Các linh mục Huế ra tuyên bố hiệp thông với Ðan viện Thiên An


Tin liên quan:
✔️ Giáo Hội Việt Nam trong sóng gió chính trị
✔️ Côn đồ đánh quý soeur Dòng thánh Phaolô ngay trước mặt công an, giữa thanh thiên bạch nhật tại thủ đô Hà Nội
✔️ Cùng tham dự giờ Kinh Chiều, Chúa Nhật (Mùa Phục Sinh), của các tu sỹ thuộc Đan viện Thiên An, Huế, Việt Nam


✅ Ai đốt?

Khoảng 3 giờ chiều nay, 22 Tháng Năm 2018, vụ cháy kinh khủng đã xảy ra trên Đồi Thông của Đan viện Thiên An. Tại khu vực này, tính từ ngày 04 tháng 3 năm 2018 đến hôm nay đã bị đốt cháy lần thứ ba. Tuy nhiên, về phía nhà cầm quyền Huế cũng như lực lượng kiểm lâm và lâm trường Tiền Phong Huế vẫn chưa điều tra nguyên nhân. Tệ hơn nữa, đó là vụ cháy này xảy ra hơn cả tiếng đồng hồ nhưng chưa thấy bóng dáng của cán bộ, nhân viên bảo vệ lâm trường Tiền Phong đâu (trụ sở lâm trường này chỉ cách đám cháy hơn 01Km). Ăn lương từ những đồng tiền thuế của nhân dân, cán bộ, nhân viên bảo vệ lâm trường Tiền Phong tự cho là những người "bảo vệ, quản lý" rừng thông thuộc quyền sở hữu của Đan viện Thiên An từ gần 80 năm nay. Theo video của người dân ghi lại thí chỉ thấy các đan sĩ Thiên An, một vài người dân đang làm việc gần đó và một số bộ đội trường quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế vào đối mặt với đám cháy kinh khủng bằng những phương tiện chữa chảy rất thô sơ.




✅ Các linh mục Huế ra tuyên bố hiệp thông với Ðan viện Thiên An, Huế

 Kính thưa Ðan Viện Phụ cùng Quý Cộng đoàn,

Chúng con rất sửng sốt khi đọc được thư Ðan viện phụ và Cộng đoàn gởi Nhà nước về việc Nhà nước lấy đất đai của Ðan viện Thiên An cho Công Ty Du Lịch Cố Ðô Huế xây dựng Trung Tâm Vui Chơi Giải Trí Ðồi Thiên An - Hồ Thủy Tiên.

Trong tinh thần hiệp thông Hội Thánh, đồng thời để bày tỏ lòng tri ân đối với những gì mà Ðan viện Thiên An đã làm cho chúng con trong tư cách những tín hữu Giáo phận Huế và là cư dân của thành phố Huế, chúng con xin gởi tới Ðan viện phụ cùng Cộng đoàn lá thư tâm tình sau đây.

Trước hết, kể từ ngày thành lập cách đây 60 năm, với vô vàn công sức của bao thế hệ tu sĩ trong cộng đoàn, Ðan viện đã tạo được một công trình văn hóa và thiên nhiên quan trọng, trong đó phải kể đến khu rừng thông rộng lớn hơn 100 ha.

- Khu rừng này đã đóng vai trò như lá phổi cho thành phố Huế, tạo nên một môi trường sinh thái tốt lành, một mảng thiên nhiên phong phú, gia tăng vẻ xinh đẹp cho cảnh quan đất Thần kinh.

- Khu rừng ấy, cùng với bao địa hình như hồ nước, trảng cỏ, gò đồi, và nhất là với chính tòa nhà của Ðan viện, đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Huế, một địa điểm du lịch đầy tính sinh thái, một chốn giải trí vãn cảnh lành mạnh cho mọi người, đặc biệt cho giới trẻ học sinh sinh viên, và là một góc yên tĩnh ở đó con người lắng đọng được tâm hồn, hưởng bầu khí bình an thanh thoát. Ngoài ra, đó là một nơi mà bất cứ ai cũng có thể đến cách tự do thoải mái và chẳng chịu một phí tổn nào cả.

- Riêng đối với người Công giáo nói chung và đối với Giáo phận Huế nói riêng, thì cơ sở, môi trường, nếp sống và tinh thần Ðan viện đã thành một trung tâm tinh thần quan trọng, nơi đó các tín hữu dễ dàng thoát những mối lo toan và cảnh sống xô bồ thường nhật, dễ dàng tìm lại sự an tĩnh cho cõi lòng để gặp gỡ Thiên Chúa, hầu tâm linh được thăng hoa và bồi bổ.

- Nay với việc Nhà nước lấy toàn bộ 100 mẫu rừng thông và những đất đai còn để lại cho Ðan viện từ sau ngày quản lý rừng thông (vườn cam, vườn rau, trại bò, hồ cá...) để làm một khu vui chơi giải trí tầm cỡ, chúng con tự hỏi:

- Ðể xây dựng khu vui chơi giải trí tầm cỡ này, chắc chắn không thể không có việc tàn phá rừng thông, cày xới đất đai, thay đổi cảnh quan và địa hình, thu hút dân cư tới sinh sống làm ăn, gây ô nhiễm môi trường và tạo sự ồn ào náo động. Như vậy thì lá phổi quan trọng của thành phố này, môi trường sinh thái đặc trưng này, mảng màu xanh thiên nhiên xinh đẹp này có còn tồn tại chăng? Sông Hương cận kề khu vui chơi chẳng lẽ không bị ảnh hưởng bởi chất thải đổ ra từ đó? Ðang lúc thế giới vẫn hô hào phủ xanh đồi trọc, trồng cây gây rừng, duy trì nguồn nước tinh sạch để bảo vệ môi trường sống cho loài người.

- Một khi khu vui chơi giải trí này đã hình thành, chắc chắn sẽ có việc quản lý chặt chẽ toàn bộ khu vực và kinh doanh để thu lợi nhuận. Vậy thì cư dân thành phố, đặc biệt giới lao động nghèo, giới học sinh sinh làm sao còn có thể hưởng dụng đồi thông Thiên An như xưa nay, còn tìm đâu ra một chỗ để trao đổi tâm tình, sinh hoạt lành mạnh (đi dạo, đóng trại, picnic...) giữa thiên nhiên cách tự do thoải mái ngày lẫn đêm (như từ xưa nay) mà không phải chịu một phí tổn nào? để hòa mình với vạn vật trong một khung cảnh yên tĩnh, trong lành, hầu giải tỏa những căng thẳng (stress) của cuộc sống, gia tăng sức khoẻ và hồi phục sự quân bình cho trí tuệ và tâm linh?

- Xây dựng khu giải trí du lịch ồn ào náo động này bao quanh một đan viện Biển đức và trên chính cơ sở đất đai của đan viện ấy phải chăng là một thách thức đối với cộng đồng Công giáo, một xâm phạm đối với nếp sống đan tu và đối với tài sản đan viện, một vô ơn đối với một cộng đoàn đã từ lâu góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường, văn hóa cũng như tinh thần cho thành phố Huế? Nằm giữa một quang cảnh trần tục, náo động, mải mê lợi nhuận và hưởng thụ đêm ngày như thế, thử hỏi đan viện Thiên An còn có thể tiếp tục tinh thần và nếp sống đã được Thánh Tổ Biển Ðức vạch ra cách đây đã 16 thế kỷ hay chăng? thử hỏi đan viện Thiên An còn có thể đóng vai trò là trung tâm tinh thần, bồi bổ đời sống thiêng liêng cho các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ như từ mấy chục năm nay hay chăng? thử hỏi đan viện Thiên An còn có thể hiện hữu như một "sa mạc" đặc biệt cần thiết cho nhu cầu tĩnh tâm của mọi thành phần Dân Chúa tại Huế hay chăng? thử hỏi danh xưng đan viện "Thiên An" và vùng đất "Thiên An" có còn mang ý nghĩa là "nguồn bình an thiên quốc" cho những tâm hồn khát vọng ân huệ và giá trị ấy hay chăng?

Chúng con xin Thánh Biển Ðức cầu thay nguyện giúp trước tòa Chúa cho Ðan viện phụ và Cộng đoàn được mãi mãi hiện diện và phục vụ mọi người trong sự toàn vẹn của Ðan viện như 60 mươi năm qua.

Hiệp thông trong Chúa Kitô Phục Sinh
Lm. Augustinô Hồ Văn Quý 
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Giải 
Lm. Phêrô Phan Văn Lợi 



✅ Lược sử Ðan viện Thiên An Huế

Tháng 3 năm 1939, cha Romain Guillauma, một đan sĩ người Pháp, quyết định lập dòng tại Huế, và vẫn duy trì sở Miévelle làm nơi nghỉ chân (sở đất này sẽ bán lại cho các nữ tu Phan sinh vào năm 1954).

Ngày 10-6-1940, thánh lễ đầu tiên được cha Romain cử hành trong ngôi nhà tranh vừa dựng xong gần chân đồi Ðức Mẹ, đánh dấu ngày thành lập Ðan viện Thiên An, trước sự hiện diện của cha Corentin. Cha Romain chọn Thánh Tâm Chúa Giêsu làm quan thầy Ðan viện Thiên An. Nhờ cha Romain được mời đi giảng nhiều nơi, và cha Corentin đi học tiếng Việt ở Loan Lý, nên chẳng những nhiều anh em ở Huế, ở Loan Lý, mà còn ở trong Nam, ngoài Bắc đã tìm đến xin tu. Trong 3 năm đầu mọi người đều sống ở ngôi nhà tranh. Và vào những lúc trời mưa, cóc, nhái, rắn rết thích di tản vào nhà sống chung với người, lắm lúc chui vào tạm trú trong giày dép làm các thân chủ lắm khi phải nhảy đựng lên khi buổi đêm dậy đọc kinh đêm, hay buổi sáng thức dậy xỏ chân ngay vào giày hoặc dép.

Ngày 23-10-1943, làm phép và khánh thành nhà nguyện và ngôi nhà ở 3 tầng, có 28 phòng. Ða số vật liệu xây cất 2 ngôi nhà này được khai thác tại chỗ: đá, gỗ thông và gạch. Hai tầng lầu để ở, còn tầng trệt làm phòng cơm.

Ngày 17-10-1945, cha Benoit Nguyễn Văn Thái được thụ phong linh mục sớm hơn dự định, phòng hờ các cha Tây bị quân Nhật bắt.

Tháng 10-1946, nhà mẹ yểm trợ cho Ðan viện Thiên An thêm 3 linh mục và 3 thầy sáu: Cha Yves (em ruột cha Corentin), cha Arnoul, cha Urbain, thầy Lazare, thầy Raphael và thầy Bède. Từ đây Thiên An có đủ giáo sư để đào tạo đan sĩ giáo sĩ tại chỗ.

Tháng 3 năm 1952, cha Benoit Nguyễn Văn Thái được bầu làm bề trên Thiên An (là bề trên người Việt Nam đầu tiên); năm 1958, cha Anselmô Nguyễn Ngọc Ngãi được bầu làm bề trên; năm 1961 cha Benoit Thái lại được bầu làm bề trên; đến năm 1968, ngài thôi chức bề trên và sau đó khoảng một tháng, ngài bị trúng hỏa tiễn tại Sài Gòn và qua đời ngày 28-5-1968.

Năm 1956, khởi công xây dựng ngôi nhà ở 3 tầng thứ II bằng bê tông. Hai tầng trên có 38 phòng, tầng trệt có 2 phòng lớn, để làm thư viện và phòng hội.

Năm 1965, Ðức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền chủ sự lễ làm phép nhà thờ hầm và các bàn thờ đá. Ðây cũng là ngày khánh thành nhà thờ hầm, mừng ngân khánh thành lập Ðan viện Thiên An, lần đầu tiên các đan sĩ không linh mục khấn trọng thể.

Ngày 25-2-1968, biến cố Mậu Thân: Ðan viện Thiên An bị dội bom và pháo kích. Bề trên cho lệnh: "Mạnh ai nấy chạy". Cộng đoàn Thiên An tự động phân nhiều nhóm rời khỏi Ðan viện, rồi qui tụ tại Phú Lương, sau đó vào Ðà Nẵng, tạm trú tại ngôi trường tiểu học của các Soeurs Saint Paul, ở Sao Biển (2 tháng). Trong cuộc chạy loạn này, cha Urbain David và cha Guy Dupont de Compiègne bị mất tích và hơn một tháng sau mới tìm thấy xác.

Tháng 4 năm 1968, cha Thomas Châu Văn Ðằng được chỉ định làm bề trên quản trị thay thế cha Benoit Nguyễn Văn Thái.

Ngày 25-4-1968, Cộng đoàn Thiên An rời Ðà Nẵng trở về Huế, nhưng phải tá túc tại Dòng Kín Huế, vì nhà cửa ở Thiên An bị hư hại nặng, không còn một tấm ngói nào trên mái. Ở Dòng Kín, nhưng ngày ngày vẫn lên Thiên An dọn dẹp và sửa chữa.

Tháng 11-1968, toàn thể cộng đoàn Thiên An "hồi hương". Năm 1969, cha Ta-đê được phái vào Nam, tìm đất lập nông trại để yểm trợ cho Thiên An đang kiệt quệ vì cuộc chiến Mậu Thân. Cha Ta-đê đã kiếm được đất ở Long Thành, ở cây số 47 đường đi Vũng Tàu. Sau này trở thành Ðan viện Thiên Bình, và tự trị từ năm 1988.

Năm 1972, chiến tranh Quảng Trị, "mùa hè đỏ lửa" , Thiên An di tản lần II: Anh em khấn trọng vào Ðà Nẵng dưới sự hướng dẫn của cha Corentin. Kinh viện và Tập viện vào Sài Gòn dưới sự hướng dẫn của cha Thomas Châu Văn Ðằng, bề trên, và cha Marian Phương, tập sư. Ðược bà Cúc hiến một sở đất ở Tam Hà, Thủ Ðức, hai cha bề trên và tập sư liền cho xây dựng nhà cửa với ý định mở một học viện. Sau này trở thành Ðan viện Thiên Phước, được tự trị từ năm 1988.

Tháng 3 năm 1975, cộng đoàn Thiên An di tản vào Ðà Nẵng lần thứ ba, hai tuần sau trở lại Thiên An.

Năm 1984, cha Thomas Châu Văn Ðằng xin từ chức bề trên, và trao quyền cho cha Stéphane Huỳnh Quang Sanh.

Năm 1988, các Ðan viện Biển Ðức Việt Nam, kết thành tỉnh dòng mới, tách khỏi tỉnh Pháp và cha Ta-đê, Bề trên Ðan viện Thiên Bình, được cha Ðan phụ Chủ tịch Denis Huerre chỉ định làm đan phụ Ðan viện Thiên Bình, kiêm chức giám tỉnh dòng Việt Nam.

Năm 1993, cha Stéphane Huỳnh Quang Sanh, bề trên Ðan viện Thiên An được bầu làm giám tỉnh tỉnh dòng Biển Ðức Việt Nam.

Ngày 12-8-1994, khởi công xây cất quần thể kiến trúc bên trên nhà thờ hầm, gồm: nhà tĩnh tâm, nhà nguyện và tháp chuông.

Tháng 4 năm 1998, cha Stéphane Huỳnh Quang Sanh được bầu làm Ðan phụ.

Ngày 27-8-1998, lễ Chúc phong Ðan phụ cho cha Stéphane Huỳnh Quang Sanh, đồng thời khánh thành nhà nguyện, nhà tĩnh tâm và tháp chuông.

Tính đến ngày 20/2/2001, Ðan viện Thiên An hiện đang có 3 linh mục, 13 đan sĩ, một số tập sinh và thỉnh sinh.

Vietnamese Missionaries in Taiwan

Clip: Giờ Kinh Chiều (Chúa Nhật, Mùa Phục Sinh) của các tu sỹ Đan Viện Thiên An, Huế, Việt Nam:

Tin liên quan:
✔️ Giáo Hội Việt Nam trong sóng gió chính trị
✔️ Côn đồ đánh quý soeur Dòng thánh Phaolô ngay trước mặt công an, giữa thanh thiên bạch nhật tại thủ đô Hà Nội
✔️ Cùng tham dự giờ Kinh Chiều, Chúa Nhật (Mùa Phục Sinh), của các tu sỹ thuộc Đan viện Thiên An, Huế, Việt Nam

Về đầu trang