600 triệu chiếc camera giám sát dân, đủ chặt chẽ chưa?

Việt Nam đang đưa ra sáng kiến về phần mềm Bluezone - cảnh báo tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 dựa trên kỹ thuật Bluetooth và hiện có nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện. TS Phan Dương Hiệu bày tỏ lo ngại đó là nguy cơ mở đầu cho một công cụ giám sát trên diện rộng: địa chỉ MAC cố định được coi là personal data, vậy thì thu thập dữ liệu của người khác mà không được họ đồng ý là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "quyền riêng tư". Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố: "Ứng dụng Bluezone là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch…" Source: fb.com/vu.k.hanh.52/posts/10158658951711122
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giám sát dân.

Việt Nam đang đưa ra sáng kiến về phần mềm Bluezone - cảnh báo tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 dựa trên kỹ thuật Bluetooth và hiện có nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện.

Phần mềm truy vấn Bluezone


Đang trao đổi về những lỗ hổng bảo mật có thể có trong thiết kế và tranh cãi nên dùng phương án phi tập trung (decentralized) hay tập trung (centralized).

Với phương án centralized, trung tâm quản lý "cấp phát" cho mỗi người một mã số hay địa chỉ MAC dựa trên thiết bị bluetooth mà đương sự sử dụng. Ngoài ra, phương án centralized cũng cho bộ phận quản lý có được địa chỉ MAC ngay khi người dùng không cài Bluezone.

TS Phan Dương Hiệu bày tỏ lo ngại đó là nguy cơ mở đầu cho một công cụ giám sát trên diện rộng: địa chỉ MAC cố định được coi là personal data, vậy thì thu thập dữ liệu của người khác mà không được họ đồng ý là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "quyền riêng tư".

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố: "Ứng dụng Bluezone là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng chống dịch. Đột phá ở chỗ, chính quyền không thu thập thông tin của người dân, các thông tin chỉ được lưu trên máy điện thoại của cá nhân." (nhandan.com.vn).

Tuyên bố này có thể nói làm giảm sự lo ngại là một hệ thống giám sát, tính điểm công dân như Trung Quốc sẽ được thực hiện.

Còn lại là việc thực hiện trong thực tế có đúng như tuyên bố hay không, nhưng dù sao, quan điểm của chính phủ Việt Nam về quyền riêng tư cá nhân đã rõ.

Lo ngại bị xâm phạm thô bạo quyền riêng tư là có thật, như phóng sự sau đây của CNN, đăng trên báo SGN ở Hoa Kỳ.

Tăng cường camera giám sát, trước cửa và cả trong nhà


Theo CNN, từ cuối tháng 2/2020 đến nay, lấy danh nghĩa phòng chống CoViD 19, chính quyền Trung Quốc đã lắp hàng triệu chiếc camera ở nhiều thành phố. Camera được lắp ngay cửa vào căn hộ hay ngay bên trong căn nhà dân mà không có thông báo chính thức nào về việc này.

Camera từ lâu đã quen thuộc trong cuộc sống cộng đồng TQ như trên đường phố, siêu thị, nhà hàng, xe bus, thậm chí trong cơ quan hay trường học.

Theo một báo cáo của IHS Markit Technology, tới năm 2018 Trung Quốc đã có khoảng 349 triệu camera giám sát, gấp năm lần số camera ở Hoa Kỳ; và sẽ tăng lên 567 triệu chiếc vào năm 2019.

Còn theo công ty nghiên cứu Comparitech của Anh quốc, tính theo số camera trên 1.000 dân thì 8 trong 10 thành phố có tỷ lệ lắp camera cao nhất thuộc về Trung Quốc, dẫn đầu là Trùng Khánh (Chongqing) với 168 camera cho 1.000 dân, kế tiếp là Thẩm Quyến (Shenzhen) 159 máy, Thượng Hải (Shanghai) 113 máy... kế đó là Thiên Tân, Tế Nam, Vũ Hán, Quảng Châu và Bắc Kinh; Tỉ lệ này ở các TP khác trên thế giới là London (Anh quốc) 68 máy và Atlanta (Hoa Kỳ) 16 máy.

Đại dịch viêm phổi lại được chính quyền nêu thành lý do để đưa mạng lưới camera tới trước cửa nhà, và trong nhiều trường hợp, còn được lắp bên trong căn hộ của các gia đình.

Trung Quốc đã sử dụng một hệ thống "mã sức khỏe" (health code) kỹ thuật số để kiểm soát việc di chuyển của người dân – người đi đến vùng dịch thì trên điện thoại sẽ hiện mã màu đỏ, người khỏe mạnh có mã màu xanh lá cây – và quyết định ai phải bị cách ly để kiểm dịch.


Camera đặt ngay cửa tủ hay kệ trong phòng khách nhà người dân.

William Zhou, một công chức, bị gắn camera trong nhà, ngay cánh cửa tủ. Anh khiếu nại nhưng viên công an cho rằng đặt bên ngoài sẽ bị ăn cắp hoặc phá hủy. Zhou phàn nàn "Cái camera tác động mạnh tới tâm lý của tôi. Tôi không dám gọi điện thoại vì sợ nó sẽ ghi âm cuộc trò chuyện. Tôi lo đến mất ngủ dù đã đóng chặt cửa phòng ngủ," anh Zhou nói và cho biết hai gia đình khác, bị cách ly trong cùng khu nhà với anh cũng bị lắp camera trong nhà như vậy, phản đối chẳng ai màng.

Một người khác, cô Lina Ali, một chuyên gia Bắc Âu sống ở một chung cư ở thành phố Quảng Châu, cũng bị gắn cái camera hướng thẳng vào cửa căn hộ của cô và kết nối với đồn cảnh sát. "Nó làm tôi có cảm tưởng mình là một người tù thật sự trong chính ngôi nhà mình", cô Ali nói với CNN.

Trên mạng Weibo, nhiều người dân đăng hình ảnh các camera mà họ nói mới được lắp ngoài cửa nhà khi họ bị cách ly ở Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Nam Kinh và Thường Châu, cùng nhiều thành phố khác.

Camera trên đường phố.

Nhưng nhiều người nói trên mạng weibo là họ chấp nhận việc đó, dù không thể biết được họ thật sự nghĩ gì.

Nhiều chính phủ cũng đã sử dụng công nghệ để theo dõi dân. Ở Hong Kong, khách quốc tế đến phải cách ly 14 ngày, phải đeo một vòng tay điện tử kết nối với một ứng dụng trên điện thoại; Nam Hàn dùng một ứng dụng với hệ thống định vị toàn cầu GPS. Nhưng không nơi nào mà chính quyền, nhân danh việc chống dịch, lại "lấn tới" trong giám sát công dân vì kiểu lắp camera đó trước chỉ thấy ở những vùng bị kiểm soát khốc liệt như Tân Cương".

Đến cuối tháng 4, hơn 100 tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và quyền riêng tư khắp thế giới đã đưa ra một kiến nghị: "Nỗ lực ngăn chặn đại dịch không thể được dùng để che đậy việc tạo ra một thời kỳ mới trong đó công nghệ giám sát bằng kỹ thuật số bị lạm dụng để xâm phạm đời tư của công dân"

Trường hợp ông Zhou, khi mãn hạn cách ly, nhân viên chính quyền đã đến nhà tháo gỡ cái camera. Họ nói ông Zhou có thể giữ nó lại, nếu muốn. Ông Zhou đã điên tiết lấy búa đập nát cái camera trước mặt nhân viên chính quyền. "Tôi không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ cuộc sống thường ngày của mình lại phơi bày trần trụi trước mắt chính quyền," ông nói.

Vũ Kim Hạnh
Bài về chủ đề Thủ đoạn:
Về đầu trang