“Trước Công nguyên” hay “Trước Chúa giáng sinh”?


• Tại Việt Nam (và một vài nơi trên thế giới), trong cách ghi niên đại, ưa dùng thuật từ “Công nguyên” (Common Era, viết tắt CE), “trước Công nguyện” (Before Common Era, viết tắt BCE); ví dụ: năm 300 trước Công nguyên (BCE), năm 2018 CE (“năm 2018 Công nguyên”, hoặc ghi gọn “năm 2018”).

Thực ra, dùng thuật từ “BCE” (“trước Công nguyên”) chỉ nhằm đục bỏ một thuật từ đã có từ lâu là: “BC” (“Before Christ”: trước Chúa giáng sinh); việc dùng thuật từ “CE” (“Công nguyên”) cũng vậy, chỉ nhằm bôi xóa thuật từ đã có lâu đời là: “AD” (“Anno Domini”, chữ La tinh, nghĩa là “In the Year of Lord”).

Sự thay đổi thuật từ BCE, CE, theo giới phê bình, chỉ nằm trên bề mặt, chẳng làm thay đổi bản chất của cách ghi niên đại, do vậy, “meaningless” (vô nghĩa). Bởi vì niên đại vẫn như cũ, vẫn lấy điểm tham chiếu là sự ra đời của Đức Giêsu Kitô! Khi ghi “năm 300 BCE (trước Công nguyên)” thì vẫn là một với “năm 300 BC (trước Chúa giáng sinh)”.

Quen thói sửa này sửa nọ, như sửa thuật từ, dễ thôi, nhưng không thể sửa lịch sử!

• Mặt khác, thuật từ “công nguyên” (CE) cũng không chuẩn về mặt khoa học.

Để biện minh cho thuật từ này, người ta viện dẫn dương lịch đang dùng có tính thông dụng toàn cầu (“common”) nên gọi “common era” (ở Việt Nam dịch là “công nguyên”). Để xem nào...

Suốt nhiều thế kỷ, ở nền văn minh các nước Tây phương dùng thuật từ “AD” (“Anno Domini” = “In the Year of Lord”) và chỉ dùng thuật từ này mà thôi, để ghi niên đại dựa trên “mốc” từ sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô (ngược dòng thời gian trước khi Chúa ra đời, gọi là BC “Before Christ”). Mãi về sau này, văn minh Tây phương chi phối thế giới thì mới dẫn đến việc sử dụng dương lịch Tây phương một cách “thông dụng”, “chung” (“common”).

Nói cách khác, về sau này mới đi vào “kỷ nguyên thông dụng / phổ biến chung” (“common era”, “công nguyên”) trong cách ghi niên đại theo dương lịch. Chứ vào năm 1, với điểm tham chiếu được chọn là sự ra đời của Chúa Giêsu Kitô, làm gì đã... “common” mà gọi “common era - CE” (“công nguyên”)?

Hãy tôn trọng cách ghi hàng nhiều thế kỷ, xin nhắc lại, là “AD”.

Không thể bảo đảm tinh thần khoa học nếu đánh mất sự trung thực.

• Có người bảo, tôi không phải Công giáo, sao “buộc” tôi gọi BC (“Before Christ”), AD (“Anno Domino” = “In the Year of Lord”: năm của Chúa)? Lịch (cách ghi niên đại) đang dùng xuất phát từ đạo Công giáo thì phải gọi theo Công giáo; cũng như khi bạn dùng lịch lấy mốc từ năm ra đời của đức Phật thì gọi là “Phật lịch”. Ngay đến sự trung thực mà cũng... “sân si”, kém cỏi đến thế hay sao?

Do vậy, rất nhiều quốc gia hiện nay vẫn giữ cách ghi BC (“Before Christ”) và AD (“Anno Domini”) để hiểu trung thực về nguồn gốc & ý nghĩa của cách ghi niên đại đang được dùng phổ biến trên toàn cầu.

Nguyễn Chương

Về đầu trang