Bóng tối ập đến sau ánh sáng


Tin liên quan:
✔️ Một xã hội mục ruỗng và phân huỷ theo “đúng quy trình”!
✔️ Việt Nam là nước “bất hạnh” trên thế giới?
✔️ Làm gì cũng bại
✔️ Tôi không thể tin được...


Cuộc cách mạng mà người hâm mộ Việt Nam chờ đợi sau chiến thắng của U 23 đã không đến. Bởi người làm bóng đá còn đang mải mê với những cuộc chiến khác. Hầu hết trong số đó không phục vụ cho bóng đá, không phục vụ cho giấc mơ của các đội tuyển.

Ông Nguyễn Lân Trung không có "suất" lên xe diễu hành U23 Việt Nam.

Khi ông Nguyễn Lân Trung dính bê bối cướp công U23 Việt Nam, Tổng thư ký Lê Hoài Anh vừa tuyên bố “ông Trung làm đúng nhiệm vụ” thì Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ đáp lại “tôi không hề giao việc cho ông ấy”. Cuộc đối đầu giữa bầu Tú và bầu Đức bùng lên sau khi ông Tú ứng cử Phó Chủ tịch VFF.

Những thông tin tiêu cực của VFF đều không đến từ báo chí. Hầu hết trong số chúng xuất phát từ bóng tối phía sau Liên đoàn. Căng thẳng giữa bầu Tú và bầu Đức, ông Dương Văn Hiền tiết lộ chuyện VPF can thiệp việc điều hành trọng tài, băng ghi âm dung tục lộ ra bởi một lãnh đạo giấu mặt...

Không sai khi nói VFF đang tự làm xấu hình ảnh của mình trong mắt truyền thông và dư luận. Thay vì dành tâm huyết cho bóng đá, họ tìm mọi cách để bôi xấu, để hạ nhục, để gài bẫy và đặt băng ghi âm.

Chắc bởi họ mất quá nhiều thời gian cho những việc đó nên các vấn đề của bóng đá vẫn chưa được xử lý. Tại V.League, lỗi trọng tài vẫn là đặc sản với 2 trọng tài và 1 giám sát bị “treo còi” từ đầu mùa.

Bóng đá bạo lực vẫn thống trị khi Dương Văn Hào là ví dụ mới nhất. Chắc bởi họ quá “bận” nên tiền thưởng SEA Games 2017 vẫn chưa tới tay tuyển nữ, U19 Việt Nam vẫn tập trung trong tình trạng thiếu người còn giải hạng Nhì vẫn còn chuyện “mua đội, bán tên”.

Thượng tầng VFF - cơ quan lãnh đạo cao nhất của bóng đá Việt Nam, trở thành “bãi chiến trường” với hàng loạt phe phái. Họ chia bè, kéo cánh, lao vào cuộc tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội VIII.

Họ ngồi cạnh nhau nhưng không nhìn về một hướng, họ bắt tay đằng trước nhưng thủ dao sau lưng. Họ làm chuyên môn thì chậm nhưng tìm điểm xấu của nhau thì nhanh. Họ luôn rình rập, tìm kiếm cơ hội để triệt hạ lẫn nhau.

Như HLV Marian Mihail đã nói trong ngày rời Thanh Hóa: “Trở lực lớn nhất mà tôi phải đối mặt ở Thanh Hóa và bóng đá Việt Nam là sự ích kỷ và những ham muốn cá nhân. Với họ, những thứ đó quan trọng hơn tập thể, quan trọng hơn mối quan tâm quốc gia.

U23 Việt Nam đã cho thấy mọi tố chất để thành công như sức trẻ, tài năng, sự chăm chỉ và khát khao. Nhưng những người khác thì không. Nếu họ cứ như vậy, đến cuối cùng, nền bóng đá và CĐV Việt Nam sẽ là kẻ thua cuộc”.

Nguyễn Thị Bích Hậu
Tin liên quan:
✔️ Một xã hội mục ruỗng và phân huỷ theo “đúng quy trình”!
✔️ Việt Nam là nước “bất hạnh” trên thế giới?
✔️ Làm gì cũng bại
✔️ Tôi không thể tin được...
Về đầu trang