Học lại từ đầu để làm người

Một du khách đã trọng tuổi từ China đại lục đến Đài Loan, viếng chùa, ông nói: “Ở đại lục, thập niên 60 xảy ra Cách mạng văn hóa, người ta dùng gập đập lên đầu tượng Phật, phỉ báng, gom tượng Phật đem đốt. Còn hiện nay, người ta biến tướng chùa chiền, tượng Phật để làm du lịch kiếm tiền. Khi đến đây, Đài Bắc, tôi thấy mọi người mới có lòng thành tín thực sự...”.

• Học thành thật

Một sinh viên đến từ Thiên Tân (China đại lục) nhớ lại trải nghiệm khó quên khi du lịch tại Đài Loan: một hôm, anh tới Tam Nghĩa, Miêu Lật, nơi đó có một cửa hàng cho thuê xe đạp. Anh kinh ngạc phát hiện ra rằng: Khi thuê xe, không cần phải đặt cọc tiền hay giấy tờ gì khác!

Lúc đó tôi nghĩ nếu đánh mất chiếc xe đạp hoặc vác nó về nhà thì chủ cửa hàng cũng phải bó tay. Bởi vì tôi không để lại tên tuổi, hay số điện thoại. Tôi bèn hỏi ông chủ cửa hàng, ông đáp lại: “Lẽ nào anh đi xa như vậy tới đây chỉ để trộm một chiếc xe đạp hay sao?”

Đó là một trải nghiệm khó tưởng tượng nổi nếu sống bên China đại lục.

• Học nói lời “Cảm ơn”

“Tại bến xe mọi người đều tự giác xếp hàng. Khi lên xe, nhân viên nhiệt tình hỏi bạn muốn đi đâu, và khi thu tiền hoặc thối lại tiền, họ đều nói ‘Cảm ơn’ vì bạn đã thịnh tình chiếu cố. Tại những ngã tư đường, dù vắng vẻ đến mấy, mọi người cũng từ tốn chờ đèn xanh, đèn đỏ” - Liu Xliao, một kỹ sư từ Bắc Kinh thuộc thế hệ 8X đến tham quan Đài Loan, cho biết.

Một sinh viên đến từ Đại Liên (China đại lục) cũng có cảm giác bất ngờ như Liu Xliao, anh kể: khi mua cơm ở cửa hàng, mỗi lần kêu món hoặc đến lúc trả tiền, tôi đều nghe nhân viên nói “Cảm ơn” luôn miệng. “Ban đầu nghe họ nói ‘Cảm ơn’, tôi ngượng ngùng, bất ngờ không biết nói gì, đứng ngây người ra. Sau đó tôi cũng tập nói lời cảm ơn đối với họ”.

Lời cảm ơn, theo phép lịch sự tối thiểu, trở thành... lạ lẫm trên lãnh thổ “China” của Bắc Kinh không rõ từ lúc nào. Trong khi đó tại “China” của Đài Bắc, kỹ sư Liu Xliao nói, “Bạn có thể tìm thấy những điều đã biến mất tại Trung quốc!

• Học tranh luận

Liu Xliao kể: “Là một người đại lục, khi nhìn vào văn hóa bầu cử của Đài Loan, tôi rất hiếu kỳ. Họ cãi nhau kịch liệt trên diễn đàn, trong Viện Lập pháp, được tường thuật công khai. Ban đầu tôi cứ nghĩ cãi nhau sẽ làm rối xã hội. Kỳ thực xã hội của họ yên ổn, sự chênh lệch giàu nghèo cũng ít hơn đại lục. Y tế, giáo dục đều được bảo đảm.

Hãy nhìn lại ‘sự hài hòa’ trong xã hội đại lục (‘China Bắc Kinh’), đó là ‘sự hài hòa’ thật đáng sợ, ẩn đàng sau biết bao bão tố. Chỉ những nơi không có sự hài hòa thực sự thì hàng ngày mới phải kêu gọi ‘chung sống hài hòa’! Các nhà làm chính sách tại đại lục không chỉ trích kịch liệt lẫn nhau mà họ dồn tâm sức... vào việc làm thế nào để khống chế người dân, đó mới là bi kịch, thực sự bi kịch!”


Đập phá, đốt tượng Phật trong Cách mạng Văn hóa tại China đại lục vào thập niên 60


Cảnh vận động bầu cử trên lãnh thổ Đài Loan (“China Đài Bắc”).

Một ngôi chùa ở Đài Bắc

Nguyễn Chương
Về đầu trang