Chuyện Nhà sách Công giáo

Đi một vòng thành phố, ghé vào các Nhà sách Công giáo. Tôi giật mình với cảnh tượng trước mắt. Trào dâng lên trong lòng một nỗi niềm bức bối và mỉa mai. Những nơi này đâu còn là nhà sách nữa! Tranh ảnh tượng tràn ngập, hình ảnh Chúa, Mẹ và các Thánh được treo lủng lẳng, đánh đu trên đầu; đồ thánh, chén lễ, áo lễ kiều diễm trong nhiều tủ kính trang trọng; các bình-chậu hoa plastique rực rỡ chiếm những vị trí vàng của nhà sách; còn không gian của sách thì bị teo tóp lại, chỉ còn vỏn vẹn mấy cái kệ ọp ẹp… Chuyện gì thế này? - Các cha, các soeurs, các thầy, các dì phước chưa kịp thay đổi bảng hiệu hay sao? Đáng ra phải ghi là nhà ảnh tượng thì sẽ chính xác hơn là nhà sách. Chuyện Nhà sách Công giáo
Chuyện Nhà sách Công giáo

Đi một vòng thành phố, ghé vào các Nhà sách Công giáo. Tôi giật mình với cảnh tượng trước mắt. Trào dâng lên trong lòng một nỗi niềm bức bối và mỉa mai. Những nơi này đâu còn là nhà sách nữa!

Tranh ảnh tượng tràn ngập, hình ảnh Chúa, Mẹ và các Thánh được treo lủng lẳng, đánh đu trên đầu; đồ thánh, chén lễ, áo lễ kiều diễm trong nhiều tủ kính trang trọng; các bình-chậu hoa plastique rực rỡ chiếm những vị trí vàng của nhà sách; còn không gian của sách thì bị teo tóp lại, chỉ còn vỏn vẹn mấy cái kệ ọp ẹp…

Chuyện gì thế này? - Các cha, các soeurs, các thầy, các dì phước chưa kịp thay đổi bảng hiệu hay sao? Đáng ra phải ghi là nhà ảnh tượng thì sẽ chính xác hơn là nhà sách.

Trước cảnh tượng này, một vài suy nghĩ mông lung chợt thoáng qua:

- Có phải đây là thực trạng của đời sống đạo? À không, nên gọi là trào lưu thì đúng hơn, có phải đây là trào lưu sống Đạo của người Công giáo hôm nay? Phải chăng chúng ta (người Công giáo) hôm nay thích trưng bày Chúa chứ không còn muốn tìm hiểu, học về Chúa nữa. Chúng ta chỉ muốn bày tỏ niềm tin và lòng sùng kính qua những hình ảnh to, đẹp, độc đáo, được khắc chặm, tạc trên những loại vật liệu đắt tiền, quý hiếm? Đúng rồi, nên dâng lên Chúa những gì đẹp nhất, quý nhất. Điều này thể hiện sự chín muồi của đời sống đạo? Chắc chắn rồi, trưng bày hình ảnh của Chúa và các Thánh cũng là cách để bày tỏ niềm tin… Tôi thầm tự nhủ. Hy vọng con mắt được thỏa mãn thì tâm hồn cũng được dưỡng nuôi, chứ nếu không, sẽ đến lúc chẳng còn ai biết các tượng ảnh kia đang diễn tả điều gì. Và rồi các tượng ảnh đó đều sẽ hao hao giống nhau, không thể hiện được cái tình, cái tâm và điều cao quý mà nó muốn diễn đạt.

- Có phải đây là kết quả của cuộc cách mạng số, của thời đại của công nghệ? Có thể lắm chứ, khi thấy lượng sách trung bình mỗi người Việt Nam đọc mỗi năm được báo chí công bố; quan sát thói quen sử dụng điện thoại thông minh thì sẽ hiểu ngay hiện tượng các Nhà sách Công giáo không còn bán sách và các nhà sách trong thành phố trở thành các trung tâm bán lẻ dụng cụ điện máy, văn phòng. Người ta không còn thích cầm sách để đọc, không còn đủ kiên nhẫn để theo dõi xuyên suốt một mạch nội dung trong các cuốn sách nữa. Người ta chỉ thích điều ngắn gọn, nội dung đa dạng như trên smartphone, có thể làm việc đa nhiệm trong một lúc… Với lại tất cả đều có thể tìm thấy trên mạng rồi.

- Có phải các Nhà sách Công giáo này đã theo quy luật kinh tế cung-cầu chứ không còn là công cụ truyền giáo? Tôi nghe vang vang tiếng chị thánh hiến (vì hiệp hội tận hiến nên không dùng từ soeur) đứng quầy trả lời điện thoại. Tôi không nhận ra âm điệu của người đang dấn thân để truyền giáo mà là ngôn ngữ, cung điệu của người đang làm kinh doanh thực thụ. Bắt chuyện với chị, tôi được cho biết: “Nếu chỉ bán sách thì nhà sách không thể tồn tại được. Bán được một cuốn sách, lợi nhuận từ chiết khấu trên giá bìa được vài ba nghìn thì làm sao mà đủ để duy trì vận hành nhà sách. Trong khi đó bán tượng ảnh, hoa nhựa thì nếu bán được một cái với một vài bình bông thôi đã bằng một ngày bán sách, thậm chí một tuần. Người ta chỉ thích mua tượng ảnh, không ai mua sách cả, may ra chỉ có mấy người đi tu…” Tôi đã hiểu được phần nào lý do các kệ sách bị teo lại hoặc bị biến mất khỏi các Nhà sách Công giáo này để được thay thế bằng những tủ trưng bày áo lễ, đồ thánh và các gian hàng ảnh tượng…

Mông lung trên đường về nhà, tôi chợt nghĩ, có khi nào điều tôi nhận thấy ở các Nhà sách Công giáo cũng liên quan đến thực trạng của lớp giáo lý và các thiếu nhi trong các giáo xứ mà tôi biết. Các em không muốn học giáo lý, chẳng màng gì đến chuyện đọc kinh (vì không thuộc); còn Kinh Thánh, kiến thức về đức tin, Giáo hội các em phớt lờ…. Đúng rồi, ngay từ nhỏ các em đã dần được hướng dẫn để cảm nhận các giá trị của những cái thấy được, sờ được chứ không được dạy cách cảm nhận các giá trị của suy tư. Các em được dạy cách trầm trồ trước những cái mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng nếm chứ không được học cách nhìn, thưởng thức bằng con mắt tâm hồn…

Rồi có khi nào chuyện sách biến mất khỏi nhà sách lại liên quan đến các bè phái loạn xạ ngầu trong đời sống đạo gần đây? Chắc là có đó, nếu không chịu đọc, cập nhật kiến thức một cách thấu đáo khách quan, phớt lờ các thông điệp chính thức, đúng đắn mà chỉ chiều theo sở thích của cá nhân, sùng bái quá mức những gì ngắn gọn, dễ dàng thì sẽ đến lúc bị thao túng bằng các trang web giả danh, bằng những lời chỉ dạy sai trái nhưng chúng lại câu được lượng lớn người đọc vì chiều theo thị hiếu của họ.

Tôi chợt nhớ, có một vài thầy bạn với những đam mê và cuộc đua giản dị. Trong đó có một thầy đam mê sưu tầm các loại rượu thuốc, thầy còn cho biết sau này, khi có điều kiện sẽ đưa các hũ rượu đinh lăng, nhân sâm thâm niên, rắn lạ, ong độc… để trưng bày, đàm luận khi tiếp khách trong nhà xứ tương lai. Còn thầy khác thì có kế hoạch cải trang một khuôn viên giáo xứ sau này thành một vườn sưu tập phong lan thơ mộng. Một người bạn chủng sinh khác cho thấy bản thiết kế đồ họa ngôi đền của thánh quan thầy mà thầy đang ấp ủ để chu toàn lời hứa với thánh nhân khi thầy có được điều kiện sau này…

Mà thôi, chuyện nó xọ chuyện kia, mông lung, rời rạc quá! Nếu cứ theo lối suy nghĩ như thế này thì tất cả mọi sự trong đời sống đều bị tôi ghép vào hiện tượng nhà sách không còn bán sách.

ART
Bài về chủ đề Đáng tiếc:
Về đầu trang