ĐBSCL: Hạn mặn đang khốc liệt. nhưng nóng bỏng hơn là chuyện xây đập Luang Prabang!

Nói chuyện CoViD hay bất cứ chuyện nào về thời sự châu Á và thế giới với tôi đều cần thiết. Nhưng thiết tha hơn cả vẫn là chuyện sinh mệnh đồng bằng sông Cửu Long đang lâm nguy. Và nóng bỏng và nguy hiểm hơn nữa lại là chuyện xây đập Luang Pranbang. Xin bắt đầu bằng một chuyện mới, đau lòng ở Bến Tre. Source: fb.com/vu.k.hanh.52/posts/10158426973911122


Đập Xayaburi chắn ngang dòng Mekong.

Nói chuyện CoViD hay bất cứ chuyện nào về thời sự châu Á và thế giới với tôi đều cần thiết. Nhưng thiết tha hơn cả vẫn là chuyện sinh mệnh đồng bằng sông Cửu Long đang lâm nguy. Và nóng bỏng và nguy hiểm hơn nữa lại là chuyện xây đập Luang Pranbang. Xin bắt đầu bằng một chuyện mới, đau lòng ở Bến Tre.

Cào đất phù sa mặt ruộng đem bán! Mới đầu, tôi không dám đọc và càng không dám nhìn bức ảnh, xe cơ giới cào phù sa trên mặt ruộng đem bán... vì thảm quá, thương tâm quá. "Do không trồng được lúa vụ 3 giữa hạn mặn khốc liệt và cũng để giải quyết tình trạng mặt ruộng mùa kế cao hơn mực nước ngọt trên các kênh nội đồng nên nông dân ở hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm (Bến Tre) đã cào nhiều tấn đất trên mặt ruộng để đi bán lấy tiền hay đổi phân thuốc cho mùa tới".

Nước mặn đã xâm nhập bao trùm toàn bộ tỉnh Bến Tre (độ mặn 1 phần ngàn). Ở khách sạn, sáng đánh răng phải phun nước ra vì mặn. Toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích lúa Đông Xuân (vụ 3-2019 &2020) có khả năng cao mất trắng, gần 20.000 cây ăn trái đang khát nước tưới. Hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh (sử dụng hệ thống cấp nước tập trung) đều bị ảnh hưởng của hạn mặn, nguồn nước sinh hoạt hiện nay đa phần tại các nhà máy nước là trên 2‰. Nguồn vốn TW phòng chống hạn mặn dự định đắp các đâp tạm, xây các hồ nước trữ ngọt và hệ thống lợi Bắc-Nam Bến Tre còn ở đâu?

Trước khi nói về chuyện xây đâp Luang Prabang bên Lào, mời bạn xem bản đồ mô tả các tác nhân làm tổn thương dòng sông mẹ Mekong bên dưới bài và chú thích ở đây.

Một ĐBSCL đã và đang bị tổn thương do những nguyên nhân: (1) do các con đập thượng nguồn, (2) do nạo vét cát dưới lòng sông, (3) do nước biển dâng, (4) do ô nhiễm sông rạch, (5) còn phải kể tới những dự án sai lầm ngăn mặn phá hủy sự cân bằng hệ sinh thái mong manh của vùng châu thổ sông Mekong. Tính tới 2020, đã có 11 con đập dòng chính khổng lồ của Trung Quốc trên khúc sông Lancang-Mekong thượng nguồn; có thêm hai con đập dòng chính của Lào (Xayaburi và Don Sahong) đã hoạt động từ 2019. Dự án Luang Prabang 1460 MW, sẽ là con đập dòng chính lớn nhất trên sông Mekong của Lào. Theo New York Times ngày 15-2-2020, hơn 10 con đập trong kế hoạch nằm rải rác hạ lưu Mekong cùng hàng trăm con đập khác tại các phụ lưu đang bóp nghẹt đường sống của 60 triệu người.

Nghịch lý và đe dọa lớn từ đập Luang Prabang

Vâng, thời điểm này, vấn đề nóng bỏng nhất là dự án đập Luang Prabang. Đến hôm nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết hạn tiến trình Tham khảo Trước (10-2019 – 4-2020) cho dự án Luang Prabang. Nếu không có hành động tức thời và chuyển biến quyết liệt từ phía Việt Nam, lễ động thổ khởi công xây con đập Luang Prabang sẽ diễn ra vào tháng 4-2020. Đó sẽ là một ngày bi thảm cho toàn thể 20 triệu cư dân 13 tỉnh miền Tây.

Ngày 4-11-2019, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Ủy ban sông Mekong Việt Nam (UBSMKVN) tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dự án Luang Prabang. Tường thuật sự kiện này, báo Người Lao Động (5-11-2019) ghi: "Đánh giá về tác động của thủy điện này đối với vùng hạ lưu là Việt Nam, UBSMKVN cho rằng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu sông Mê Kông rất nghiêm trọng... Các tài liệu phía Lào gửi chưa đánh giá toàn diện. Chưa tính toán dòng chảy sau công trình; chưa rõ quy trình vận hành hồ thủy điện cũng như hệ thống giám sát, dự báo; chưa đưa ra biến động dòng chảy hạ lưu và ngập lụt lòng hồ tác động hệ sinh thái ra sao, bảo tồn các loại cá... Bài báo không nhắc đến chi tiết liên quan một trong các chủ đầu tư là...TCT điện lực dầu khí VN. Sau đó, báo Tài Nguyên Môi Trường (4-11-2019) thông tin: chủ đầu tư dự án Luang Prabang là công ty TNHH Năng lượng Luang Prabang của Lào, với hai cổ đông: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu; Công ty TNHH PT của Lào giữ 37%; và Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn.

Trên Asia Sentinel (23-12-2019), cựu viên chức ngoại giao Mỹ David Brown, vào cuối tháng 12/2019, viết: "Con đập dự kiến tại Luang Prabang sẽ là một thảm họa chính trị tuyệt đối của Việt Nam!"

Ngay thời điểm này, đồng bằng sông Cửu Long đang chứng kiến tình hình khốc liệt. Tháng 2-2020, lượng nước Mekong đổ về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016. Hiện tượng ngập mặn đã xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu. "Hạn hán và xâm nhập mặn đang gây thiếu nước nghiêm trọng": 3.600 hécta lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng. 26.000 hộ dân tỉnh này cũng đang thiếu nước sạch sử dụng. Trà Vinh có hơn 10.000 héc-ta lúa đông xuân thiếu nước tưới, khả năng mất trắng 50%. Bến Tre đang "mặn chát tứ bề".

Những người ủng hộ nói rằng, việc tham gia dự án Luang Prabang sẽ giúp Việt Nam kiểm soát được thiết kế sao cho giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đối với ĐBSCL. Tuy nhiên,chỉ cần tham khảo một chút: chủ đầu tư đập Xayaburi, công ty Thái Lan CK Power, cho biết họ đã chi hơn 600 triệu USD để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có việc dựng các "bậc thang" cho cá và lắp hệ thống cổng để trầm tích có thể lọt qua. Tuy nhiên, ngay sau khi Xayaburi hoạt động (tháng 10-2019), nước sông Mekong, từ màu nâu chocolate thông thường đã biến thành màu xanh dương trong vắt tại các khu vực cực Nam tức là trầm tích nâu phù sa đã biến mất. Đó là tình trạng "nước đói" ("hungry water"). Nước đói không chứa trầm tích nên chảy cực mạnh, phá hoại kinh khủng, ăn lở vào bờ và gây sụp lún. "Nước đói" đang dịch chuyển nhanh vào Campuchia khiến hồ Tonle Sap lớn nhất Đông Nam Á cạn dần, chết khô

Chừng nào "nước đói" tràn ngập ĐBSCL? Câu chuyện công ty Thái Lan CK Power liên quan gì đến dự án Luang Prabang? PetroVietnam tham gia đầu tư đập Luang Prabang, sẽ thu được bao nhiêu, so với tình thế bi thảm khốc liệt mà hàng triệu người ĐBSCL có thể phải gánh chịu?

Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, tác giả quyển Last Days of the Mighty Mekong, ghi nhận: gần đây, mỗi năm có đến 300.000 người Việt phải bỏ xứ. Nhiều khu vực ĐBSCL, nơi sinh sống của 20% dân số Việt Nam, đang "lún" xuống biển. Ông đã tặng cuốn sách cho chị Phạm Chi Lan. Một bạn trẻ đang dịch cuốn sách. Chúng tôi sẽ giới thiệu những lần tới.

Vũ Kim Hạnh
LIÊN QUAN:
✔️ “Khóc một dòng sông…”
✔️ Ngăn sông cấm chợ
✔️ Trung Quốc cố tình “hiến kế” cho Campuchia phá hủy Đồng bằng sông Cửu Long
✔️ Hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây mặn chát!
✔️ Tăng đầu tư đột biến, Trung Quốc muốn đẩy nhà máy ô nhiễm sang Việt Nam?
✔️ Những lời cảnh báo đầy ưu tư từ GS. Ngô Bảo Châu về thảm trạng môi trường ở Việt Nam
✔️ Vấn nạn của quốc gia

Bài về chủ đề Hậu quả-Tai ương-Khốn cùng:
Về đầu trang