Chuyện nọ xọ chuyện kia

Thầy bảo: Người thầy chân chính đòi hỏi cao hơn các kỳ thi. Nếu người thầy chỉ nhắm học sinh tới khi thì, thì hỏng bét. Học phải vươn lên những gì cao hơn và xa hơn các kỳ thi thì mới gọi là học. Và khi đó, kỳ thi không còn nghĩa lý gì phải lo lắng. Thầy cứ bảo tụi mình yên tâm, mà nào có yên tâm được đâu. Ngẫm nghĩ sâu rộng ra từ câu nói của thầy, mình thấy Chúa Giêsu quả là một nhà giáo hoàn hảo, tuyệt vời, bởi vì giáo huấn của ngài không nhắm trực tiếp vào những vấn đề cuộc sống vật chất này, lại có thể giúp con người sống cuộc sống trần gian một cách an vui hạnh phúc. Nhưng điều này lại khiến một số triết gia cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu xa rời nhân sinh, nên họ đưa ra chủ nghĩa nhân bản vô thần, chủ nghĩa hiện sinh vô thần. Họ nghĩ rằng, khi phủ nhận Thiên Chúa, chối bỏ Thiên Chúa, con người được tự do hơn khi chỉ phải quan tâm đến đời sống vật chất đơn thuần. Thực sự, giáo huấn của Tin Mừng luôn đòi hỏi con người vươn tới tầm mức cao hơn, thậm chí quá sức con người. Trong đời sống thiêng liêng, không ai dám nói rằng mình đã đạt tới mức hoàn hảo, người ta cứ phải nỗ lực không ngừng, sa ngã rồi lại đứng lên đi tiếp hành trình. Đôi khi chúng ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi về những yếu đuối sa ngã ấy. Nhưng khi vươn lên những giá trị cao hơn, người ta lại nhìn về cuộc sống hiện tại với một nhãn quan hoàn toàn khác: chúng bình thường và đơn giản vô cùng. Nhiều đoạn văn Tin Mừng nói lên điều ấy. Ví dụ, đừng lo cho ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo, hoa Huệ ngoài đồng còn mặc đẹp hơn vua Solomon... Source: fb.com/cao.v.tuan/posts/10219374289606665 Chuyện nọ xọ chuyện kia
Thức giấc, thấy còn sớm, cố gắng ngủ tiếp nhưng rồi cứ nằm miên man suy nghĩ chuyện nọ xọ chuyện kia, thấy cũng hay hay, nên ngồi dậy viết lại...

Chuyện nọ xọ chuyện kia

1.
Hà Nội tiếp tục ô nhiễm ở mức nguy hiểm đến nỗi Bộ Y tế phải đưa ra những khuyến báo cấp bách như: đóng cửa sổ, hạn chế ra ngoài, mang khẩu trang, và kế đó là bỏ hẳn thuốc lá hoặc hạn chế hút. Mình không hiểu tại sao lại phải bỏ hẳn thuốc lá trong môi trường ô nhiễm như vậy?

Qua Facebook, mình thấy cách đây mấy hôm, nhà thơ hoạ sĩ Đỗ Trung Quân nhập viện cấp cứu do bệnh phổi tái phát. Nguyên nhân của nó là việc hút thuốc nhiều trong một thời gian dài. Nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ... thường luôn gắn chặt với điếu thuốc lá như là nguồn cảm hứng sáng tác. Nhưng ông đã quyết tâm từ bỏ thuốc lá mấy năm nay, nhờ vậy tình trạng cũng cải thiện. Dù vậy, lần này bệnh cũ tái phát khiến ông phải đi cấp cứu. Ông viết trên Facebook nhắn nhủ bạn bè của ông vẫn đang ngày ngày hút thuốc: Các ông hãy hút thêm đi, hút cho toang phổi rồi hẹn gặp nhau tại phòng cấp cứu một ngày không xa nhé!

Cách đây hơn 10 năm, khi mới bước chân vào nhà dòng, mình được học lại cách viết văn với một thầy giáo mới nghỉ hưu (thầy dạy ở miền nam từ trước 1975). Tuy mới vừa ngoài 60, nhưng trông thầy lụ khụ như ông già 70-80, thường xuyên mệt, ho liên tục và nói không ra hơi, nên cứ phải ngồi nghỉ nhiều lần trong buổi học. Nhiều hôm thầy yếu mệt quá không đến lớp được. Thầy thường xuyên bày tỏ sự hối hận vì khi còn trẻ không biết giữ gìn sức khoẻ, nhất là trong việc hút thuốc. Thầy muốn làm việc, muốn tiếp tục giúp các nhà dòng, giúp các thế hệ học sinh... nhưng sức khoẻ thầy không cho phép. Thầy ráng hết năm nay rồi nghỉ hẳn, chứ không đủ sức nữa. Và nhất là thầy hối hận khi làm cho vợ và con của thầy phải lo lắng không yên vì sức khoẻ của thầy. Thầy lặp đi lặp lại thông điệp: hãy nhìn thầy như một bài học mà lo tránh xa thuốc lá!

Nói vậy thôi, chứ những người hút thuốc nghe lời cảnh báo này chỉ cười khẩy mà thôi, chẳng thấm vào đâu. Tôi vẫn đang mạnh khoẻ mà, có sao đâu?! Bởi vì thông thường người ta nhận thức được vấn đề khi mọi sự đã quá trễ, và khi đó tất cả chỉ còn là sự hối hận!

2.
Khi mới vào nhà dòng, mình nghe các cha giáo than phiền về tình trạng đáng báo động về viết lách của các chủng sinh, tu sĩ trong học viện. Do đó, mình được học lại cách viết văn, mục tiêu của mình chỉ là chuẩn bị cho kỳ thi vào học viện triết học (Việt văn, Anh văn và giáo lý). Đề văn chỉ tương đương với chương trình phổ thông, nghĩa là giải thích, bình luận, chứng minh, nêu ý kiến... liên quan đến các câu ca dao tục ngữ, các câu nói nổi tiếng...

Mình bước vào việc học này với tâm trạng chán nản, không thiết tha gì. Văn là kẻ thù của mình từ hồi nào đến giờ (Em xin lỗi các cô giáo dạy văn, nhất là cô chủ nhiệm dạy văn thời cấp ba, nếu cô đọc những dòng này, xin cô tha thứ cho em!). Sợ viết văn, vì không biết viết cách gì và viết như thế nào nên cứ thế mà viết linh tinh thôi. Chẳng biết câu cú, đoạn văn là gì, cứ viết đại, khi thấy đủ dài thì dừng. Cho nên, mục tiêu của môn văn là 6 điểm, mà thực tế thì 5 điểm là thường xuyên, và 7 điểm là niềm mơ ước xa vời. Không biết tại sao mình lại rơi vào tình trạng như vậy, và đó cũng là nét chung của những thế hệ như mình, đến nỗi các chủng viện và học viện phải báo động.

Khi bắt đầu học lại văn, thầy dạy từ cơ bản một cách hệ thống về từ ngữ, ngữ pháp, phương pháp hành văn... Mình phải viết cụm từ, mệnh đề, câu đơn, câu phức, đoạn văn, và bài văn. Dù chỉ viết một câu, một đoạn mà thầy sửa chi chít lỗi, rồi thầy chỉ ra nên viết thế nào cho trau chuốt, đọc lên khiến người ta thấy đã, thấy sướng. Suốt năm đó, mình chán nản vô cùng nhưng cũng phải cố gắng như một bổn phận nặng nề. Những đề tài đơn giản được mình dành hết sức để viết, mình nghĩ rằng thời phổ thông mà viết như vậy thì phải được 8-9 điểm. Nhưng thầy sửa be bét, bài văn tan hoang với những nét mực đỏ. Chưa hết, sửa xong, thầy còn bắt phải viết đi viết lại cho đến khi thầy “tạm hài lòng” rồi mới qua đề khác.

Dù ngoại hình của thầy như một ông già yếu bệnh, dù đến lớp không một mảnh giấy trên tay, nhưng sau một vài buổi học, mình tin tưởng vào tài năng của thầy. Thầy đặc biệt thích Truyện Kiều, thầy xin dành riêng 3 buổi học (2-3 tiếng / buổi) để nói say sưa đầy hứng khởi về 3 lần Kiều đánh đàn trong 3 bối cảnh khác nhau. Quan trọng nhất đối với mình đó là thầy đã truyền cảm hứng cho mình yêu mến vẻ đẹp và sự trong sáng của Tiếng Việt. Mình tin thầy để rồi cứ cố gắng và kiên trì.

Nhưng tụi mình vẫn rất lo lắng, cuối năm rồi mà tình hình vẫn vậy, không biết sẽ thi cử thế nào. Thầy an ủi: người thầy chân chính đòi hỏi cao hơn các kỳ thi. Câu nói này làm mình nhớ mãi cho đến bây giờ. Thầy giải thích, nếu người thầy chỉ nhắm học sinh tới khi thì, thì hỏng bét. Học phải vươn lên những gì cao hơn và xa hơn các kỳ thi thì mới gọi là học. Và khi đó, kỳ thi không còn nghĩa lý gì phải lo lắng. Thầy cứ bảo tụi mình yên tâm, mà nào có yên tâm được đâu. Nhưng quả thực, kỳ thi năm đó, môn văn trở nên nhẹ nhàng hơn đối với mình so với những năm phổ thông.

Dù vậy, bây giờ mình vẫn còn thấy mình viết linh tinh lắm, chưa thực sự chuyên chú để viết theo như thầy đòi hỏi. Giả sử đọc những gì mình viết, chắc chắn thầy sẽ phải cau mày đau đầu chỉ ra vô số lỗi trong cách hành văn và cách dùng từ ngữ.

3.
Ngẫm nghĩ sâu rộng ra từ câu nói của thầy, mình thấy Chúa Giêsu quả là một nhà giáo hoàn hảo, tuyệt vời, bởi vì giáo huấn của ngài không nhắm trực tiếp vào những vấn đề cuộc sống vật chất này, lại có thể giúp con người sống cuộc sống trần gian một cách an vui hạnh phúc. Nhưng điều này lại khiến một số triết gia cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu xa rời nhân sinh, nên họ đưa ra chủ nghĩa nhân bản vô thần, chủ nghĩa hiện sinh vô thần. Họ nghĩ rằng, khi phủ nhận Thiên Chúa, chối bỏ Thiên Chúa, con người được tự do hơn khi chỉ phải quan tâm đến đời sống vật chất đơn thuần.

Thực sự, giáo huấn của Tin Mừng luôn đòi hỏi con người vươn tới tầm mức cao hơn, thậm chí quá sức con người. Trong đời sống thiêng liêng, không ai dám nói rằng mình đã đạt tới mức hoàn hảo, người ta cứ phải nỗ lực không ngừng, sa ngã rồi lại đứng lên đi tiếp hành trình. Đôi khi chúng ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi về những yếu đuối sa ngã ấy. Nhưng khi vươn lên những giá trị cao hơn, người ta lại nhìn về cuộc sống hiện tại với một nhãn quan hoàn toàn khác: chúng bình thường và đơn giản vô cùng. Nhiều đoạn văn Tin Mừng nói lên điều ấy. Ví dụ, đừng lo cho ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo, hoa Huệ ngoài đồng còn mặc đẹp hơn vua Solomon...

Sự vô tư và thản nhiên trong đời sống vật chất không phát xuất từ một lối nhìn đơn giản về cuộc sống này như một thứ ảo ảnh phù hoa tạm bợ đơn thuần khiến con người xem thường nó, gạt bỏ nó, phủ nhận nó, nhưng phát xuất từ một ý thức sâu xa hơn về quyền năng, tình yêu thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Do đó, con người cần phải vươn lên cao hơn đời sống vật chất, dùng đời sống này như một bàn đạp, chứ không phải hạ giá đời sống vật chất để rồi chối bỏ nó.

Điều này đòi hỏi một sự liều lĩnh, đánh đổi bằng cả cuộc sống này. Theo ngôn ngữ của Kierkegaard, đó là một cú nhảy của đức tin. Nếu không tin thì hãy sống thật (chứ không sống thử) với giáo huấn và các lời khuyên của Tin Mừng, chúng ta sẽ cảm nhận được sự giải thoát ấy. Hoặc đơn giản hơn, nhìn vào những người sống Đức tin một cách đích thực, hay đọc về cuộc đời các thánh, chúng ta cũng có thể thấy được sự giải thoát ấy.

Chúa Giêsu là Thầy hướng dẫn và cũng là người ra đề thi. Bài giảng, đề thi và thậm chí bài giải lẫn đáp án đều đã tỏ tường trong Tin mừng. Vấn đề của chúng ta đó là có đủ tin tưởng để đón nhận hay không?

Tin liên quan:
✔️ Thầy có nhớ em không?
✔️ “Thực tế” và “thực dụng”
✔️ Có ba thứ linh đạo, và chúng ta cần cả ba thứ đó
✔️ Không gì chóng quên bằng người chết… hay “Nhật ký sau khi chết”!
✔️ Một cuộc đời thành đạt

Lm. Cao Viết Tuấn
Bài về chủ đề Giáo dục:
Về đầu trang