Con thuyền lạc lõng


Chiều hôm nay, tôi phải tạm gác lại công việc riêng của mình để tập trung block các bạn dư luận viên, bởi tôi biết các bạn ấy đã nghe theo sự chỉ đạo của ai đó, nhiều diễn đàn đồng loạt chửi tôi, report, thăm hỏi cả chỗ làm cũ của tôi, thay vì chọn giải pháp đối thoại sòng phẳng.

Cũng có một số anh em công an tâm sự với tôi rằng, các anh ấy đã hiểu và cố gắng tu tâm sửa tính khi đọc các bài viết của tôi. Tuy nhiên, môi trường giáo dục theo kiểu “còn đảng còn mình, tổ quốc tạm gác lại” từ xưa đã khiến cho phần lớn các chú “sói” ưa bạo lực, không được đào tạo bài bản nên hễ thấy ai có tư tưởng khác ý là muốn chửi, muốn đánh.

Tuy vậy, trong sâu thẳm, tôi vẫn coi các bạn ấy là con người, là đồng bào của mình, tôi thấy các bạn ấy đáng thương hơn là đáng ghét, bởi môi trường sống, não bộ của các bạn ấy có vấn đề ngay từ nhỏ, một số khác thì đang trong giai đoạn thất nghiệp.

Nhưng, cuộc đời quá ngắn ngủi để sửa chữa mọi sai lầm, đất nước đang bước vào giai đoạn tăm tối, nếu không chịu tỉnh giấc kịp thời thì chỉ vài năm nữa thôi, khi đất nước lâm nguy, những kẻ chóp bu sẽ cho gia đình chúng sang nước ngoài hưởng thụ.

Còn gia đình các bạn ấy, từ gia đình cách mạng trở thành những gia đình dân oan, từ những gia đình văn hóa trở thành những gia đình không kèn không trống, không có nổi một người đến viếng. Người dân, lịch sử cũng sẽ tìm đến hỏi tội, nguyền rủa các bạn ấy.

Tôi cũng hy vọng một số người mang danh nghệ sĩ, sẽ nhanh chóng bắt kịp với nhịp sống của thời đại, của thế giới, tôi biết cả cuộc đời các bạn chỉ đắm chìm, sống mòn trên sân khấu và thích thể hiện trước màn hình.

Các bạn nhìn cuộc đời qua lăng kính của một nhóm người chứ không thông qua sự va chạm, sự thấu hiểu của chính bản thân mình.

Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó, các bạn sẽ dành thời gian nghiên cứu sâu hơn về hiến pháp nước mình, các bạn sẽ đóng giả một người dân oan lang thang ở hồ Con Rùa để bị bắt, bị đánh, khi đó các bạn mới thấm thía được nhiều hơn, từ cái xã hội khó ưa này.

Tôi cũng hy vọng các bạn sẽ tận mắt chứng kiến cảnh những người Công giáo liêm chính bất lực, họ cầu nguyện trong sự lo lắng, trước những hành vi tội ác của những kẻ mang danh pháp luật, chứng kiến cảnh đồng bào nuốt răng vào bụng, hãy bỏ ra vài tháng để sống với những mảnh đời cơ cực ấy.

Khi đó, tôi tin rằng các bạn sẽ không còn lên án những người đấu tranh ôn hòa nữa, không còn đấu tố những người hùng, đấu tố cả người thân của các bạn như quân thù quân hằn, như cái thời cải cách ruộng đất, con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng.

Và các bạn có biết không?

Chỉ trong vòng nửa năm 2017, có tới 16 cơn bão đổ bộ vào biển Đông. Người dân miền Trung lúc nào cũng phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.

Hết thiên tai rồi lại nhân tai, biết bao đời mới dành dụm, vay mượn được ít tiền nhỏ nhoi để mua ghe, mua tàu ra khơi bám biển.

Cho đến khi ra được khơi rồi, bão biển ập đến, họ tìm cách trú ngụ trên một hòn đảo nhỏ, vẫn thuộc quyền sở hữu của nước mình nhưng họ đã bị nước Tàu đuổi đánh, đuổi đánh ngay trên quê hương họ.

Và tất nhiên, có những đoàn tàu không số ra đi và sẽ không bao giờ quay trở lại. Không ai biết nguyên nhân tại sao họ biến mất, tất cả cũng chỉ biết cầu nguyện.

Các bạn nhìn kỹ xem, đã bao giờ vùng biển miền Trung bị ô nhiễm thế này chưa?

Xin đừng quên các doanh nghiệp Trung Quốc như Formosa, nhiệt điện Vĩnh Tân...

Trong khi những biệt thự triệu đô của Vingroup chiếm luôn cả bờ biển ở Phú Quốc, thì ở miền Trung, đâu đó vẫn có những ngôi làng mọc giáp bờ biển, nhưng đó là những ngôi làng ung thư, những ngôi làng được đặt trong tâm bão, những đứa trẻ lúc nào cũng phải sống trong sự lo lắng, bồn chồn, khi mới ra đời chúng đã phải tự đặt cho mình câu hỏi:

- Không biết bao giờ bão đến cuốn cả làng mình đi?

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng qua nhiều thế hệ không thể khắc phục được, không còn tôm còn cá để đánh bắt, kế sinh nhai thì dang dở, không còn tiền để đóng học cho con, không còn khả năng vay mượn để mua thiết bị, lãi mẹ đẻ lãi con, những đứa con vùng biển ít học trở nên nóng nảy, cục súc hơn bao giờ hết.

Và khi mọi thứ đã vượt qua giới hạn, họ không còn nghĩ được nhiều nữa, họ chỉ biết đập phá, một số đã dùng tới bạo lực để đáp trả bạo lực.

Và cuối cùng, họ lạc lõng, họ lạc lõng ngoài khơi xa, họ lạc lõng ngay trên chính quê hương mình.

Đỗ Cao Cường
Về đầu trang