, toàn bộ rừng mới bị khai thác chưa đến 10 hecta.

Những cây to còn sót lại sau khai thác có đường kính một người ôm, giá thị trường khoảng 1 triệu đồng/cây.

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, do người dân quá bức xúc khi rừng bị bán với giá rẻ mạt nên dân tụ tập đông người để phản đối nên Công an tỉnh Quảng Trị phải giao Công an huyện Triệu Phong nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự. Dự kiến, ngày mai 10/8, người dân sẽ có buổi đối thoại với các cơ quan chức năng.

Trao đổi với phóng viên Làng Mới, ông Võ Văn Hưng cho biết, sau khi bán xong rừng, tỉnh sẽ cho trồng lại rừng mới, khoảng 30 triệu đồng/hecta. Như vậy, với 73 hecta rừng bán đi, ngân sách sẽ chi khoảng 2,2 tỷ đồng để trồng lại. Con số này gấp 73 lần con số mà ngân sách thu về!

Như Làng Mới đã thông tin, căn cứ các dữ liệu của người dân, dự án 661 triển khai tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) kể từ năm 2002. Cụ thể tại thôn Trấm, nhiều hộ dân được Ban quản lý dự án trồng rừng 661 Tây Triệu Phong ký hợp đồng trồng hàng trăm hecta rừng tại tiểu khu 831 và nhiều tiểu khu khác. Đến năm 2006, diện tích rừng này được giao về Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, theo chủ trương sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh từ Quyết định số 29 của Thủ tướng. Từ đó đến nay, các hộ dân tiếp tục theo dõi, chăm sóc phần diện tích rừng được giao, nằm trong tổng diện tích rừng phòng hộ do Ban quản lý phụ trách là hơn 8.409 hecta.

Bất ngờ từ tháng 4/2018, nhiều đoàn người và xe đã xuất hiện tại khu vực này, liên tiếp đốn hạ rừng trồng. Khi người dân đặt câu hỏi, lực lượng này cho biết đã có chủ trương của chính quyền cho phép khai thác diện tích rừng trồng tại thôn Trấm để thu tiền cho ngân sách, sử dụng trồng lại rừng mới. Quá bức xúc trước chủ trương “phá rừng trồng”, nhiều người dân sở tại đã lên tiếng đề nghị chính quyền thông tin rõ, và cho rằng, với diện tích rừng thực tế 72,9 hecta đã chăm sóc gần 20 năm, có nhiều cây to, tính ra giá trị hàng trăm triệu đồng và nhất là giúp bảo vệ môi trường địa phương, thì không thể có chuyện lãnh đạo địa phương tùy tiện muốn chặt phá khai thác thế nào cũng được.

Những gì còn sót lại tại một khoảnh rừng trồng thuộc thôn Trấm, nằm trong diện tích 10 hecta rừng bị khai thác trước đó.

PV Làng Mới tìm hiểu hiện trạng thì những cây to đã bị khai thác, còn lại những cây nhỏ với đường kính hơn 30cm, và mật độ cây khá dày chứ không kiệt nghèo như thông tin của chính quyền

Qua tìm hiểu của Làng Mới, để chuẩn bị cho chủ trương khai thác rừng trồng, từ ngày 24/10/2017, đã có 14 cán bộ lãnh đạo sở ngành Quảng Trị tham dự nhiều phiên họp để xác định, sẽ chặt hơn 12.300 cây rừng, khối lượng 910 m3 gỗ tại khu vực thôn Trấm, bán cho nhà máy với giá 432 triệu đồng. Toàn bộ chi phí khai thác rừng là… 401 triệu đồng. Như vậy, địa phương chấp nhận bán trọn vẹn 72,9 hecta rừng trồng phòng hộ chỉ để thu lại được 30 triệu đồng, chưa đủ kinh phí trồng mới 1 hecta rừng.

Trước những phản ảnh của người dân, chính quyền và một số cơ quan quản lý tỉnh Quảng Trị đã trao đổi một số thông tin cùng Làng Mới, cho biết đây là chủ trương nhất quán, nhằm chấn chỉnh hiện trạng đầu tư, quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn.

Dự án 661, được gọi tắt từ Quyết định số 661/QĐ-TT (ngày 29/7/1998) của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu hành động, trồng mới 5 triệu ha rừng tại các tỉnh thành, và bảo vệ diện tích rừng hiện có trong thời kỳ từ năm 1998 đến năm 2010. Dự án nhằm nâng cao độ che phủ của rừng Việt Nam lên mức 43% vào năm 2010, và đã được Quốc hội phê chuẩn triển khai bằng Nghị quyết số 08/1997/QH10.

Theo chủ trương này, phần diện tích rừng trồng ở thôn Trấm đã có nhiều năm, nhưng chủ yếu là rừng nghèo, cây cối thường bị hư hại, không có khả năng phát triển thành rừng, không phát huy chức năng phòng hộ của rừng.

Bị cho là rừng nghèo, không phát huy chức năng phòng hộ. Tuy nhiên, những gốc cây nhỏ cũng hơn gang tay người lớn.

Căn cứ Thông tư số 18/2013 (ngày 20/2/2013) của Bộ Tài chính, địa phương  đề nghị được thanh lý số diện tích rừng này, để tiến hành trồng lại rừng mới, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phòng hộ đầu nguồn sông Thạch Hãn. Sau khi tiến hành khảo sát, lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị đã báo cáo chính quyền, thống nhất chủ trương thanh lý 71,8 hecta rừng tại thôn Trấm.

Ngày 06/12/2017, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký quyết định số 3378 về việc thanh lý (có tận thu) rừng trồng dự án 661 kém chất lượng để trồng lại rừng. Đây là lý do để diện tích rừng trồng tại thôn Trấm bị triệt hạ thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận.

Rõ ràng với thông tin từ chính quyền, vấn đề thanh lý diện tích rừng trồng 661 kém chất lượng là có cơ sở. Nhưng số liệu khảo sát, đánh giá đã thỏa đáng hoàn toàn chưa, để chủ trương không nhận được sự ủng hộ đồng tình của đông đảo người dân sở tại? Chính quyền địa phương cũng đã có phương án trồng lại rừng mới như thế nào, sử dụng những chủng loại cây gì, triển khai ra sao, để bảo đảm rừng trồng mới có chất lượng đúng yêu cầu phòng hộ?

Đặc biệt theo người dân, mức thanh lý bán gỗ rừng trồng ở đây là có vấn đề, bởi không thể chấp nhận được việc cả 72 hecta rừng bị đốn hạ lại thu về chỉ có 30 triệu đồng. Bài toán tận thu gỗ rừng trồng thanh lý như vậy, cần phải làm sáng tỏ, và thông tin minh bạch cùng người dân. Có vậy, việc tổ chức thanh lý diện tích rừng 661 tại thôn Trấm mới không bị thất thoát, bảo đảm nguồn thu an toàn cho ngân sách.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Hữu Danh (Làng Mới)
Về đầu trang