Rất hiếm có học sinh… trung bình ở những lớp cuối cấp


Tin liên quan:
✔️ Giới chức giáo dục Hoa Kỳ tố cáo 21 trường đại học Hoa Kỳ mạo danh ở Việt Nam CS
✔️ Những hiệp sĩ khác và những kẻ vong thân
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Khi con là công cụ cho ước mơ của cha mẹ
✔️ Giáo dục tan nát, ai chịu trách nhiệm?
✔️ Chiếc thòng lọng lơ lửng trên nền giáo dục chông chênh
✔️ Đừng tiếp tay cho hệ thống giáo dục đang cướp đi tuổi thơ của con cái chúng ta nữa!
Việc nâng điểm cho học sinh một cách quá cao đang tạo nên rất nhiều hệ lụy cho các em học sinh và đặc biệt là với các em học sinh ở khóa sau.

Có một sự thật là điểm số học tập của học sinh ngày càng được đẩy lên cao. Tiêu chí năm sau phải bằng hoặc cao hơn năm trước được nhiều địa phương áp dụng một cách triệt để nhằm “nâng cao chất lượng” dạy và học trong nhà trường.

Vì thế, đối với học sinh cuối cấp thì điểm số bao giờ cũng được đẩy lên cao một cách chóng mặt.


Ngày xưa, học sinh trong một lớp chỉ có vài ba em được xếp loại học lực khá, được tuyên dương danh hiệu “Học sinh tiên tiến” là mừng lắm rồi.

Danh hiệu “Học sinh giỏi” cả trường may ra mới có một vài em, còn bây giờ thì hiếm hoi mới có học sinh trung bình.

Sự thật này không biết nên mừng hay lo?

Là một giáo viên đang dạy ở một lớp cuối cấp trung học cơ sở nên thời điểm này, chúng tôi đã hoàn thành điểm số cho học sinh để nhà trường xét tốt nghiệp và ôn tập cho các em nhằm chuẩn bị thi tuyển sinh lớp 10.

Bởi lâu nay, phần lớn các trường học đều sử dụng sổ điểm điện tử nên khi vào điểm xong rồi thì giáo viên có thể vào mục thống kê điểm trung bình môn để nắm tình hình học sinh của mình đối với tất cả các môn học.

Điều mà chúng tôi ngỡ ngàng là phần lớn học sinh đều được xếp loại học lực giỏi và khá.

Làm thầy, khi thấy học sinh như vậy đáng lẽ phải vui nhưng không hiểu sao chúng tôi chỉ cảm nhận được những nỗi buồn man mác.

Học sinh bây giờ giỏi đến như vậy sao?

Có những lớp không có học sinh trung bình, trong khi trường chúng tôi lại là một trường khó khăn so với các trường trên cùng địa bàn.

Tôi đem câu chuyện này đi nói với một số bạn bè cũng là giáo viên ở các đơn vị huyện khác thì cũng nhận được sự đồng cảm tương tự bởi các trường mà đồng nghiệp của chúng tôi đang dạy cũng đang có tình trạng điểm cao như thế.

Những nỗi buồn ấy không chỉ thoáng qua mà khi Phòng Giáo dục gửi bảng điểm thống kê của toàn huyện về trường thì thấy trường nào cũng có tỉ lệ học sinh giỏi cao chót vót như vậy.

Và, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có học sinh trượt tốt nghiệp nếu học sinh đó nghỉ học không quá 45 buổi. Bởi vì điểm số đã quá mỹ mãn cho học sinh rồi.

Có một điều chúng tôi không phủ nhận là trong những năm qua thì ngành giáo dục cũng như các thầy cô giáo đã và đang cố gắng rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng như kế hoạch mà lãnh đạo địa phương đã đề ra.

Tuy nhiên, việc nâng điểm cho học sinh một cách quá cao đang tạo nên rất nhiều hệ lụy cho các em học sinh và đặc biệt là với các em học sinh ở khóa sau.

Những học sinh tích cực học tập thì không nói làm gì nhưng những học sinh vắng học nhiều, vào lớp thì quậy phá, ý thức học tập chưa tốt nhưng vì khi kiểm tra nhờ quay cóp bài vở của bạn bè, thậm chí được thầy cô thương trò mà “cấy” cho vài điểm số ở những cột không có điểm thì vô tình tạo cho học sinh một sức ỳ và ỉ lại rất lớn.

Năm nay lên lớp được thì năm sau cũng cứ vậy, không thay đổi.

Năm nay, nhiều anh chị học hành lơ mơ cũng được xét tốt nghiệp thì các em sang năm cũng có thái độ học tập tương tự như vậy.

Nhiều em học sinh cấp 2 trở lên thừa biết rằng thầy cô bây giờ không dám làm gì học trò khi các em vi phạm ở trong lớp nên các em càng không có động lực học tập, phấn đấu. Có em còn vênh váo tuyên bố thầy (cô) mà đánh, chửi em là vi phạm đạo đức nhà giáo.

Trước thực trạng như vậy, nhiều giáo viên cũng phải “làm ngơ” bởi làm căng quá, đúng quá thì liên lụy đến mình, thậm chí mất việc như chơi.

Hơn nữa, thành tích giảng dạy của mình thấp thì làm ảnh hưởng đến thành tích của tổ, của trường và chắc chắn cuối năm sẽ bị “lưu ý” trước hội đồng nhà trường, trước tổ chuyên môn.

Một lí do nữa mà điểm học sinh cao là hiện nay ngoài một số môn khó lấy điểm cao như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ thì các môn còn lại có nhiều môn có phần thực hành nên học sinh rất dễ lấy điểm.

Điểm thực hành chủ yếu là 9, 10 bởi nhiều khi giáo viên cho làm bài thực hành theo nhóm, trong khi những môn học đó chỉ có 2-3 cột điểm định kì nhưng điểm thực hành 1-2 cột điểm nên khi điểm thực hành cao là “kéo” điểm số của các em lên loại khá và giỏi ngay.

Đó là chưa kể một số giáo viên hiện nay gác kiểm tra chưa nghiêm túc dẫn đến tình trạng trong lớp chỉ cần 1-2 em làm được là cả lớp làm được.

Chính vì điểm các môn khác cao nên nhiều giáo viên chủ nhiệm phải “thảo luận” với giáo viên Văn, Toán để các em phải tối thiểu có 1 môn đạt điểm trung bình môn loại giỏi thì mới được xếp loại học lực cả năm là giỏi.

Bao giờ nhà trường, giáo viên đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh một cách toàn diện? Chắc chắn là chưa biết đến bao giờ.

Bởi, theo Khoản 3 Điều 37 Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), thì học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học.

Cấp trên thì giao chỉ tiêu cho trường, trường giao cho tổ, tổ ấn cho giáo viên. Vậy nên, học sinh điểm cao thì nhà trường, giáo viên, phụ huynh đều…vui. Nhưng, học dở mà điểm cao thì hậu quả sẽ khôn lường cho xã hội.

Nhật Duy (Giáo dục VN)
Tin liên quan:
✔️ Giới chức giáo dục Hoa Kỳ tố cáo 21 trường đại học Hoa Kỳ mạo danh ở Việt Nam CS
✔️ Những hiệp sĩ khác và những kẻ vong thân
✔️ Tại sao người Việt nghiện “học giỏi”?
✔️ Khi con là công cụ cho ước mơ của cha mẹ
✔️ Giáo dục tan nát, ai chịu trách nhiệm?
✔️ Chiếc thòng lọng lơ lửng trên nền giáo dục chông chênh
✔️ Đừng tiếp tay cho hệ thống giáo dục đang cướp đi tuổi thơ của con cái chúng ta nữa!
Về đầu trang