Tôn giáo là cá nhân riêng tư trong chính chiều sâu của nó


Tin liên quan:
✔️ Khi cái ác trở nên phổ biến – Liều thuốc nào cho người Việt?
✔️ Tri kiến nội tâm, loại trừ mê tín dị đoan
✔️ Hồng Y Robert Sarah: "Yên lặng – Nghệ thuật gặp gỡ Chúa"
✔️ Tình yêu vô điều kiện, hay tình yêu tự bên trong
✔️ Câu chuyện phong thuỷ

N.A. Berdyaev (1874 – 1948) là triết gia Nga nổi tiếng của thế kỷ 20. Ông đã xây dựng triết học về bản diện cá nhân và tự do trong tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. Các đoạn trích dưới đây thể hiện rõ những quan niệm tự do của triết gia về tôn giáo, cụ thể là Kitô giáo.

Nikolai Berdyaev (1874–1948). (Ảnh: humancondition.com)

Đời sống tôn giáo luôn luôn mang tính chất cá nhân riêng tư, nó là cá nhân riêng tư chính ở trong chiều sâu của nó. Kiểu cách tôn giáo của tôi ngay từ thời thơ ấu đã được xác định như mang tính tinh thần-bên trong và tự do.


Theo tính cách của mình, tôi thiên về cảm nhận thấy tình trạng bất toàn và tội lỗi của mình. Tôi hoàn toàn xa lạ với cảm giác tự đắc. Thế nhưng tôi cảm nhận nỗi đau khổ và bất hạnh với sức mạnh đặc biệt. Trong đời sống trần gian có sự dối trá thật sâu sắc, có nỗi đau khổ vô tội.


Đức tin của tôi cứu tôi thoát khỏi chủ nghĩa vô thần là như sau: Thượng đế bộc lộ mình cho thế gian, Người khai mở bản thân mình trong các lời tiên tri, trong Người con trai, trong Tinh thần, trong chiều cao tinh thần của con người, nhưng Thượng đế không quản trị cõi trần gian này vốn dĩ là ở trong tình trạng rơi vào bóng tối.


Để miêu tả con đường tinh thần của mình tôi luôn luôn phải quả quyết rằng tôi xuất phát từ tự do và đi đến tự do trong cuộc sống tôn giáo của mình. Nhưng tôi cảm nhận tự do ấy không phải chuyện dễ dàng, mà như chuyện khó khăn. Dostoevsky đặc biệt gần gũi với tôi trong cách hiểu ấy về tự do như là nghĩa vụ, gánh nặng, như ngọn nguồn tình trang bi thảm của đời sống. Chính việc chối bỏ tự do tạo nên tình trạng nhẹ nhàng và có thể đem lại hạnh phúc cho những đứa trẻ biết vâng lời. Tôi thậm chí cảm nhận tội lỗi không như việc không vâng lời, mà như tình trạng đánh mất tự do. Tôi cảm nhận tự do mang tính thần thánh. Thượng đế là tự do, Người ban cho tự do. Người không phải là ông chủ, Người là Người giải phóng. Người giải phóng thế gian khỏi tình trạng nô lệ. Thượng đế tác động thông qua tự do và tác động lên tự do. Người không tác động thông qua tất yếu và [không tác động] lên tất yếu. Người không cưỡng ép phải thừa nhận Người. Bí ẩn của đời sống thế gian là ở trong điều này… Tôi là đại biểu của triết lý tôn giáo tự do.


Tôi cho rằng tôn giáo không phải là cảm nhận tính phụ thuộc của con người, mà là cảm nhận tính độc lập của con người. Nếu không có Thượng đế, con người sẽ là thực thể hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên và xã hội, phụ thuộc vào thế gian và nhà nước. Nếu có Thượng đế thì con người là thực thể độc lập về tinh thần. Và mối quan hệ với Thượng đế được xác định không phải như tình trạng lệ thuộc của con người, mà như tự do của nó. Thượng đế là tự do của tôi, là phẩm giá thực thể tinh thần của tôi. Học thuyết trá ngụy về quy thuận đã xuyên tạc Kitô giáo và hạ thấp con người vốn là thực thể tương đồng với Thượng đế.


Tôi đã phê phán nhiều chủ nghĩa nhân văn trong cái hình thức như nó đã được tạo nên vào thế kỉ tân lịch sử. Chủ nghĩa nhân văn đang trải qua khủng hoảng và sụp đổ, bởi vì nó đi đến ý thức về tình trạng tự đầy đủ của con người…

Nhưng trong bản thân tôi có chủ nghĩa nhân văn tôn giáo sâu sắc, tôi tin vào tính nhân bản của Thượng đế. Ấy là con người mất nhân bản, còn Thượng đế thì nhân bản.

(Trích dịch từ tác phẩm Tự nhận thức – Berdyaev)

Nguyễn Văn Trọng (theo caphethubay.net)
Tin liên quan:
✔️ Khi cái ác trở nên phổ biến – Liều thuốc nào cho người Việt?
✔️ Tri kiến nội tâm, loại trừ mê tín dị đoan
✔️ Hồng Y Robert Sarah: "Yên lặng – Nghệ thuật gặp gỡ Chúa"
✔️ Tình yêu vô điều kiện, hay tình yêu tự bên trong
✔️ Câu chuyện phong thuỷ

Về đầu trang