"Khi núi không là núi, sông không là sông..."

Bạn từng nghe Gs. Stephen Hawking cho rằng không cần thiết có Thiên Chúa trong sự tạo dựng vũ trụ? Và bạn sẽ nghĩ gì, nếu biết rằng Gs. Stephen Hawking là thành viên Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học (từ năm 1968), được trao "Huy chương vàng Piô XI" vào năm 1975 do Tòa thánh Vatican tặng thưởng?
Chú thích hình: Giáo hoàng Phanxicô gặp Gs. Stephen Hawking trong một buổi tiếp kiến dành cho các tham dự viên khoá họp toàn thể của Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học tại Vatican, hôm 28 Tháng Mười Một 2016 (CNS photo).

1.
Bản tin VTV 24h vào trưa ngày 14 Tháng Ba 2018 nói "Stephen Hawking khám phá ra thuyết Big Bang". Trên facebook của một vị sư thuộc hàng chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tổ chức này thành lập vào năm 1981, tạm gọi tắt là "Phật giáo 81") cũng viết y chang: "Stephen Hawking khám phá thuyết Big Bang".

Tôi thực sự kinh ngạc, lẽ nào học vấn cao cấp mà nhầm lẫn kiến thức ở mức sơ đẳng đến vậy? Lý thuyết Big Bang là do Georges Lemaître (1894–1966) khởi lập, đề xuất chứ Hawking nào ở đây! Georges Lemaître là ai? Là một vị linh mục Công giáo người Bỉ, chủ tịch Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học từ năm 1960 đến 1966.

Lẽ nào chỉ vì dính mắc vào một sự cố chấp thấp kém, rằng những ai tin vào Thiên Chúa thì... đối lập với khoa học, không được phép làm nhà khoa học, đã vậy còn trở thành khoa học gia đại tài, nên lờ tịt đi chủ nhân thực sự của thuyết Big Bang?

Gs. Stephen Hawking vào Tháng Mười Một 2006 khi đến Vatican để tham dự một hội nghị khoa học, bằng những nghiên cứu mới nhất về "lỗ đen" và bức xạ, Stephen Hawking đã xác nhận tính đúng đắn nơi thuyết Big Bang của linh mục Georges Lemaître.

2.
"Stephen Hawking khẳng định thế giới không do Thượng đế tạo ra" - vị sư kia viết status như vậy, rất hoan hỷ, trên facebook.

Thực ra một giáo sư vĩ đại như Hawking không ăn nói quàng xiên gọi là phủ nhận Thượng đế, mà là ông phủ nhận "ý niệm về Thượng đế". Gs. Stephen Hawking cho rằng "không cần thiết có ý niệm Thiên Chúa (trong sự tạo ra thế giới/vũ trụ)".

Sự khác biệt vi tế như thế, liệu vị chức sắc cao cấp của "Phật giáo 81" có hiểu nổi?

3.
Tại sao Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học - gồm có những vị "tin vào Thiên Chúa" lẫn những vị như Gs. Stephen Hawking phủ nhận "ý niệm" về Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ?

Bởi vì trong thời hiện đại, khoa học không đứng bên ngoài ngưỡng cửa của Đức tin Công giáo. Thiên Chúa là một lời kêu gọi cùng nhau tìm kiếm. Trên hành trình tìm kiếm, không thể không xảy ra giai đoạn... "phủ nhận Thiên Chúa"!

Nghĩa là thế nào nhỉ?

4.
Thoạt đầu, khi thấy núi thấy sông, ta gọi "Núi là núi, sông là sông".

Nhân loại luôn tra vấn về sự khởi nguồn, đó là tiến trình bình thường và lành mạnh về mặt luận lý lẫn luân lý. Trong cách nhìn hết sức căn bản - mọi sự luôn có sự bắt nguồn, con cái phải từ cha mẹ, cha mẹ phải từ ông bà, và cứ thế lần ngược trở lên, và nhìn rộng ra mọi sinh linh vạn vật - để xác lập tiên đề: Vũ trụ phải có sự khởi đầu.

Trong Kitô giáo mệnh đề này được phát biểu: "Thiên Chúa tạo dựng ra vũ trụ".

* Tâm trí được đẩy đến tận cùng của luận lý: Thế thì... sự khởi đầu của khởi đầu là gì? Một vòng lẩn quẩn của con gà và quả trứng, cái nào có trước.

Trong vật lý học lượng tử, "thời gian" luôn gắn chặt với "không gian". Hay nói cách khác, "thời gian" trở thành khái niệm hoàn toàn ảo / vô nghĩa nếu không có sự hiện hữu "không gian".

Trước khi hình thành vũ trụ theo thuyết Big Bang, tức là "không gian" chưa hiện hữu, vậy làm gì có "thời gian"? Mà "sự khởi đầu" lại là một khái niệm thuộc về thời gian. Đã không hiện hữu khái niệm "thời gian" thì cũng không thể hiện hữu khái niệm về "sự khởi đầu"!

Do đó, nếu hiểu Thiên Chúa như một sự khởi đầu (tạo nên vũ trụ), thuộc về thời gian / nằm trong dòng thời gian, là hoàn toàn vô nghĩa (nonsense)! "Không cần thiết có Thiên Chúa trong sự tạo dựng vũ trụ" (Stephen Hawking) là vậy.

Nhà thiên văn học Guy Consolmagno, đồng thời là vị tu sĩ dòng Tên, nói rõ hơn: ngài cũng phủ nhận Thiên Chúa theo cách mà Stephen Hawking phủ nhận! Hay nói đúng hơn là phủ nhận một "ý niệm (cách hiểu) về Thiên Chúa".

Cả Stephen Hawking lẫn vị tu sĩ Guy Consolmagno đi đến giai đoạn "đảo lộn" nhận thức ban đầu, thấy "núi không là núi, sông không là sông" như trước.

5.
Để thấy "Núi lại là núi, sông lại là sông" thì phải cần đến "một bước nhảy" trong hành trình tâm linh.

Thiên Chúa "phi hữu" mà lại "thực hữu" hoặc "hằng hữu" - theo cách gọi trong Kitô giáo, nằm ngoài mọi khái niệm về thời gian & không gian... (*)

Tạm thay lời kết

"Hãy đem chân lý vào chốn lỗi lầm"
("Where there is error, let me bring truth", Thánh Phanxicô Átxidi).

"Chốn lỗi lầm" ở đây là những nơi thiếu lương thiện, hiểu chưa tới nơi tới chốn đã vội nói xằng nói bậy. Là không có "thiện tri thức", gieo hôn ám đối với chúng sinh.

(*)"Thoát khỏi vòng luân hồi" cũng cần được hiểu là nằm ngoài mọi khái niệm về thời gian & không gian (có dịp tôi sẽ chia sẻ những suy nghĩ của tôi về "ý niệm luân hồi" và mong được góp ý).

Về đầu trang