Con người tự do là con người hạnh phúc

“Giáo dục: tuyệt vời nhất=đơn giản nhất” là cuốn sách thứ hai của Doãn Kiến Lợi được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Cuốn sách trước đó của bà là “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”. Cả hai cuốn sách đều mô tả rất kĩ hiện trạng giáo dục của Trung Quốc cho dù chủ ý của bà khi viết cuốn sách không phải là như vậy. Chính vì thế những thông tin về những vấn đề mà giáo dục nước này đang đối mặt sẽ gợi mở rất nhiều điều lý thú cho các bậc phụ huynh Việt Nam, những người đang hàng ngày, hàng giờ lo lắng cho sự trưởng thành của con mình. Source: fb.com/permalink.php?story_fbid=1039523893093018&id=100011062518050
(Cảm tưởng khi đọc “Giáo dục: tuyệt vời nhất=đơn giản nhất) của Doãn Kiến Lợi)


“Giáo dục: tuyệt vời nhất=đơn giản nhất” là cuốn sách thứ hai của Doãn Kiến Lợi được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Cuốn sách trước đó của bà là “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”.

Cả hai cuốn sách đều mô tả rất kĩ hiện trạng giáo dục của Trung Quốc cho dù chủ ý của bà khi viết cuốn sách không phải là như vậy. Chính vì thế những thông tin về những vấn đề mà giáo dục nước này đang đối mặt sẽ gợi mở rất nhiều điều lý thú cho các bậc phụ huynh Việt Nam, những người đang hàng ngày, hàng giờ lo lắng cho sự trưởng thành của con mình.

Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa “Giáo dục: tuyệt vời nhất=đơn giản nhất” và cũng là sự “trưởng thành”, “vượt lên chính mình” của tác giả nằm ở chỗ trong cuốn sách này, cho dù văn phong không mấy thay đổi, tác giả đã dùng lý luận giáo dục học, tâm lý học hiện đại để mổ xẻ, phân tích sâu hơn những vấn đề nhức nhối trong giáo dục Trung Quốc để từ đó làm bật lên triết lý giáo dục cần xây dựng thay vì chỉ đề cập đến các trường hợp đơn lẻ hay các kinh nghiệm thu nhận được từ việc nuôi dạy Viên Viên, con gái của bà.

Nếu tinh ý chúng ta nhận thấy, bà hầu như chỉ trích dẫn các tác giả là các nhà triết học, tâm lý học, giáo dục học của Phương Tây. Đấy là một đặc điểm rất thú vị khi bà không có trải nghiệm du học và đã từng rất nhiều năm là giáo viên dạy ở bậc phổ thông của Trung Quốc.

Xuyên suốt cuốn sách, cho dù trình bày về chuyện giáo dục sớm bị hiểu sai ở Trung Quốc hay căn bệnh ham mê thành tích đang phá hỏng giáo dục, bà đều thể hiện rất rõ tinh thần tự do.

Ở đó có thể thấy con người trưởng thành mà bà, thông qua giáo dục muốn tạo nên, là những con người khao khát tự do và biết sống tự do. Với bà, những con người tự do là những người hạnh phúc.

Chính vì khao khát con người tự do mà xuyên suốt cuốn sách, ở bất cứ chủ đề nào bà đều chỉ trích không khoan nhượng những định kiến, những tập tục, thói quen kìm hãm, trói buộc trẻ em. Đấy là lối giáo dục bằng nỗi sợ thông qua dọa nạt, đánh đập, hạ nhục trẻ em, là kiểu giáo dục giáo huấn giảng giải về “đạo lý” hay “lý lẽ” được áp đặt bởi người lớn.

Bà cũng không e ngại khi công kích uy quyền tuyệt đối của giáo viên ở trường học và ca ngợi tư thế đối thoại, khoan dung của phụ huynh đối với con.

Đối với bà trong giai đoạn đầu đời của đứa trẻ “kỷ luật” không quan trọng bằng “tự do”. Vì thế, bà khuyên các bậc phụ huynh cho con chơi thỏa thích trong phạm vi các trò chơi đó không gây ra nguy hiểm kể cả những trò mà thông thường cha mẹ sẽ trừng phạt nghiêm khắc như “vẽ bậy lên tường”. Bà cũng chủ trương rằng ở trường mầm non, việc vui chơi và trải nghiệm tự do sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với việc tuân thủ nội quy hay học chữ, học toán.

Để có con người tự do thì tất yếu phải có tự do trong giáo dục. Vậy thì, theo Doãn Kiến Lợi, tự do trong giáo dục là gì?

Trong cuốn sách bà đã định nghĩa nó rất dễ hiểu thế này: “Trong giáo dục, tự do chính là không khí, không nhìn được bằng mắt, không sờ được bằng tay. Bạn có thể không quan tâm đến nó, thậm chí có thể không thừa nhận nó, nhưng chắc chắn không thể thiếu được nó. Không có tự do sẽ không có giáo dục, một người trước hết phải là con người được tự do, mới có thể trở thành một con người tự giác-tự do không phải là rong ruổi trên lưng ngựa, tự do là không gian, là luồng sức mạnh có thể nâng bổng con bạn, nó giúp con bạn có được khả năng lựa chọn và có đủ khả năng chống lị mọi sự giả tạo và yếu đuối trong cuộc sống.”

Tư tưởng về giáo dục này của bà có lẽ là một sự lội ngược dòng trong xã hội Trung Quốc đương đại. Âm hưởng của cuốn sách sau khi xuất bản phần nào nói lên điều đó.

Trong cuốn sách, bà cũng dẫn ra một ví dụ về tự do gây cho tôi ấn tượng rất mạnh. Đó là khi bà thuật lại rằng: “Một độc giả comment trên mạng rằng, khảo sát 3 năm mới phát hiện ra rằng, tự do là phải mất tiền. Trường mầm non ở nơi anh sống, trường nào chỉ chú ý đến kỷ luật thì mỗi tháng 2000 NDT, trường nào chú ý đến sự tự do mỗi tháng 4.000 NDT-đây giống như một câu chuyện cười, “tự do” lại phải bỏ tiền ra mua.”

Có lẽ không cần bình luận gì thêm về ví dụ nói trên. Bản thân ví dụ tự nó đã nói lên rất nhiều điều khiến độc giả phải giật mình nhìn ra xung quanh và suy ngẫm.

Bởi yêu mến tự do và muốn tạo ra con người tự do, bà phản đối bầu không khí đầy tính áp chế đang bao phủ trong trường học. Đấy là bầu không khí bị cai trị bởi “bài tập” và “kỉ luật”. Bà lên án gay gắt: “Kỷ luật và bài tập đã không còn phục vụ cho giáo dục và học tập, mà đang phục vụ cho những thói quen xấu đang lưu truyền ở đâu đó-kỷ luật trở thành quân quyền, bài tập trở thành tôn giáo, trẻ em bị yêu cầu trở thành những con tin ngoan đạo và thảo dân nhất nhất nghe lời-thế hệ bị hành hạ và trưởng thành sẽ trở thành giáo viên, rồi họ lại dùng những thứ tương tự để hành hạ thế hệ sau, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia và mỗi năm một nghiêm trọng hơn. Không biết có bao nhiêu người đang phải trưởng thành một cách nặng nề trong sự giày vò này, để tài năng ngày một thui chột đi”.

Không chỉ ở trường học, bà cho rằng ngay trong chính các gia đình phụ huynh cho dù có trình độ học vấn ngày càng cao vẫn đang hàng ngày áp chế trẻ em. Với bà, có trình độ học vấn hay bằng cấp cao không đồng nghĩa với việc thấu hiểu về giáo dục và nhất là thấu hiểu việc giáo dục con trẻ trở thành người tự do.

Đây là lời nhận xét rất nghiêm khắc của bà lý giải hiện tượng “dao sắc không gọt được chuôi” ở phụ huynh: “Hiện nay trình độ văn hóa của phụ huynh đều khá cao, có ý thức giáo dục khá tốt, nhưng trình độ giáo dục chưa hẳn đã phát triển đồng bộ. Người ta đã chú ý đến một hiện tượng, không ít phụ huynh có trình độ cao, việc học hành hoặc tâm lý của con cái họ lại rất không được như ý. Nguyên nhân là do có một kẻ phát hoại có năng lực,mức độ phá hoại của họ lớn hơn những người bình thường. Nếu các bậc cha mẹ có trình độ văn hóa cao có nhận thức không đầy đủ về một số vấn đề giáo dục, nhưng lại tưởng mình thông thái, cho rằng mọi việc của trẻ đều được hoàn thành dưới sự trù hoạch và kiểm soát của mình, nhỏ là việc ăn một bát cơm, lớn là việc sắp xếp cho tương lai của con mình, liên tục dùng cách lý giải sai lầm để đối xử với con, vậy thì trình độ giáo dục của họ chẳng khác gì những bậc phụ huynh văn hóa thấp, thậm chí còn tệ hơn. Họ chính là những người nông dân dùng cuốc để khắc ngọc, dưới lưỡi cuốc của họ, một khối ngọc vốn có giá trị lớn lao đã biến thành một đống đá vụn.”

Bạn đọc hãy thử ngừng lại vài phút và nghĩ xem có phải chăng hình như mình cũng là một người phụ huynh như thế?

Tư tưởng nuôi dưỡng nên con người tự do để từ đó trở thành người hạnh phúc là tư tưởng xuyên suốt trong cuốn sách của bà. Tất nhiên, cuốn sách, do viết cho quảng đại độc giả, không chỉ dừng lại ở chuyện khai sáng về tư tưởng, nó còn cung cấp những thông tin, kinh nghiệm rất cụ thể để giáo dục trẻ em trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn trong cuốn sách này, Doãn Kiến Lợi đã dành dung lượng đáng kể để nói về “đọc sách” và “giáo dục nghệ thuật”.

Hai thứ ấy dường như xa lạ với những trào lưu tư tưởng thực dụng đang cuồn cuộn chảy trong giáo dục đương đại ở Trung Quốc. Và đấy cũng là đặc điểm thú vị làm nên giá trị của tác phẩm.

Đọc Doãn Kiến Lợi, độc giả Việt Nam bằng những liên tưởng và suy ngẫm có thể học hỏi được rất nhiều điều thực dụng cũng như có thêm động lực để khai sáng chính bản thân mình khi phải đối mặt với thực tế là các nguồn thông tin về giáo dục ngày một phong phú và mâu thuẫn nhau. Ở ý nghĩa đó, cũng có thể coi “Giáo dục: tuyệt vời nhất=đơn giản nhất” là tia sáng chỉ đường giúp phụ huynh tìm ra lối đi riêng của mình trong một thế giới hỗn mang.

Nguyễn Quốc Vương
Mua sách tại: Nhà sách Vương Gia.

Bài về chủ đề Giới thiệu:
Về đầu trang