Luận về "tính trung lập" trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine

0
Trong cuộc đời, từ cổ chí kim, từ đông sang tây luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề như là một tất yếu! Ví như "âm – dương", "phải – trái", "tử – sinh", "thiện – ác", "chánh –tà", "tốt –xấu"...và "hai mặt" này tạo ra một sự mâu thuẫn mang tính đối lập, và tuỳ mức độ có thể phát sinh đối kháng hoặc buộc phải cùng tồn tại song song... Đó là tư duy theo kiểu "nhị nguyên luận" mà trong triết học Đông Phương gọi là Kinh Dịch! Tuy nhiên thực tế trong nền chính trị và bang giao quốc tế đã hình thành thêm "mặt thứ ba" được dùng bằng một thuật ngữ là "trung lập". Source: https://fb.com/quyninh.nguyen/posts/3635391103268212
Nữ thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin đã gặp Thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson tại Stockholm vào Thứ Tư, 13 Tháng Tư, 2022, để thảo luận về cách tăng cường an ninh của Phần Lan và Thụy Điển trong môi trường an ninh thay đổi. Tình hình an ninh ở Châu Âu đã thay đổi cơ bản sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. 2 người phụ nữ này đang thúc đẩy quá trình đưa quốc gia của họ gia nhập NATO, dù trước đó, Phần Lan và Thuỵ Điển là những người trung lập lâu đời.

Trong cuộc đời, từ cổ chí kim, từ đông sang tây luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề như là một tất yếu! Ví như "âm – dương", "phải – trái", "tử – sinh", "thiện – ác", "chánh – tà", "tốt – xấu"...và "hai mặt" này tạo ra một sự mâu thuẫn mang tính đối lập, và tuỳ mức độ có thể phát sinh đối kháng hoặc buộc phải cùng tồn tại song song... Đó là tư duy theo kiểu "nhị nguyên luận" mà trong triết học Đông Phương gọi là Kinh Dịch!

Tuy nhiên thực tế trong nền chính trị và bang giao quốc tế đã hình thành thêm "mặt thứ ba" được dùng bằng một thuật ngữ là "trung lập".

Khi phát hiện ra thuyết nguyên tử từ thời cổ đại, các nhà khoa học đã phát hiện ra cấu tạo vật chất không thuần tuý như trong triết học!

Tất cả mọi vật chất được hình thành từ nguyên tử với hai hạt cơ bản mang điện tích trái dấu nhau là âm "electron" (–) và dương "proton" (+) có tính đối lập, nhưng lại có thêm một hạt thứ ba không mang dấu gì cả được gọi là "trung hòa tử" (neutron).

Từ đó khái niệm "trung hòa" nghĩa là không ngả về cực nào được vận dụng vào trong chính trị, trong ngoại giao và nhiều lĩnh vực khác...

Trong chính trường, các hội nghị, người ta thường dùng lá phiếu để biểu đạt ý kiến về một vấn đề nào đó và sử dụng cách biểu quyết bằng các "phiếu đồng ý", "phiếu chống", "phiếu trắng"... Phiếu trắng ở đây như một một cách biểu hiện thái độ "vô thưởng – vô phạt", "không khen, không chê"...

Lịch sử chiến tranh phát triển cho thấy sự xung đột giữa hai quốc gia tham chiến còn có những quốc gia "đứng giữa" bên ngoài cuộc chiến gọi là "quốc gia trung lập".

Do đó luật pháp quốc tế đặt thêm quy chế về "quốc gia trung lập" khi xảy ra xung đột giữa hai hay nhiều nước với nhau như thời các cuộc chiến tranh thế giới đã từng xảy ra.

Theo Công ước Hague 1907, một "quốc gia trung lập" trong một cuộc chiến tranh là một quốc gia có chủ quyền, tuyên bố trung lập với các bên tham chiến. Một quốc gia không tham chiến không cần phải là một quốc gia trung lập.

Một quốc gia trung lập dài hạn là một quốc gia có chủ quyền bị ràng buộc bởi hiệp ước quốc tế để trở thành trung lập trước các bên tham chiến và chiến sự mai sau. Khái niệm về trung lập trong chiến tranh được định nghĩa rất hạn hẹp và thường đưa ra những hạn chế cụ thể với bên trung lập để giành được quyền công nhận quốc tế về vai trò trung lập.

Với các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế, họ luôn tuân thủ những quy tắc mà họ đã đặt bút ký kết một cách nghiêm túc trong những hiệp định mang tính quốc tế!

Chẳng hạn khi Hitler phát động chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù Đức Quốc xã thôn tính hầu hết các nước ở châu Âu nhưng không xâm phạm những quốc gia tuyên bố trung lập như Thuỵ Sỹ, Thuỵ Điển...

Thời "Chiến tranh Lạnh" hình thành sau khi Thế chiến II kết thúc năm 1945 giữa hai phe thuộc "Thế giới Tự do" (phương Tây) và "Thế giới Cộng sản" (khối XHCN do Liên Xô cầm đầu) thì có rất nhiều nước tuyên bố là "Thế giới thứ ba" là "phi liên kết" với hai phe đối đầu trong cuộc "Chiến tranh Lạnh" kia!

Cũng trong thời kỳ này, có hai khối quân sự đối đầu nhau là NATO và Warszawa, tuy không trực diện bằng cuộc chiến tranh thế giới nhưng thông qua những cuộc "chiến tranh uỷ nhiệm", đứng đầu hai phe này là Mỹ và Liên Xô đã giúp đỡ cho "phe nhà" bằng hình thức viện trợ kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao... để cho những quốc gia này "xung đột" với nhau nhằm gia tăng vị thế chính trị và áp đặt ý thức thức hệ của các siêu cường lên những nước "nhược tiểu" này. Có ba cuộc chiến như vậy trong thời kỳ này là Chiến tranh Đông Dương (1946-1954), Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và Chiến tranh Việt Nam (1955-1975).

Trong thời kỳ "Chiến tranh Lạnh" giữa hai phe "Tư bản – Cộng sản" này, có nhiều quốc gia châu Âu tuyên bố và thực hiện quy chế của một "quốc gia trung lập" như Thuỵ Điển, Phần Lan, Iceland, Áo, Thuỵ Sỹ...

Sau khi Liên Xô sụp đổ cùng với kết thúc "Chiến tranh Lạnh", khối Warszawa cũng tan rã theo, nhiều nước Đông Âu và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã nhanh chóng chọn hướng đi cho quốc gia mình bằng cách gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hoặc Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây dương (NATO) như Ba Lan, Cezch, Slovakia, Romania, Bulgaria, Hungary, Estonia, Latvia, Lithuania...

Biên giới cũ của Liên Xô sau khi bị sụp đổ đã được vẽ lại và được quốc tế thừa nhận, trong đó Liên bang Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô được hưởng phần nhiều sức mạnh quân sự, tài nguyên, khoa học kỹ thuật...

Ukraine cũng là một quốc gia đồng sáng lập Liên Xô cùng với Nga, do nhiều bất ổn về chính trị, đời sống sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1991, theo gương các nước Baltic thuộc Liên Xô trước đây đã gia nhập NATO, muốn có "nguyện vọng" gia nhập EU và NATO khiến Nga cảm thấy "bất an" và nhận thấy NATO đang có xu hướng "bành trướng" về phía đông sát với biên giới của mình!

Khi Vladimir Putin lên nắm giữ vai trò lãnh đạo Liên bang Nga từ năm 2000, ông ta đã có những "giấc mơ" khôi phục lại Đế chế Nga, vẽ lại đường biên giới của Nga có từ thời Liên Xô để củng cố, nâng cao vị thế lãnh đạo một nước Nga rộng lớn như một vị Sa hoàng thuở xưa!

Hơn 20 năm trời trên cương vị tổng thống rồi thủ tướng rồi lại tổng thống, Putin đã ra sức xây dựng sức mạnh quân đội Nga vốn dĩ được kế thừa kho vũ khí nguyên tử khổng lồ từ thời Liên Xô, rồi "lừa" Ukraine tự "tước bỏ sức mạnh nguyên tử" bằng bản ghi nhớ Budapest, theo đó Ukraine đã đáp ứng các nghĩa vụ bằng cách chuyển giao kho vũ khí nguyên tử lớn thứ ba thế giới cho Nga và được hứa hẹn rằng "Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và sẽ không có vũ khí nào được sử dụng để chống lại Ukraine ngoại trừ để tự vệ hoặc theo cách khác phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc.".

Bản ghi nhớ nêu ba nước Nga, Anh, Mỹ: "Tái khẳng định cam kết tìm kiếm hành động ngay lập tức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, với tư cách là Quốc gia không sử dụng vũ khí nguyên tử, nếu Ukraine trở thành nạn nhân của một hành động xâm lược hoặc bị đe dọa xâm lược trong đó vũ khí nguyên tử được sử dụng." Đổi lại, Ukraine đã từ bỏ vũ khí nguyên tử bên trong biên giới của mình, gửi chúng cho Nga để tháo dỡ.

Kể từ khi ký Bản ghi nhớ Budapest 12/1994, Ukraine đã đáp ứng các nghĩa vụ bằng cách chuyển giao kho vũ khí lớn thứ ba thế giới. Đến giữa năm 1996, đầu đạn nguyên tử cuối cùng rời khỏi lãnh thổ Ukraine, và đến cuối năm 2001, hầm chứa tên lửa cuối cùng đã bị phá huỷ. Đổi lại là một đảm bảo an ninh cho Ukraine được gắn trong cái được gọi là Bản ghi nhớ Budapest.

Từ một quốc gia độc lập và là "cường quốc nguyên tử thứ ba" trên thế giới, Ukraine từng sở hữu đến 3.000 vũ khí nguyên tử chiến lược và chiến thuật, vì quá "cả tin" vào "người anh em cũ" mà một sớm một chiều đã tự "phế bỏ võ công" khiến Vladimir Putin tự tin khởi chiến cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022 với cái cớ hết sức mơ hồ là Ukraine vẫn còn "tàng trữ vũ khí nguyên tử", gây hiểm họa cho an ninh Liên bang Nga và nhiều cái cớ vu vơ khác nữa!

Cả thế giới, nhất là các quốc gia thuộc châu Âu luôn quan tâm thái độ của Vladimir Putin cũng nhưng động thái của Liên bang Nga từ các cuộc chiến tranh "hậu Liên Xô" do Nga phát động ở Chechnya, Gruzia... mà mới đây tham chiến ở Syria, khiến những quốc gia lâu nay tuyên bố thực hiện quy chế trung lập nhận chân ra sự hiếu chiến và những mưu đồ với kế hoạch ngắn hạn cũng như dài hơi của Putin và ban lãnh đạo nước Nga!

Các quốc gia Baltic thuộc Liên Xô như Estonia, Latvia, Lithuania có lãnh thổ nhỏ, sức mạnh quân sự không có gì nên ngay lập tức họ "chọn phe" để có thể nương dựa vào sức mạnh tập thể của khối NATO mà tồn tại nền độc lập trước mưu đồ "tái sáp nhập" như thời còn Liên Xô.

Rồi cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine trong gần hai tháng nay khiến các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Phần Lan cũng tỏ ra quan tâm với "vị thế trung lập" của mình và cũng đang xúc tiến kế hoạch gia nhập khối NATO trong thời gian ngắn nhất!

Những nhà chiến lược quân sự có cái nhìn hết sức thực tế khi xảy ra cuộc chiến Nga – Ukraine là một bước khởi đầu cho mưu toan vẽ lại đường biên giới một khi nếu Nga thắng Ukraine trong cuộc chiến này, sẽ dùng "thủ đoạn" buộc Ukraine tự nguyện gia nhập Liên bang Nga, rồi bước tiếp theo là thôn tính ba nước Baltic bé nhỏ kia sau khi thiết lập "hành lang Suwalki" nối với vùng đất Kaliningrad, lãnh thổ hải ngoại của Nga, tức chiếm quyền kiểm soát đoạn biên giới giữa Ba Lan và Lithuania. Khối NATO khó lòng cứu được ba nước thành viên Baltic của mình và lãnh thổ Liên bang Nga phục hồi như cũ. Lúc này Phần Lan và Thuỵ Điển nằm trong "tầm ngắm" tiếp theo và số phận tuỳ theo định đoạt của Putin!

Như vậy nếu lúc này Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO thì cùng với ba nước Estonia, Latvia, Lithuania nữa thì sức mạnh của NATO ở biên giới phía Bắc của Nga đã gia tăng đáng kể! Putin đã nhận ra "mưu đồ" của mình bị ngăn chận nên không lạ gì khi mới đây hai nữ thủ tướng của Thuỵ Điển và Phần Lan đều có kế hoạch gia nhập NATO trong vòng vài tuần tới, khiến ông ta vô cùng tức giận, bộ máy tuyên truyền Nga ra sức hù dọa!

Hiện tại, ở vùng biển Baltic, Nga có một vùng "đất hải ngoại" là Kaliningrad là nơi có căn cứ hải quân của hạm đội Baltic và nhiều căn cứ quân sự khác nằm giữa hai nước của khối NATO là Ba Lan và Lithuania vốn nối với nhau bởi một đường biên giới ngắn gọi là "hành lang Suwalki".

Kaliningrad, "đất hải ngoại" của Nga.

Nếu từ lãnh thổ Belarus vốn là một "đồng minh thân cận" mà hiện nay trong cuộc chiến giữa Nga với Ukraine, nước này xem như là "hậu phương lớn" của quân Nga. Nếu quân Nga tiến chiếm "hành lang Suwalki" này thì xem như ba nước Baltic thuộc NATO bị chia cắt về đường bộ với khối này.

Việc xâm lược ba nước Baltic của Nga để "thu hồi" về cho "Liên Xô cũ" trở nên quá dễ dàng và một dải các nước Estonia, Lavia, Lithuania, Belarus, Ukraine và Biển Đen trở thành vùng đệm, là "phên giậu" cho đế chế Nga! Từ đó việc tiến quân lên phía bắc để xâm lược Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy rất thuận đường tiến quân trên bộ của xe tăng Nga!

Đó là tính toán của Valdimir Putin vốn rất thuộc bài theo học thuyết quân sự cũ, trong đó Nga vẫn cho là một quốc gia "địa trung tâm" với lãnh thổ rộng lớn, một khi xảy ra chiến tranh thì quốc gia nào ở địa thế này sẽ là người chiến thắng sau cùng!

Những tư duy về chiến tranh trên chỉ phù hợp trong thời đại hàng không còn phôi thai của Thế chiến I và Thế chiến II...

Ngày nay với sự phát triển vượt bậc không ngừng của kỹ thuật công nghệ cao, của những hỏa tiễn xuyên lục địa, máy bay ném bom chiến lược có khả năng tàng hình, của hàng không mẫu hạm, tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử, của những vũ khí thông minh, của những vệ tinh viễn thông trinh sát nắm vị trí đối phương như trong lòng bàn tay... thì học thuyết quân sự và đường lối chiến tranh trên đã trở thành lỗi thời.

Với những hạt vật chất, theo học thuyết nguyên tử thì những hạt neutron có thể tồn tại là điều tự nhiên!

Tuy nhiên về mặt cuộc đời, vốn dĩ chỉ phân biệt hai điều "Thiện – Ác", "Tốt – Xấu", Đúng – Sai"... thì sự nhập nhằng "giữa hai làn nước" là một điều tự rước mối nguy hại cho mình!

Cứ "đánh đu" theo kiểu "ngọn tre" qua lại giữa "hai cực" mà không quyết định chọn một điểm dừng chưa hẳn đã là "khôn ngoan" để mà dạy đời!

Cái anh mang tư tưởng "trung lập" luôn hoài nghi, mơ hồ và chưa dám khẳng định "ai đúng, ai sai" nên thôi cứ chơi bài "phiếu trắng" cho lành là yên tâm với cả hai phe! Thà là anh cứ anh dũng "chọn phe" cho thiên hạ dễ tính toán mà không áy náy sau này!

Tuy nhiên thiên hạ cũng có lắm "con mắt tinh đời" khi nhận ra cái láu cá khôn vặt kiểu "dĩ hòa vi quý" của anh và rồi từ đó một khi "cái Thiện" đã thắng "cái Ác" thì số phận "đu dây" sẽ được định đoạt...

Trong thời đại ngày nay, người ta không còn mấy chuộng cái kiểu "yêu – ghét" theo kiểu "định tính" mà căn cứ vào "định lượng"... Và cứ theo con số toán học có vẻ khô khan nhưng nó sẽ nói lên tất cả sự thật...

Vậy thì trong cuộc chiến tranh Ukraine và Nga đang xảy ra hiện nay, chắc ai cũng nhìn ra sự thật, về bản chất của cuộc chiến này như thế nào rồi! Người viết bài này không cần phải luận gì thêm...

18/04/2022
Hoài Nguyễn

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang