Cầu nguyện mà chẳng thấy gì sất, là sao? Xin chớ lo!

Cầu nguyện thường có vị khô khan, hoặc là thế nào đi chăng nữa, cũng không được như những kỳ vọng của chúng ta. Chúng ta cảm thấy thất vọng. Đấy là lúc chúng ta bị cám dỗ buông lời trách móc Thiên Chúa, vì nếu Người thực sự yêu thương chúng ta, Người sẽ đáp lời chúng ta nguyện cầu. Hay là chúng ta quay ra tự trách móc bản thân, vì nếu chúng ta thực sự mến Chúa, thì đáng ra chúng ta phải được Người đoái nghe rồi chứ. Nếu kết nối kém ở phía đầu dây bên này hay đầu dây bên kia, chẳng phải cứ “ngắt mạng, cúp máy” luôn cho xong, như thế sẽ có lý hơn? Rất thường khi, sau vài nỗ lực, cố gắng, chúng ta bỏ cầu nguyện và buông súng trong trận chiến này. Cầu nguyện mà chẳng thấy gì sất, là sao? Xin chớ lo!
Cầu nguyện mà chẳng thấy gì sất, là sao? Xin chớ lo!

Khi bạn cầu nguyện mà không cảm thấy gì, không nghe được gì, và chẳng biết nói gì ư? Dưới đây là những lý do chứng tỏ đó không phải là điều chi tệ hại cả…

Có phải ai đó đã gieo vào đầu óc chúng ta cái tư tưởng lẩm cẩm rằng, chắc chắn phải có điều gì đó xảy ra khi chúng ta cầu nguyện? Ngay từ thuở thiếu thời, chúng ta đã bị điều hướng sai khi những người lớn với ý ngay lành thường hỏi chúng ta, “Con đã cầu nguyện xong chưa?” Như thể cầu nguyện giống kiểu như là “làm việc” gì đó. Những động từ mô tả về việc cầu nguyện lý tưởng mà chúng ta nghe thấy là, “cảm giác được an ủi”, “được lắng nghe”, “sáng ra mọi việc”. Nhưng trong thực tế, những điều này hiếm khi xảy ra.

“Ở cùng, hiện diện” — “to be”: Động từ mô tả chính xác về cầu nguyện


Cầu nguyện thường có vị khô khan, hoặc là thế nào đi chăng nữa, cũng không được như những kỳ vọng của chúng ta. Chúng ta cảm thấy thất vọng. Đấy là lúc chúng ta bị cám dỗ buông lời trách móc Thiên Chúa, vì nếu Người thực sự yêu thương chúng ta, Người sẽ đáp lời chúng ta nguyện cầu. Hay là chúng ta quay ra tự trách móc bản thân, vì nếu chúng ta thực sự mến Chúa, thì đáng ra chúng ta phải được Người đoái nghe rồi chứ. Nếu kết nối kém ở phía đầu dây bên này hay đầu dây bên kia, chẳng phải cứ “ngắt mạng, cúp máy” luôn cho xong, như thế sẽ có lý hơn? Rất thường khi, sau vài nỗ lực, cố gắng, chúng ta bỏ cầu nguyện và buông súng trong trận chiến này.

Tôi xin đưa ra gợi ý thế này, động từ chính xác để mô tả cầu nguyện là động từ “có mặt, hiện diện” — động từ “to be”. Cầu nguyện là “hiện diện” — là “ở cùng”. Đấy chính là toàn bộ ý nghĩa của việc cầu nguyện. Thánh Augustinô đã ý thức rõ ràng điều đó, khi ngài vừa buồn bã vừa thấm thía mà thốt ra câu hỏi thế này, “Lạy Chúa, Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi, thế sao con chẳng tìm thấy Ngài ở đâu cả?”

“Thầy ở cùng anh em mọi ngày, cho đến tận thế”


Vấn đề không phải là sự vắng mặt của Đức Kitô hay Người xa cách với lịch sử nhân loại. Như đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô nói, “Có một vấn nạn duy nhất, một vấn nạn thường xuyên xảy ra, mọi nơi, mọi lúc: vấn nạn là sự hiện diện của chúng ta trước Đức Kitô.” Đâu là lý do của việc, một đàng cứ nhấn mạnh đến sự Hiện diện Đích thực của Chúa Kitô (nơi bí tích Thánh Thể và nơi các bí tích khác, nơi Giáo hội của Người, nơi tình bằng hữu, nơi việc phục vụ người nghèo), một trật lại chẳng thấy mặt mũi chúng ta đâu?

Khi Đức Giêsu sai các môn đệ của Người đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, muôn nước, muôn thế hệ, Người khẳng định rõ ràng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Thế nhưng cụm từ “ở cùng” hàm ý, phải có ít nhất hai người. Đây chính là cốt tuỷ của đức tin, đó là một kinh nghiệm, một đức tin sống động: ở cùng Người, ở với Người, Đấng hằng mong muốn được ở cùng chúng ta.

Tìm Chúa, chứ không tìm các cảm giác


Điều này có những hàm ý. Nó đòi hỏi chúng ta phải ý thức, và đặt để việc cầu nguyện ở một vị trí ưu tiên trong đời sống đạo của mình. Cầu nguyện không phải là mục đích, nhưng là phương tiện. Mục đích là sự sống với Đức Kitô; để có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21); “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Thế nhưng, để có thể ở cùng Thiên Chúa luôn, thi thoảng chúng ta phải biết dành trọn những phút giây nào đó riêng cho Người, cho một mình Người, phó thác mọi sự cho Người, để Người có thể hiện diện ở ngay trung tâm điểm của mọi sự.

Chất lượng lời cầu nguyện của chúng ta, không được đo lường bằng số lượng các ý nghĩ trìu mến hay các cảm xúc được an ủi tuyệt vời nào đó mà chúng ta có được khi cầu nguyện. Nhưng được quyết định bởi điều này là: trong thế giới, trong môi trường chúng ta đang sống, trong giờ khắc khi mà đủ thứ chuyện đang xảy ra cho chúng ta hiện nay đây, chúng ta dám mở lòng để đón gặp Thiên Chúa. Một cuộc gặp gỡ giữa một sinh linh với Đấng Hằng Hữu. Kinh thánh diễn tả điều ấy bằng cụm từ “diện đối diện”. Một số tác giả tâm linh thì bảo đó là “lòng kề lòng”. Như thế đã đủ chưa? Có khi Người thấy chúng ta mong ngóng. Và thế là.… biết đâu, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có thể thấy được Người.

Lm. Alain Bandelier
Chuyển ngữ: Ngọc Thảo (Nhóm Phiên dịch Mai Khôi)
https://aleteia.org

Bài từ Nhóm Phiên dịch Mai Khôi:
Về đầu trang