Trao cho trẻ sự tự tin và tự lập


Tin liên quan:
✔️ Đời muôn vẻ! Hiểu đời, hiểu mình để thông cảm, trước là cho chính mình...
✔️ Meghan Markle, cô ấy là ai?
✔️ Lời khuyên của người qua đời khi mới 27 tuổi vì ung thư

Khi một đứa trẻ phản ứng với cha mẹ về sự áp đặt, hoặc nó sẽ tách khỏi cha mẹ, hoặc nó chịu trận để trở thành người như cha mẹ nó nhào nặn.


Con mình có trưởng thành hay không chính là do cha mẹ. Vì một con người, hạnh phúc nhất của đời họ là biết rõ mình là ai? Mà điều đó chỉ có được khi nó đối mặt với cô đơn để trưởng thành.

✅ Những đứa trẻ phản kháng

Nhà văn Cao Hành Kiện viết: “Chỉ khi một đứa trẻ đối diện với cô đơn, nó mới bắt đầu trở thành một người lớn; và chỉ khi một con người đối diện với cô đơn, y mới trưởng thành. Cô đơn thì rất cần thiết cho người đến tuổi thành niên. Nó khuyến khích sự độc lập, và tất nhiên, để làm tăng sức mạnh nhân cách trong những hoàn cảnh xã hội thì khả năng chịu đựng cô đơn là điều không thể thiếu”.

Một trong những điều mà tuổi trẻ băn khoăn nhất, chính là sự cô đơn nảy sinh từ khi chúng nhận thức được vẻ đẹp bất toàn của cuộc sống.

Trước tiên có thể nói rằng đứa trẻ cô đơn là đứa trẻ đã có sự phản kháng từ trong bụng mẹ. Đứa trẻ không ngừng thắc mắc về sự ra đời của mình, về sự tồn tại của mình. Và nó sẽ phản ứng lại với những gì người khác muốn áp đặt lên nó. Chính những điều này đã theo nó lớn lên, tạo thành nhân cách của nó và hành động của nó… và cũng đẩy nó ngày càng sâu vào sự cô đơn cần thiết cho một con người sáng tạo. Như Albert Camus nói: “Sáng tạo cao quý ở chỗ chống lại áp bức tức là thuận lòng với cô đơn. Nghệ thuật là biểu hiện cao nhất của phản loạn”.

Đó là giây phút khó chịu khi không thể được… ở một mình.

Thế nên tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương nói: “Cô đơn không thể tập luyện được mà chỉ là một trạng thái trưởng thành của tâm thức. Và nó sẽ được cảm nhận cả khi ta ở một mình hay trong đám đông”.

✅ Cô đơn và tự do

Có khi chính những cha mẹ hiện tại cũng không phân biệt được sự cô đơn, nỗi cô độc và tự do.

Nhắc lại về sự cô đơn, nó là trạng thái mà một con người trong khi đang bị cuốn mãi vào vòng xoáy của dòng sống, lâu lâu phải đặt mình đối diện với mình, tạm thời gạt bớt các quan hệ để tự đến với mình. Nó tựa như ta chăm chú quan sát một vật gì một cách kỹ lưỡng: tách đoá hoa ra bụi cây đặt nó bên cạnh đó, thì mới thấy được vẻ đẹp toàn vẹn của đoá hoa. Chỉ khi cô đơn con người mới có thể đối diện với chính mình, đối diện với sự thật để tìm tòi nó, và đó là con đường của riêng nó, không ai làm thay được. Đứa trẻ cũng vậy. Nó cần phải được nhìn ra bản tánh của mình để trưởng thành, không còn giống cha hay giống mẹ hay giống cô chú bác dì để trở thành một trong những người đó.

Câu chuyện có thật về cuộc đời của hoạ sĩ Vincent Van Gogh, sự tổn thương lớn nhất trong tâm hồn thơ trẻ của Vincent là từ bé, anh đã tự coi mình như là “sự thay thế” người anh đã mất. Anh tưởng như vậy thật và ra sức làm những gì mà cha mẹ đã kỳ vọng vào cậu con trai đã mất ấy sẽ đem đến cho họ những mong ước. Cuối cùng thì thất bại hoàn toàn và Van Gogh, mãi đến năm 28 tuổi, mới thực sự được sống cuộc đời với đam mê hội hoạ của mình, trong đói khổ, cay đắng, nghiệt ngã, ông cũng chỉ sống được có tám năm tiếp theo của cuộc đời. Chấm dứt mọi sự vào năm 36 tuổi sau một thời gian dài “cực đoan” với đam mê của mình. Không quan tâm đến bất kỳ điều gì ngoài hội hoạ. Cái giá phải trả, là một cái chết kiểu như ông tự kết liễu đời mình để không làm khổ người khác nữa.

Có cha mẹ nào muốn cuộc đời con cái mình có một cái kết như vậy hay không?

Chắc là không.

Vì thế, hiểu rõ và tôn trọng sự riêng tư, cá nhân của đứa trẻ, cho nó một không gian riêng tư, để nhận biết rõ hơn thế giới của chính nó, là điều không phải cha mẹ nào cũng ý thức được. Có những bậc cha mẹ luôn nghĩ rằng mình sẽ phải “mang vác” cuộc đời đứa con mình đến hết kiếp, và tưởng rằng đó là mình thương con và có trách nhiệm với con. Hay cho rằng con mình đẻ ra, mình có “toàn quyền” với nó. Vì thế nó phải theo ý mình. Đó hoàn toàn là sự ích kỷ, mong muốn được “sống thêm” phần đời của người khác và đúng hơn là muốn con “sống cho” phần đời thiếu hụt của mình. Chỉ khi nào đứa trẻ có cơ hội nhận ra sớm, thì điều đầu tiên là nó sẽ ngay lập tức phản kháng bằng cách… bỏ nhà ra đi. Để tìm tự do. Vì thế, khi trao cho con mình sự cô đơn, cũng là cha mẹ đã tự nguyện cho con mình sự tự do. Cả cha mẹ và con cái đều hoan hỉ sống.

Ngược lại, nếu cha mẹ không thể hiểu phải để đứa trẻ nó nhận ra, cuộc đời của nó, sứ mệnh của nó, không ai có thể đảm nhiệm hơn chính nó mà không ai có thể làm thay, cũng như không ai có thể chết thay hay sống thay cho nó. Thì họ chỉ chuốc lấy cái khổ sở cho cả gia đình.

Bởi khi các cha mẹ cho rằng mình đang hy sinh cho con cái thì thật ra đối tượng đó cũng là chính họ mà thôi.

Thái Thảo
Theo TGTT
Tin liên quan:
✔️ Đời muôn vẻ! Hiểu đời, hiểu mình để thông cảm, trước là cho chính mình...
✔️ Meghan Markle, cô ấy là ai?
✔️ Lời khuyên của người qua đời khi mới 27 tuổi vì ung thư

Về đầu trang