Lại là nhân dân tội nghiệp

BBC tiếng Việt có một bài viết đặt vấn đề về những nguy cơ xảy ra khi cho lưu hành tiền Nhân dân tệ. Họ phỏng vấn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. Đó là một người Việt hiểu biết, tâm huyết và đáng kính. Đọc bài viết, tôi giật mình và điện thoại hỏi lại ông ấy. Sau cuộc điện thoại, tôi nhận ra BBC rất khéo định hướng. Họ đưa ra giả thuyết “nếu như cho lưu hành Nhân dân tệ...”. Và ông Doanh trả lời theo giả thuyết “nếu như...” ấy. Tức đó là câu trả lời giả tưởng, về lý thuyết.
(Bài dài nhưng ráng đọc hết để không bị lạc đường).


Tôi vẫn luôn giữ niềm tin vào tri thức và kiên định rằng, con đường duy nhất cho Việt Nam, con đường để thoát khỏi những khó khăn hiện tại, để trở thành một quốc gia tự cường, thịnh vượng, để sánh vai với cường quốc năm châu, đó chính là khai trí.

Trong bất kỳ xã hội nào cũng vậy, nhiệm vụ ấy, tức khai dân trí, chấn dân khí, là nhiệm vụ của người trí thức.

Nhưng, càng ngày tôi càng nhận ra rằng, để đem tri thức văn minh và tiến bộ đến với số đông người dân, có lẽ phải bắt đầu bằng viêc khai trí cho người trí thức!

Mấy hôm nay, có rất nhiều người gửi cho tôi thông tin liên quan đến việc ban hành thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có các quy định về việc thanh toán giao dịch thương mại biên giới được sử dụng tiền Nhân dân tệ. Nhiều người trong số đó thắc mắc thực hư, nhiều người hoang mang và lo lắng...

Vì đang quá bận, tôi tính không viết nên chỉ trao đổi riêng với vài người bạn. Nhưng khi một chị bạn gửi cho tôi hai bài viết, một của BBC tiếng Việt, một của chuyên gia kinh tế kiêm nhà báo thiện lành Vũ Kim Hạnh, cuối cùng tôi thấy sự im lặng của mình sẽ là hành vi tội lỗi.

Trước khi phân tích cụ thể những vấn đề liên quan đến việc cho phép thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong thương mại biên giới, tôi phải minh định một điều rằng, tôi ghét Tàu. Tôi rất ghét Tàu. Từ trong máu thịt, từ trong huyết quản, từ trong lồng ngực, từ tận trong sau thẳm lòng mình, tôi luôn có sẵn sự căm phẫn tột cùng dành cho ngoại bang phương Bắc, từ ngàn đời nay vẫn ôm ấp tham vọng và mưu đồ bành trướng xuống phương Nam.

Chỉ đơn giản là vì, mẹ đã sinh ra tôi là một người dân nước Việt, thế thôi.

Trở lại với vấn đề cho phép thanh toán bằng Nhân dân tệ, tức đồng tiền của Tập Cận Bình, tôi cho rằng dư luận đang bị dẫn dắt lệch lạc.

Thông tư 19 không hề cho phép lưu hành Nhân dân tệ ở 7 tỉnh biên giới, theo cách hiểu như một sự thừa nhận đồng tiền ấy được lưu hành giống tiền Việt của nhiều người. Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật đã quy định rất rõ, tiền tệ của Việt Nam là Đồng Việt Nam, và chỉ duy nhất đồng Việt Nam được phép lưu hành.

Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn thanh toán trong thương mại biên giới. Văn bản hướng dẫn ở cấp này là Thông tư. Thông tư không bao giờ đứng trên Hiến pháp và pháp luật.

Thông tư mà Ngân hàng Nhà nước kí ban hành là hướng dẫn, xin nhấn mạnh là hướng dẫn. Đây là nhiệm vụ mà Ngân hàng Nhà nước phải làm, chứ không phải họ được quyền cho phép. Bởi vì thông tư 19 là để hướng dẫn Nghị định 14 của Chính phủ quy định chi tiết về thương mại biên giới. Trong Nghị định này đã quy định rõ việc thanh toán trong giao thương ở biên giới có thể sử dụng tiền Việt Nam, tiền bản tệ hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi khác (đồng tiền được nhiều quốc gia thừa nhận, thông dụng nhất là USD).

Hơn nữa, Nhân dân tệ chỉ được giao dịch thanh toán qua tài khoản ngân hàng, tức không dùng tiền mặt, nghĩa là không hề lưu hành Nhân dân tệ tiền mặt. Việc thanh toán chuyển khoản bằng tiền anh Bình híp cũng chỉ ở khu vực có đường biên giới, chợ biên giới, chứ không phải full mọi địa bàn thuộc 7 địa phương.

Thông tư 19 ban hành, một số tờ báo đưa tin là cho phép thanh toán Nhân dân tệ giao thương biên giới. Phương thức là chuyển khoản hoặc thanh toán tiền mặt.

Báo chí, một lần nữa lại là báo chí, không chịu đọc kĩ thông tư để phân tích, khiến dư luận hoang mang và cả các trí thức cũng phản ứng dữ dội một cách hết sức không cần thiết.

Thông tư 19 hướng dẫn ba phương thức thanh toán gồm:

Một là, bù trừ chênh lệch hàng hoá. Nôm na là dùng hàng hoá này để đổi lấy hàng hoá khác.

Hai là, thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng. Giao dịch thanh toán bằng Nhân dân tệ bắt buộc phải chuyển khoản, tức không dùng tiền mặt.

Ba là, thanh toán bằng tiền mặt Việt Nam Đồng.

Thông tư ghi rất rõ phần thanh toán tiền mặt dành cho Việt Nam Đồng, nhưng các báo, từ trong nước đến quốc tế tiếng Việt, từ lề phải đến lề trái, từ lề Đảng đến lề bất đồng chính kiến, đều không chịu đọc chữ “Việt Nam Đồng”, nên đã đưa tin, phân tích, định hướng, dẫn dắt dư luận hiểu là giao dịch tiền mặt với đồng Nhân dân tệ như Việt Nam Đồng.

Nếu thu về Nhân dân tệ tiền mặt thì trong vòng 7 ngày cũng phải nộp vào tài khoản ngân hàng, kèm hồ sơ chứng từ hải quan về giao dịch hàng hoá, chứ không được giữ tiền mặt mang đi tiêu xài đâu mà hiểu là lưu hành như VNĐ.

BBC tiếng Việt có một bài viết đặt vấn đề về những nguy cơ xảy ra khi cho lưu hành tiền Nhân dân tệ. Họ phỏng vấn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. Đó là một người Việt hiểu biết, tâm huyết và đáng kính. Đọc bài viết, tôi giật mình và điện thoại hỏi lại ông ấy. Sau cuộc điện thoại, tôi nhận ra BBC rất khéo định hướng. Họ đưa ra giả thuyết “nếu như cho lưu hành Nhân dân tệ...”. Và ông Doanh trả lời theo giả thuyết “nếu như...” ấy. Tức đó là câu trả lời giả tưởng, về lý thuyết.

Ông Doanh nói với tôi rằng, trong thương mại biên giới bao năm qua người ta vẫn thanh toán bằng Nhân dân tệ. Ông chỉ băn khoăn là có nên thừa nhận một cách chính thức không? Tôi cho rằng phải quản lý chính thức, chấm dứt giao dịch chợ đen. Chính giao dịch chợ đen mới dễ dẫn đến nguy cơ “Nhân dân tệ hoá”. Đó là chưa kể, quản lý chính thức tạo thuận lợi hơn trong giao thương biên mậu, không bị tăng chi phí đổi sang ngoại tệ thứ ba và hạn chế thất thu thuế.

Ông Doanh có đặt vấn đề, lẽ ra phải làm rõ điều kiện như thế nào gọi là thương nhân và giao thương biên giới. Thực tế, trong Nghị định 14 đã có khái niệm đầy đủ. Và ngay trong chính thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước, các điều kiện đi kèm để được thanh toán Nhân dân tệ cũng rất rõ ràng là phải có hợp đồng thương mại, hồ sơ chứng từ hải quan...

Ông Doanh nói rằng, nhiều người gọi điện thoại cho ông đề nghị kí tên phản đối thông tư 19 nhưng ông không kí tên.

Còn tôi, tôi rất không đồng tình việc gây hoang mang dư luận bằng cách lắt léo đưa giả thuyết không có trên thực tế của BBC.

Có hai nhân vật bị nhắc đến trong câu chuyện này.

Đầu tiên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ông Hưng bị oan không khác nào nỗi oan của siêu thị Con Cưng. Họ quy trách nhiệm ông ấy cho phép lưu hành đồng tiền Trung Quốc, mà ổng có cho hồi nào đâu. Ông thống đốc này quả là dũng cảm. Dân cực đoan ghét Tàu mà vẫn chấp nhận gạch đá oan uổng, ban hành thông tư 19 ở thời điểm sự phẫn nộ về đặc khu vẫn còn sôi sục.

Thực ra, quan sát chính sách tiền tệ ổn định dưới thời ông Hưng, không giật cục, không gây sốc, không để đô la hoá nền kinh tế, ông ấy cởi mở về tư duy và biết lắng nghe (qua vụ huy động vàng mà tôi góp ý), tôi thấy ông Hưng vượt trội hơn các đời thống đốc trước đây.

Nhân vật còn lại là Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Chị Vũ Kim Hạnh là nhà báo và cũng tỏ ra sâu sát với đời sống doanh nghiệp nên được coi như một chuyên gia kinh tế. Trên facebook cá nhân, chị ấy nâng thanh toán biên mậu thành vấn đề chủ quyền và quy kết ông Trần Tuấn Anh với vai trò Bộ trưởng Bộ Công thương đã cho phép điều này từ hai năm trước và hiện hay chỉ là chính thức áp dụng.

Đó là sự thiếu hiểu biết một cách nghiêm trọng.

Ông Trần Tuấn Anh là người thay mặt Chính phủ ký Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc vào năm 2016. Trong đó có điều khoản về việc thanh toán bằng bản tệ trong giao thương biên giới, tức tiền VNĐ, Nhân dân tệ, hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Ông Trần Tuấn Anh không phải là người được quyền cho thực hiện điều đó. Từ năm 1998, việc thanh toán này đã được thừa nhận trong Hiệp định mua bán hàng hoá vùng biên Việt Nam - Trung Quốc.

Từ năm 2004, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn việc thanh toán bằng Nhân dân tệ. Vì thế, thông tư 19 vừa ban hành chỉ sửa đổi cho phù hợp hơn với tình hình thực tế sau 14 năm. Ông Lê Minh Hưng hay ông Trần Tuấn Anh đều không phải tác giả của chính sách này.

Chị Vũ Kim Hạnh cố tình lôi tên ông Trần Tuấn Anh ra để người ta ném đá giống hệt chị Phạm Khánh Phong Lan đối xử với cơm tấm Kiều Giang!

Hơn nữa, thanh toán bằng đồng bản tệ trong thương mại biên giới không chỉ áp dụng riêng với Trung Quốc. Hiệp định thương mại biên giới ký với Lào cũng có điều khoản tương tự. Sắp tới ký với Campuchia cũng sẽ như vậy.

Cá nhân tôi thấy ông Trần Tuấn Anh đang là gương mặt sáng trong số các thành viên Chính phủ hiện nay, sau hàng loạt việc ông đã làm được. Ông Lê Minh Hưng tôi cũng phân tích ở phía trên. Chị Vũ Kim Hạnh không nên phá những người đang làm việc. Chị hãy tập trung về với nhóm điều hành cafe Trung Nguyên thì hợp hơn.

Ngẫm thấy, dân mình đã đủ khổ rồi, đã mệt mỏi lắm rồi, đã tội nghiệp lắm rồi. Nếu ngay cả tinh thần dân tộc cũng bị người ta lợi dụng để trang điểm cho cá nhân họ, thì thật là bi kịch. Nếu cứ im lặng để mọi thứ u mê như vậy, thì sẽ còn đáng thương và thảm hại biết nhường nào? Nhân dân tội nghiệp.

Bạch Hoàn
Về đầu trang