Tản mạn một đêm buồn


Tối nay, đi một vòng ra khu trung tâm, thấy đường đi bộ Nguyễn Huệ bị chặn lại, ở cả hai đầu, từ hướng Tôn Đức Thắng, và cả từ hướng Lê Thánh Tôn. Hẳn là một đêm buồn cho những ai đang kinh doanh phục vụ du khách ở khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ.

Thế nào cũng sẽ có nhiều bạn lí giải, rằng những khó khăn mà những người đang kinh doanh phục vụ du khách ở khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ gặp phải là do những người biểu tình gây ra. Đây cũng sẽ là lí luận của phía chính quyền. Và, cả chính quyền lẫn những người ủng hộ họ đều cho rằng cần phải ngăn cản biểu tình để tránh những rắc rối, bảo đảm ổn định. Tuy nhiên, sự thực có phải như vậy hay không?

Có lẽ chúng ta cần phải bắt đầu từ xuất phát điểm. Nhiều bạn cho rằng, việc quốc gia thì để cho đảng và nhà nước lo, chúng ta chỉ cần lo công việc của mình, và làm theo những gì đảng và nhà nước bảo. Suy nghĩ đó là một sai lầm hết sức tệ hại. Đất nước này là của tất cả chúng ta. Ngay cả những văn kiện của đảng và nhà nước đều nói một cách hết sức rõ ràng: nhà nước quản lí, nhân dân làm chủ.

Chúng ta chính là chủ của đất nước này. Nhà nước chỉ là người giúp chúng ta quản lí đất nước này. Chúng ta, những người dân, phải giám sát bộ máy quản lí, xem họ giúp chúng ta quản lí đất nước có tốt không. Nếu có vấn đề gì chưa rõ, hoặc có nguy cơ làm cho đất nước bị thiệt hại, chúng ta phải có trách nhiệm chất vấn những người mà chúng ta trả lương để quản lí đất nước này.

Những người giúp chúng ta quản lí đất nước này phải có trách nhiệm giải trình cho chúng ta rõ các thắc mắc, minh bạch những điều họ đã và sẽ làm. Chỉ khi chúng ta thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân để bảo vệ đất nước, thường xuyên, kiểm tra, giám sát hoạt động của những người thay chúng ta quản lí đất nước, chúng ta mới chứng tỏ mình là một công dân tốt của đất nước. Còn nếu chúng ta phó mặc mọi việc cho họ, thì chúng ta là những kẻ vô trách nhiệm với đất nước.

Một vấn đề nữa, mà gần đây, một số người phản ứng với cá nhân tôi, cho rằng tôi ủng hộ biểu tình có nghĩa là ủng hộ việc làm cho tình hình mất ổn định. Cần phải thấy rằng biểu tình là quyền của người dân. Khi những người thay chúng ta quản lí đất nước này không nghe chúng ta nói, thì việc biểu tình là cách tốt nhất để người dân biểu đạt ý kiến với họ.

Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam qui định, công dân có quyền biểu tình. Điều 167 Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 qui định Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân. Rõ ràng, biểu tình là quyền hợp pháp của người dân.

Biểu tình và bạo động là hai khái niệm khác hẳn nhau. Tôi không ủng hộ bạo động, thậm chí, tôi còn lên án nó. Tuy nhiên, nhiều người đang cố tình gắn biểu tình với bạo động.

Có một chút khó hiểu trong các vụ bạo động vừa qua ở Bình Thuận. Đó là phản ứng của các lực lượng chống bạo động. Rõ ràng là lực lượng này không có ý định trấn áp bạo lực. Chỉ cần họ ra tay là dẹp được ngay. Lực lượng bạo động chỉ là một nhóm nhỏ, tự do chạy xe, chở từng bao đá, đập gậy thoải mái vào lực lượng chống bạo động.

Có người khen lực lượng cảnh sát cơ động đã chịu đựng vì người dân, thông cảm cho họ. Ban đầu tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng với những gì xảy ra sau đó, nhất là việc người ta cố tình ghép bạo động vào biểu tình, tôi không còn ý nghĩ khen ngợi cách hành xử của lực lượng cảnh sát cơ động nữa.

Một số người cho rằng tôi ủng hộ việc biểu tình, bạo động để lật đổ chính quyền này. Tôi nói rõ rằng tôi không ủng hộ việc lật đổ chính quyền này bằng bạo lực. Chính quyền này cho thấy họ đã có quá nhiều sai lầm, để lợi ích nhóm chi phối cả chính sách. Họ cũng có những hành xử không chính danh, nói một đằng làm một nẻo, không phù hợp với vị thế của một chính quyền.

Là một người đã từng nếm trải những đau khổ của chiến tranh, tôi luôn mong muốn một sự thay đổi trong hòa bình, một cuộc đấu tranh ôn hòa, mang tính xây dựng. Là một bác sĩ, tôi ủng hộ việc cố gắng bảo tồn, chỉ thay thế khi không còn cách nào khác. Tôi sẽ ủng hộ bất cứ ai có cùng suy nghĩ như vậy.

Tôi muốn đất nước này phải thực sự có dân chủ, chính quyền phải thực sự do dân bầu ra, và hoạt động của nó phải được đặt dưới sự kiểm soát của người dân. Mọi hoạt động của chính quyền phải được minh bạch, rõ ràng.

Một trong các nguyên nhân để chính quyền mắc sai lầm là chúng ta, những người dân, đã không thể hiện đầy đủ trách nhiệm công dân của mình. Chính vì vậy, tôi cổ súy việc người dân thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với đất nước.

BS Võ Xuân Sơn
Về đầu trang