“Vụ án Bác sỹ Lương”: Vài bàn tay to, cũng không che được mặt trời...

Vụ án 9 người chết khi lọc máu chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình diễn ra đã khá lâu. Với hai phiên tòa và một lần phải trả Hồ sơ để điều tra lại, song vụ án vẫn chưa thoát khỏi bế tắc! Sở dĩ nói rằng bế tắc, vì từ cơ quan báo chí, Tòa án, Viện Kiểm sát đến cơ quan Điều tra mới chỉ đi sâu và loanh quanh vào quy trình dẫn đến 9 cái chết, mà chưa làm toát ra được sự thật về nguyên nhân dẫn đến 9 cái chết. Mà đó mới chính là yếu tố quan trọng có tính quyết định để định xem ai là người có tội, nên đến nay vụ việc vẫn cứ bị... lình xình? “Vụ án Bác sỹ Lương”: Vài bàn tay to, cũng không che được mặt trời…
Vụ án 9 người chết khi lọc máu chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Binh diễn ra đã khá lâu. Với hai phiên tòa và một lần phải trả Hồ sơ để điều tra lại, song vụ án vẫn chưa thoát khỏi bế tắc! Sở dĩ nói rằng bế tắc, vì từ cơ quan báo chí, Tòa án, Viện Kiểm sát đến cơ quan Điều tra mới chỉ đi sâu và loanh quanh vào quy trình dẫn đến 9 cái chết, mà chưa làm toát ra được sự thật về nguyên nhân dẫn đến 9 cái chết. Mà đó mới chính là yếu tố quan trọng có tính quyết định để định xem ai là người có tội, nên đến nay vụ việc vẫn cứ bị... lình xình?

Cách nay mươi năm, cũng vì cơm áo mà “người ấy” của người viết bài này mở một Xưởng sản xuất nước tinh khiết đóng bình. Dàn máy hiện đại. Nước đạt chuẩn. Hồi ấy, chính cơ quan quản lý về VS ATTP cũng thừa nhận: “Giá cơ sở nào cũng làm... như chị”! Nước sản xuất ra có độ dẫn điện đạt 0,1/000.000... Vậy mà chủ đầu tư - vốn là một doanh nghiệp chuyên cung cấp nước cất lọc thận cho các bệnh viện - cũng chỉ dám... “khen khéo”: Nước của chị mới đạt gần... nước lọc thận! Bởi nước lọc thận phải là nước cất, đạt độ dẫn điện không thể không bằng “0”!

Nói vòng vo như vậy để biết, có được một đơn vị nước lọc thận, nó đòi hỏi yêu cầu cao đến mức nào? Cao đến mức tuyệt đối!

“Vụ án Bác sỹ Lương”: Vài bàn tay to, cũng không che được mặt trời…
Rất nhiều dấu hỏi đã được đặt ra quanh cách thức xử lý vụ việc lọc máu chạy thận này

Vậy mà, theo kết quả điều tra từ ban đầu đã được công bố công khai: nguồn nước R.O dùng để lọc thận dẫn đến 9 cái chết oan uổng hôm đó, nồng độ Florua cao gấp 245- 260 lần cho phép(?). Không những thế, trong nguồn nước này còn có cả Axit Clohydric và Axit Flohydric, là các loại hóa chất cấm, không được phép dùng trong Y tế...

Đọc đến đây, không cần phải vòng vo, không cần phải biết đến cái gọi là “quy trình” khám chữa bệnh, hay ai ký vào cái gì, hoặc họp hành rồi sổ sách ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình... ra sao như trong hai phiên tòa, đã có thể kết luận ngay: chính nguồn nước R.O dùng để lọc thận đã giết chết 9 bệnh nhân!

Vấn đề căn bản mà cơ quan thực thi pháp luật cần phải quan tâm, là tại sao lại có nguồn nước bẩn này? Và ai đã chỉ định dùng nguồn nước bẩn này để lọc thận?

◪ 1. Florua là một hóa chất, và cũng là một độc tố bị nghiêm cấm sử dụng trong y tế cũng như trong ngành thực phẩm. Nôm na, nó là thuốc sát trùng cực mạnh mà người ta chỉ cho phép dùng với hàm lượng cực ít trong việc khử trùng bể bơi... Trong các bệnh viện, người ta cũng hay pha Florua vào nước lau nhà để khử trùng với điều kiện chỉ đi vào sau khi đã được hong khô và không được tiếp xúc trực tiếp...

Vậy mà trong nước dùng để lọc thận hôm đó- nhắc lại- nồng độ Florua cao gấp 245- 260 lần cho phép? Đấy là chưa kể đến việc trong nguồn nước lọc thận hôm đó còn có cả 2 loại Axit cực độc là Axit Clohydric và Axit Flohydric. Với nguồn “nước cất” như vậy, thì việc 9 bệnh nhân hôm đó không chết mới là... chuyện lạ!

◪ 2. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao lại có đến 3 loại hóa chất trong nguồn nước R.O hôm đó?

Về Florua: tại mấy ông bảo dưỡng thiết bị ư? Không phải!

Trong tất cả các hoạt động của ngành nước Y tế và thực phẩm, không cần đến Florua ở bất kỳ khâu nào. Theo một thói quen tệ hại, nhiều gia đình và nhiều bệnh viện vẫn thường cho Florua vào bể nước ngầm để... diệt loăng quăng? Không có một nguyên nhân nào khác, là Bệnh viện đã dùng nước từ bể ngầm Bệnh viện- ai cũng biết vốn cực bẩn- để làm nguồn đầu vào cho máy lọc nước R.O. Mà đúng ra, nguồn nước đầu vào phải là một nguồn nước sạch đặc biệt, riêng biệt, và phải được bảo quản trong điều kiện đặc biệt! Việc dùng nguồn nước bể ngầm sản xuất nước chạy thận, Giám đốc Bệnh viện không thể không biết, song Giám đốc vẫn cứ... kệ? Đấy là yếu tố thứ nhất để kết luận: Giám đốc Bệnh viện đã thiếu trách nhiệm một cách nghiêm trọng trong việc cung ứng thiết bị, vật tư y tế!

Việc tại sao lại có tới 2 loại Axit trong nước?

Trong hệ thống sản xuất nước tinh khiết, nếu là dàn máy 1.000 lít/h, thì cần đến 4 lõi lọc R.O; đây được coi là “trái tim” của toàn hệ thống. Lõi lọc R.O thường được nhập từ Mỹ, Đài Loan... với giá giao động 4- 5 triệu đồng/lõi. Lõi R.O được sản xuất hết sức tinh vi, nên khi bị tắc chỉ có cách vứt bỏ, thay mới... Chỉ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, do tiết kiệm hoặc điều kiện kinh tế eo hẹp họ mới sục rửa bằng cách bơm ngược với áp suất cao. Còn có một cách nữa để sục rửa lõi R.O một cách nhanh, gọn nhưng trong ngành bị coi là việc làm cực kỳ thất đức, đó là ngâm lõi lọc trong... Axit Clohydric và Axit Flohydric!

Vậy nên chỉ có thể có một câu trả lời, là trong kíp bảo dưỡng lõi R.O hôm đó, vì một lý do nào đó, họ đã dùng đến 2 loại Axit cấm để tẩy rửa lõi lọc cho... nhanh!

Người phụ trách kíp bảo dưỡng này đương nhiên phải chịu trách nhiệm: thao tác sai quy trình kỹ thuật, sử dụng hóa chất cấm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...

◪ 3. Vấn đề kinh tế: đáng ra hôm đó, bên A và bên C chỉ cần thống nhất thay cả 4 lõi lọc R.O hết khoảng 20 triệu đồng thay cho việc chỉ thay 2 lõi R.O, còn 2 lõi bị sục rửa bằng 2 loại Axit cấm, thì 9 bệnh nhân đã không bị cướp đi mạng sống! Trớ trêu, ai đã bàn nhau chỉ thay 2 lõi với giá trên trời là 50 triệu đồng/2 lõi, để rồi cuối cùng phải sục rửa 2 lõi R.O dẫn đến 9 cái chết?

Vậy, ai đã “rút ruột công trình” lọc máu? Ai đã đút túi số tiền chênh lệch đó? Họ phải bị kết vào tội trục lợi, tham nhũng..., gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng! Và đấy mới chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai họa!

◪ 4. Như trên đã nói, việc sản xuất nguồn nước R.O để lọc thận nhân tạo bắt buộc phải tuân thủ một quy trình hết sức nghiêm ngặt. Vậy mà khi Bệnh viện ký hợp đồng với bên B, bên B lại “bán cái” cho bên C mà Bệnh viện “không biết”? Đây là một hành động cực kỳ thiếu trách nhiệm không chỉ của bên B, bên C; mà đặc biệt là của lãnh đạo Bệnh viện theo kiểu “Sống chết mặc bay”! Cả 3 bên đã nghiễm nhiên coi tính mạng bệnh nhân như mớ rau ngoài chợ để mua, để bán...

◪ 5. Đấy là chưa nói kỹ đến việc ở thời điểm ấy, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chưa phải đơn nguyên chạy thận nhân tạo được Bộ Y tế cho phép; song Bệnh viện này vẫn cứ “ký đại” và “lọc bừa”(?). Và đây chính là nguyên nhân sâu xa gây nên “Thảm án Hòa Bình”!

Vậy xin hỏi, ai là người đã “ký đại” với Bên B, Bên C để “lọc bừa”, ngoài Giám đốc Bệnh viện?

◪ 6. Ngay từ đầu bài đã nói: nước dùng để lọc thận, phải là nước cất với độ dẫn điện bằng “0”! Vậy mà, sau một cái mớ bòng bong về quy trình sản xuất nước bẩn như thế, để rồi cuối cùng họ mang cái thứ nước nhiễm độc ấy giao cho Bác sỹ Lương... lọc thận? Với nguồn nước ấy, nếu Tôn Ngộ Không sống lại mà đem lọc thận cho bệnh nhân thì bệnh nhân cũng chết sạch chứ chẳng nói gì Bác sỹ Lương!

Vậy Bác sỹ Lương có phải chịu trách nhiệm về nguồn nước ấy hay không? Không! Bác sỹ Lương có biết đấy là nguồn nước bẩn hay không? Càng không!

Nguồn nước R.O mà Bác sỹ Lương dùng để lọc thận phải được coi như một loại “thuốc” đặc biệt; nghĩa là Bác sỹ Lương đã được Bệnh viện cung cấp cho một loại “thuốc” giả, “thuốc” bẩn để chữa cho bệnh nhân mà không hề biết. Đây chính là nguyên nhân chính, nguyên nhân duy nhất dẫn đến 9 cái chết mà không hề có sự “vô ý” nào xảy ra ở đây! Và, kẻ “vô ý gây chết người” phải là người đã cung cấp thứ “thuốc” giả, “thuốc” bẩn cho Bác sỹ Lương, chứ không thể là Bác sỹ Lương! Bác sỹ Lương chỉ bị coi phạm tội “vô ý làm chết người” khi thực hiện trái chỉ định, nhầm Y lệnh, hoặc thao tác sai thủ thuật- kỹ thuật... Trong khi đó, cả 3 điều ấy Bác sỹ Lương đều không phạm phải, thì việc kết tội “vô ý gây chết người” ở đây lại càng là điều gượng ép và hoàn toàn vô lý!

Trong tiền lệ, hiếm thấy vụ án nào lại thu hút được sự quan tâm của dư luận, của đông đảo lực lượng từ người dân đến lãnh đạo cao cấp đến thế. Không phải bỗng dưng mà nhiều vị ở trong những cơ quan quyền lực cao nhất cũng công khai bày tỏ ý kiến về vụ án! Càng hiếm thấy một vụ án nào mà người nhà nạn nhân lại đứng ra bảo vệ cho bị cáo một cách chằm chặp như thế... Đơn giản, vì đó là một sự việc quá đơn giản, quá dễ hiểu... Vậy mà không hiểu vì sao các cơ quan thực thi pháp luật ở Hòa Bình vẫn vòng vo suốt bao ngày tháng để biến nó thành một vụ án phức tạp, thậm chí xuýt bỏ lọt người, lọt tội?! Và cho đến bây giờ, sự việc vẫn cứ “bùng nhùng”, vẫn gây bức xúc trong dư luận...

Thiết nghĩ, các cơ quan thực thi pháp luật ở Hòa Bình cũng cần thấu hiểu: vụ án đã không còn là “việc nhà” của Hòa Bình; mà, nó đã mang tầm... Quốc gia! Là những người đứng đầu những ngành quan trọng của một tỉnh, to thật đấy; song chưa đến mức mà ai đó có thể dùng vài bàn tay đã có thể che lấp được mặt trời!

Hoài Tâm
Bài về những chuyện đau lòng, ngược đời, vô lý:
Về đầu trang