Hiệu ứng Domino về khí hậu và sinh thái có thể biến trái đất thành “một căn phòng hấp nóng”

Mực nước biển dâng cao, gấu Bắc cực “lãnh đủ”...

Một nhóm các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu cảnh báo rằng, việc từng quân cờ domino sụp đổ của băng tan, đại dương ấm lên, các dòng hải lưu thay đổi, và nhiều cánh rừng bị hủy diệt có thể đẩy Trái Đất vào tình trạng của một “căn phòng bị sấy nóng”, làm cho nỗ lực của con người trong việc cắt giảm khí thải trở nên vô ích.

Viễn cảnh của thảm họa này được trình bày trong một báo cáo trong tập biên chuyên đề của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (National Academy of Sciences), có chỉ rõ những hậu quả liên quan với nhau do 10 tiến trình biến đổi khí hậu gây ra, bao gồm việc thoát ra của khí methane hiện đang bị giam giữ trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia và tác động của hiện tượng tan băng ở đảo Greenland và Nam Cực.

Các tác giả của bản báo cáo này nhấn mạnh mặc dù phân tích của họ không chưa phải là kết luận cuối cùng, nhưng cảnh cáo rằng hiệp định khí hậu ở Paris, với cam kết giữ cho nền nhiệt toàn cầu không nóng lên quá +2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa, có thể không đủ để “neo giữ” nền khí hậu của hành tinh này ở một mức nhiệt ổn định.

Họ cảnh báo rằng quỹ đạo trở thành một căn phòng hấp nóng “sẽ hầu như chắc chắn cho những môi trường chứa nhiều nước như vùng đồng bằng châu thổ, làm gia tăng mối hiểm họa bị tàn phá từ các cơn bão vùng duyên hải, và xóa sạch những rạn san hô (cùng với tất cả lợi ích cho chúng mang lại cho nhiều quần thể sinh thái) vào cuối thế kỷ này hoặc sớm hơn.”

Ts. Johan Rockström, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Phục hồi sau Thảm họa Stockholm (Stockholm Resilience Centre), phát biểu: “Tôi thật tình hy vọng rằng tất cả chúng tôi sẽ sai, nhưng với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi có trách nhiệm trong việc khảo sát liệu một giả thuyết có biến thành sự thật hay không. Chúng tôi cần phải hiểu điều đó ngay lúc này. Điều này rất cấp bách. Đây chính là một trong những vấn đề mang tính sống còn nhất của khoa học.”

Nguồn: Stockholm Resilience Centre

Ts. Rockström và các cộng sự của ông là một trong những chuyên gia có thẩm quyền hàng đầu thế giới nghiên cứu về hiện tượng vòng lặp hồi tiếp tích cực (positive feedback loops), qua đó nhiệt độ nóng lên sẽ giải thoát các nguồn khí mới gây hiệu ứng nhà kính hoặc phá hủy khả năng hấp thu khí carbon hoặc phản xạ sức nóng của Trái Đất.

Bản nghiên cứu mới của họ đặt câu hỏi rằng liệu nền nhiệt của hành tinh này có ổn định ở mức +2°C, hay liệu nó sẽ rơi vào một tình trạng cực đoan hơn nữa. Các tác giả nghiên cứu cố gắng lượng định liệu mức độ nhiệt nóng thêm này có thể được ngăn chặn hay liệu nó sẽ vượt qua điểm tới hạn để hướng đến thế giới đến tình trạng “căn phòng hấp nóng” với mức nhiệt gia tăng thêm +4°C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa và thậm chí không còn hỗ trợ cho sự sống của con người nữa.

Ts. Katherine Richardson thuộc Đại học Copenhagen, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này đã chỉ ra rằng hoạt động của khí hậu không chỉ là hiện tượng bấm nút thải khí gây hiệu ứng nhà kính, mà còn thấu hiểu cách thức tương tác của nhiều nhân tố khác nhau trên phạm vi toàn cầu.

Bà Tiến sĩ nói: “Chúng ta cần lưu ý rằng bản thân Trái Đất trong lịch sử của nó chưa bao giờ ở trong tình trạng gọi là chuẩn bền vững (quasi-stable state) chỉ ấm nóng lên khoảng +2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa, và điều đó cho thấy có một mối rủi ro thực tế khi bản thân hệ thống này sẽ “muốn” tiếp tục nóng lên thêm do nhiều tiến trình kết hợp khác về mặt sinh thái và địa chất học – dù cho chúng ta có ngừng thải ra khí nhà kính. Điều này ngụ ý rằng con người không chỉ phải cắt giảm bớt khí thải, mà còn phải làm điều đó nhiều hơn, một cách hoàn toàn và nhanh chóng.”

Vẫn còn nhiều hiện tượng vòng lặp hồi tiếp tích cực mới được phát hiện ra. Một nghiên cứu riêng biệt khác cũng được xuất bản trên cùng tạp chí chuyên đề này đã khám phá ra rằng lượng mưa tăng lên – một biểu hiện của biến đổi khí hậu ở một số khu vực địa lý - đang khiến đất rừng ngày càng khó khăn hơn trong việc thu giữ khí gây hiệu ứng nhà kính, ví dụ như khí methane chẳng hạn.

Các cuộc nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khả năng hấp thu khí carbon yếu sẽ làm nhiệt độ gia tăng 0,25°C, cây rừng bị chết sớm sẽ làm tăng thêm 0,11°C, hiện tượng tan băng vĩnh cửu sẽ làm tăng thêm 0,9°C và việc vi khuẩn gia tăng hô hấp sẽ làm tăng thêm 0,02°C. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét cả sự suy giảm băng cháy (methane hydrates) nơi đáy đại dương và giảm bớt băng tuyết bao phủ ở hai cực của Trái Đất nữa.

Ts. Rockström cho biết có những lỗ hổng lớn trong dữ liệu và hiểu biết về cách mà một tiến trình sụp đổ có thể làm gia tăng cường độ của một tiến trình sụp đổ khác trong biến đổi khí hậu. Ngược lại với Học thuyết Gaia, trong đó cho rằng Trái Đất có khuynh hướng tự điều chỉnh, ông nói các quá trình hồi tiếp (feedbacks) có thể đẩy hành tinh này vào một tình trạng cực đoan hơn.

Ví dụ như, các nhà khoa học cho biết băng tan ở Greenland có thể làm ngưng trệ dòng hải lưu Gulf Stream, mà từ đó mực nước biển dâng cao và hấp thụ nhiệt ở vùng đại dương phía Nam Bán Cầu, rồi sau đó lại đẩy nhanh tiến trình tan băng ở khu vực phía Đông Nam Cực. Mối quan tâm lo lắng về khả năng này đang gia tăng vào đầu năm nay khi mà có các báo cáo cho thấy hoạt động của dòng Gulf Stream đang ở mức yếu nhất trong vòng 1.600 năm qua.

Hiện tại, các mức nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ vừa tăng hơn 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đang gia tăng thêm 0,17°C qua mỗi thập niên. Thỏa thuận khí hậu ở Paris đã đề ra những hành động giữ cho mức nhiệt tăng thêm chỉ từ 1,5°C đến - 2°C vào cuối thế kỷ này, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cần phải có nhiều hành động quyết liệt hơn nữa.

Ts. Rockström nói: “Cơn sóng nhiệt mà chúng ta hiện đang gặp phải ở Châu Âu không phải là thứ gì đó được trông đợi từ hậu quả của việc gia tăng thêm +1°C. Một số hiện tượng vòng lặp hồi tiếp tích cực đã bắt đầu hoạt động, nhưng chúng vẫn còn ở tình trạng yếu. Chúng tôi cần nghiên cứu thêm để chứng minh cho thấy khi nào thì chúng có thể gây ra một hậu quả tức thời.”

Một nhà khoa học về khí hậu khác – người không trong nhóm nghiên cứu – đã nhấn mạnh tư liệu nghiên cứu này hướng về việc đưa ra quá nhiều câu hỏi hơn là chứng minh một lý thuyết. Gs. Martin Siegert, đồng điều hành Học viện Grantham (Anh Quốc), nói: “Điều này đúng hơn là nên mang tính chọn lọc nghiên cứu, nhưng không nên nêu ra những vấn đề kỳ quặc. Các ngưỡng giới hạn và điểm tới hạn đã được đem ra thảo luận trước đây, nhưng tôi nghĩ là, khẳng định +2°C là ngưỡng mà chúng ta không thể quay trở lại được là một điều mới mẻ. Tôi không chắc có bất cứ “chứng cứ” nào cho điều này – hay thực ra, liệu có bất cứ chứng cứ nào xảy ra cho đến khi chúng ta cảm nhận được nó hay không.”

Ts. Rockström cho rằng câu hỏi cần được nêu ra. Ông nói: “Chúng ta có thể hoàn tất các cam kết trong Hiệp định Paris và giữ cho nhiệt độ không tăng quá +2°C, nhưng rồi sau đó phải đối mặt với một bất ngờ phũ phàng nếu toàn bộ hệ thống trượt đi theo hướng khác. Chúng tôi không nói việc này nhất định sẽ xảy ra. Chúng tôi chỉ liệt kê tất cả các sự kiện và đưa ra các khả năng hợp lý… 50 năm trước, điều này sẽ bị bỏ qua như một báo động nhầm, nhưng giờ đây, ngay cả giới khoa học đã thực sự lo âu.”

Ts. Phil Williamson, một nhà nghiên cứu về khí hậu thuộc Đại học East Anglia (Anh Quốc), cho biết: “Trong bối cảnh mùa hè năm 2018, đây rõ ràng không phải là sự đùa cợt, nêu ra một báo động giả: mối nguy hiểm hiện nay đã rất rõ ràng. Các tác giả nghiên cứu lập luận rằng chúng ta cần phải chủ động hơn nữa trong lĩnh vực này, không chỉ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng càng nhanh càng tốt, mà còn thiết lập được khả năng linh hoạt trong bối cảnh chúng ta có thể không hiểu rõ và đầy đủ các tiến trình sinh thái và khí hậu phức tạp của Trái Đất, trước khi điều đó là quá trễ.”

Nguyen Dat An chuyển ngữ
https://www.theguardian.com
Về đầu trang