Nỗi buồn sau dãy nhà biệt thự ở làng xuất ngoại: Giàu làm gì để rồi ly hôn?

0
Từ làng chài nghèo ven biển, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển mình trở thành "làng tỷ phú" nhờ nguồn tiền gửi về từ việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát, biệt thự "kiểu Tây" không còn là chuyện hiếm ở vùng quê này, đời sống người dân cũng được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, phía sau những ngôi nhà tiền tỷ ấy là cả nỗi buồn và những giọt nước mắt. Source: https://www.bienphong.com.vn/noi-buon-sau-day-nha-biet-thu-o-lang-xuat-ngoai-post433621.html
Từ làng chài nghèo ven biển, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển mình trở thành "làng tỷ phú" nhờ nguồn tiền gửi về từ việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Từng dãy nhà cao tầng mọc lên san sát, biệt thự "kiểu Tây" không còn là chuyện hiếm ở vùng quê này, đời sống người dân cũng được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, phía sau những ngôi nhà tiền tỷ ấy là cả nỗi buồn và những giọt nước mắt.

Nhờ XKLĐ mà nhiều gia đình ở xã Cương Gián đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang.

Làng quê của những biệt thự

Hàng chục năm về trước, xã Cương Gián được biết đến là một làng chài nhỏ sinh sống bằng nghề đi biển, cuộc sống bấp bênh lúc đói, lúc no. Để thoát khỏi "vũng lầy" nghèo đói, người dân bắt đầu nghĩ đến việc XKLĐ. Người đi trước kéo người đi sau, chỉ sau vài năm, Cương Gián được mệnh danh "làng tỷ phú" hay "xã giàu nhất Việt Nam". Nguồn tiền từ con em ở nước ngoài gửi về ngày một tăng lên đáng kể.

Theo chia sẻ của những vị lão làng ở Cương Gián, trước đây, người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề biển và làm ruộng nhưng từ những năm 1990, thanh niên địa phương bắt đầu đi lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Người đi trước ăn nên làm ra đã rủ thêm người thân, bạn bè sang lập nghiệp. Cứ thế, lượng người đi xuất khẩu lao động ngày một đông, họ gửi tiền về quê để làm nhà, mua sắm ô tô, vật dụng đắt tiền. Cương Gián giờ đây chẳng khác gì phố thị, nhà cao tầng mọc lên san sát, thậm chí, những ngôi nhà biệt thự "kiểu Tây" cũng không còn hiếm.

Trong ngôi nhà khang trang, ông Nguyễn Minh Châu (72 tuổi, ở thôn Đông Tây, xã Cương Gián) gọi điện cho cậu con trai làm việc tại Hàn Quốc hỏi thăm sức khỏe và căn dặn con trai cố gắng tự bảo vệ bản thân trước dịch Covid-19. Cuộc điện thoại ngắn ngủi tranh thủ trước lúc cậu con trai đi làm giúp ông yên tâm hơn. Gia đình ông Châu có 4 người con thì 2 người đang ở Hàn Quốc, 2 người khác làm việc ở Đài Loan. Hai ông bà ở nhà chăm những đứa cháu nội, ngoại.

Cũng như những người dân vùng này, gia đình ông Châu trước đây sống bằng nghề đi biển, cuộc sống bấp bênh, nhiều hôm không đủ ăn phải đi vay mượn. Thế nhưng, sau khi cậu con trai "mở màn" đi XKLĐ làm ăn khấm khá rồi, những đứa con của ông cũng lần lượt xuất ngoại. Ông cho hay: "Hầu như thanh niên ở đây học xong đều đi nước ngoài, nhà nào ít cũng một người, nhiều thì lên đến chục người cả dâu lẫn rể. Ở nhà chỉ còn ông bà già chăm sóc những đứa cháu nhỏ".

Ở vùng quê này, những gia đình giàu lên trông thấy không phải là hiếm. Gia đình ông Hoàng Đức Thanh cũng là một trong những gia đình giàu lên nhờ XKLĐ. Thời điểm đông nhất, gia đình ông Thanh có khoảng 30 người, bao gồm cả con cái, dâu rể, cháu chắt sinh sống và làm việc tại các nước châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia... Ngôi nhà khang trang bề thế thuộc tốp đầu của vùng cũng nhờ những đồng tiền xuất ngoại do con, cháu ông Thanh gửi về.

Cái giá của xuất khẩu lao động

Nhờ đi XKLĐ mà số người có nhà lầu, xe hơi ở Cương Gián tăng nhanh chóng chỉ trong khoảng chục năm trở lại. Chuyện đi nước ngoài như một "cơn bão" dậy sóng ở vùng quê này. Thế nhưng, đằng sau sự giàu sang ấy, nhiều hệ lụy cũng xảy ra từ việc XKLĐ ở ngôi làng giàu có này.

Thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn xã Cương Gián có khoảng 200 cặp vợ chồng ly hôn, thậm chí, trong một gia đình có 3 cặp vợ chồng "đường ai nấy đi". Đáng nói, việc ly hôn không chỉ xảy ra ở lớp trẻ mà cả những cặp vợ chồng trung tuổi, phần lớn họ đều có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về.
🔴 "Ngoài những người XKLĐ theo con đường hợp pháp thì số người đi theo đường dây "chui" chúng tôi không thể thống kê được do họ không báo với chính quyền địa phương. Việc XKLĐ hợp pháp ở nước ngoài đã thay đổi bộ mặt và mang lại nguồn kinh tế phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, cũng có nhiều hệ lụy phía sau như gia đình tan vỡ, con cái thiếu tình thương và sự chăm lo dạy dỗ của bố mẹ, thậm chí nhiều người đã phải bỏ mạng nơi xứ người" - Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho hay.

Bên cạnh đó, lượng người đi XKLĐ đông, ở trong làng chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Con cái sinh ra được vài tháng cứng cáp là để cho ông, bà chăm sóc, rồi bố mẹ lên đường làm ăn xa xứ. Những đứa trẻ lớn lên trong ngôi nhà biệt thự tiền tỷ, nhưng thiếu tình thương của bố mẹ. Để bù đắp cho các con, những ông bố, bà mẹ xa quê thường mua sắm rất nhiều thứ như sữa ngoại, đồ chơi ngoại cho con mình.

Không chỉ hạnh phúc gia đình tan vỡ, con cái thiệt thòi, nhiều người phải bỏ mạng nơi xứ người. Gia đình ông Đặng Văn Vinh (thôn Song Long) còn 3 người con ở Đức, Hàn Quốc và Romania. Số tiền mà các con gửi về khá lớn, thế nhưng đôi mắt ông ngấn lệ mỗi lần nhắc đến cậu con trai xấu số vừa tử vong tại Hàn Quốc cách đây không lâu. "Nó là đứa con trai thứ 3, học xong trung học phổ thông nó theo các anh chị đi XKLĐ. Sang Hàn Quốc được 7 năm thì mất do tai nạn giao thông. 7 năm trời làm việc ở xứ người, nó chưa về quê lần nào mà chỉ gặp bố mẹ, anh chị qua những cuộc điện thoại" - Ông Vinh buồn rầu kể lại.

Ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, địa phương hiện có khoảng hơn 2.700 người đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu là tại Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu... Trung bình mỗi lao động gửi về quê khoảng 600 - 700USD/tháng. Mỗi năm, toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Khánh Chi
bienphong.com.vn

Bài về chủ đề Phóng sự:

Đăng nhận xét

0Nhận xét
* Xin đừng spam, cám ơn bạn nhiều. Các quản trị viên sẽ kiểm duyệt các bình luận...
Đăng nhận xét (0)
Về đầu trang