Sống thì không lo sống...

0
Tôi bắt đầu thắc mắc là cách đây khoảng mươi năm khi một lần lên núi Ngự Bình chơi. Mùa mưa Huế, bì bõm, lên tới nơi thì thấy mồ mả lăng mộ bọc kín chân núi lên mãi đến tận lưng chừng. Thắc mắc, tại sao chỗ cao ráo, sạch sẽ đẹp đẽ thế này thì người sống không ở mà lại chỉ để chôn người chết nhỉ... Quang cảnh ấy y chang quê tôi, mấy quả đồi và núi nhỏ của xã toàn lăng mộ, còn dân thì chen chúc như nêm trong một cái làng bé tí, ô nhiễm. Đi ra, thấy đâu đâu cũng bức tranh ấy. Source: https://fb.com/permalink.php?story_fbid=322537599753266&id=100059910855657
T(caps)ôi bắt đầu thắc mắc là cách đây khoảng mươi năm khi một lần lên núi Ngự Bình chơi. Mùa mưa Huế, bì bõm, lên tới nơi thì thấy mồ mả lăng mộ bọc kín chân núi lên mãi đến tận lưng chừng. Thắc mắc, tại sao chỗ cao ráo, sạch sẽ đẹp đẽ thế này thì người sống không ở mà lại chỉ để chôn người chết nhỉ...

Quang cảnh ấy y chang quê tôi, mấy quả đồi và núi nhỏ của xã toàn lăng mộ, còn dân thì chen chúc như nêm trong một cái làng bé tí, ô nhiễm. Đi ra, thấy đâu đâu cũng bức tranh ấy.

Tôi đã có dịp tận mục sở thị khu lăng mộ trong hình này, lương có, giáo có... một khu mộ của gia tộc, cả chục năm trước, có khi đã lên tới mấy tỷ đồng... Trong khi ngay sát bên khối nhà dân nghèo lụp sụp, tồi tàn!

Người Việt vốn là dân nông nghiệp lúa nước nên chuyện ở dưới thấp để tiện canh tác cũng là hợp lý. Nhưng không phải chỉ có thế, khi một cánh đồng nằm giữa núi và làng thì tại sao cùng một khoảng cách, cái làng ấy lại không di chuyển lên phía trên mà lại chọn nơi thấp thỏi nhất? Trong nhiều nguyên nhân thì có việc dành cho người chết một chỗ tốt nhất (cao ráo, thoáng đãng). Chuyện xây lăng mộ cũng vậy, Huế là điển hình với "Thành phố lăng" nguy nga bạc tỉ. Về quê thấy người ta đua nhau đập lăng cũ xây lăng mới. Tôi cứ tự hỏi, không biết để làm gì khi mà nhiều gia đình còn toát ồ hôi với miếng ăn từng ngày? Xây nhà thờ họ (từ đường) cũng thế, làm - phá - xây; lại làm - phá - xây, con cháu è cổ đóng góp. Người ta sợ người chết hay là "con gà tức nhau tiếng gáy"?

Phong tục thì mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng chết rồi, chôn xuống 3 năm lại đi đào lên lấy xương chôn lại thì thật quái đản, không biết để làm gì. Vụ này có nhiều trường hợp rất rùng rợn, không dám nhắc tới. Mê muội đến không tài nào hiểu được.

Người đã chết rồi thì chăm lo cho cái linh hồn của họ bằng chính sự thiện lương và tâm từ bi của mình, chứ cứ tự cột đời sống mình vào mớ xương thịt thối rữa kia để làm gì không biết!

Phật giáo ở Việt Nam ngày nay cũng thế. Ông Phật phổ biến tư tưởng của ổng là để hướng dẫn người sống sống sao cho đúng, cho tốt để mà được hạnh phúc. Bây giờ thì chùa chiền toàn đi lo chuyện người chết. Ở đâu cũng thấy cầu cúng bói toán sao quẻ, quanh năm suốt tháng cầu siêu cầu hồn mà chẳng thấy mấy ai lo tu sửa bản thân cả.

Chùa là trường học chứ đâu phải nhà xác hay trại hòm. Hãy nhìn xem cái âm u tối tăm của khói nhang sì sụp bây giờ để thấy sự lệch lạc đã đến mức nào.

Việt Nam không sao phát triển được cũng một phần vì cái sự mê tín, tự giam mình trong những nỗi sợ hãi tối tăm ấy khi gắn chặt người sống với người chết như thế này. Làm gì cũng bất an, cũng lo sợ, cũng do dự. Tinh thần không sao hùng mạnh trong sáng lên cho đặng. Đáng lo là tệ mê tín này càng ngày càng trầm trọng, không biết rồi sẽ đi về đâu...

Thái Hạo

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang