Nguyên tắc sống của một người

… khi tôi nhìn lại cách làm việc của người Việt Nam, tôi lại lắc đầu ngao ngán. Chỗ làm việc của tôi mặc dù có dán bảng rất rõ ràng và lịch sự “Xin đừng đậu xe nơi đây, cám ơn” vẫn thường xuyên thấy những chiếc xe đậu ngang dọc chắn hết lối vào. Nhiều bạn học viên sử dụng bút lông viết bảng xong thậm chí nắp cũng không thèm đóng lại. Ngoài đường thì xe cộ mạnh ai nấy phóng, lúc đường đông thì cố tình phóng nhanh vượt ẩu, còn lúc đường chẳng có ai thì vừa nghênh ngang ngay giữa lòng đường vừa chạy tà tà vừa bấm điện thoại. Rồi thì vứt rác ra đường, đứng tiểu nơi công cộng, hát karaoke ông ổng như chỗ không người bất chấp giờ đó là giờ nào. Tôi không cần nói chắc mọi người cũng hiểu. Khi gia đình lẫn nhà trường không hề chú trọng đến việc dạy dỗ con em mình sự cẩn thận và trách nhiệm như một đức tính để làm người thì chuyện sống và làm việc ẩu tả tùy tiện thiếu trách nhiệm là điều khó tránh khỏi. Và khi một người ngay cả với bản thân mình cũng còn tùy tiện và vô trách nhiệm, bạn thử nghĩ người đó có quan tâm hoặc có trách nhiệm với những chuyện lớn lao khác hay không?

Source: fb.com/barry.gibson.142/posts/10156783223652017
Nguyên tắc sống của một người
Nguyên tắc sống của một người

Ấn tượng đầu tiên của nhiều người về tôi, nhất là những bạn học viên là tôi rất khó tính. Có lẽ là vì tôi ít khi tỏ ra thái độ giả lả hay đùa giỡn với những người mới gặp. Và cũng có rất nhiều bạn khi học với tôi cảm thấy shock khi bị tôi la rất dữ khi các bạn vi phạm những điều đối với các bạn đó là “chuyện có gì đâu phải ầm ĩ”. Nhưng những người đã quen thân hoặc làm việc với tôi thì nhìn thấy một điều khác hoàn toàn: tôi là người dễ tính và thân thiện. Tôi không phải là một người cực đoan hay thích làm khó dễ người khác bằng những đòi hỏi vô lý của bản thân mà tôi là người sống có nguyên tắc rõ ràng.

Một người khó chịu khác với một người sống có nguyên tắc ở chỗ, người khó chịu luôn cảm thấy không vừa lòng với người khác nếu người khác không làm đúng ý mình cho dù chuyện đó là có lý hay vô lý trong khi chính bản thân người đó cũng không có sự nhất quán trong cách hành xử. Làm việc chung với một người khó chịu, ta không biết họ muốn gì và như thế nào là đúng theo ý họ. Còn người sống nguyên tắc có những quy tắc riêng trong cách sống và cách làm việc. Khi giao thiệp và tiếp xúc với người khác, họ nói rõ nguyên tắc của mình và mong muốn đối phương tôn trọng những nguyên tắc đó. Đồng thời họ cũng tìm hiểu về nguyên tắc làm việc của đối phương và tôn trọng nó. Những nguyên tắc hợp lý và nếu được tôn trọng sẽ giúp cho những người tuân thủ theo chúng giao tiếp và làm việc hiệu quả hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn và tránh được những mâu thuẫn hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc. Ngược lại, sự tùy tiện và vô kỷ luật sẽ khiến cho một việc dù nhỏ cũng khó mà hoàn thành tốt vì đụng đến đâu sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề ngoài ý muốn đến đấy. Việc khắc phục hậu quả thôi đã rất mất thời gian mà kết quả cuối cùng đạt được vẫn không như ý.

Khi cộng tác với bất kỳ một ai đó, điều mà tôi xem trọng nhất là khả năng tuân thủ nguyên tắc và tinh thần trách nhiệm của đối phương. Một người không cần phải quá giỏi nhưng chỉ cần có kỷ luật và trách nhiệm trong công việc thì tôi sẵn sàng giúp đỡ cho tới khi thành công vì tôi hoàn toàn có lòng tin ở người đó sẽ làm được việc. Trước khi HCV English thành lập, tôi đã chọn sẵn một học viên tiếng Anh rất giỏi để làm trợ lý cho tôi, với ý định sẽ đào tạo bạn này trở thành một giáo viên giỏi và truyền nghề lại. Tôi thậm chí cho bạn đó học miễn phí các lớp của tôi, hướng dẫn cách giảng dạy và trả lương cao ngay cả khi bạn này chưa cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Nhưng sau một tháng làm việc, bạn này đã phớt lờ mọi nguyên tắc làm việc tối thiểu của một nhân viên và không hề có trách nhiệm trong những việc được giao mặc dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần. Chỉ có một chuyện là đi làm đúng giờ bạn đó vẫn không thể đi được mặc dù giờ làm việc của tôi muộn hơn giờ hành chính thông thường đến nửa tiếng. Sau một tháng thử việc, tôi dứt khoát quyết định cho bạn đó nghỉ việc. Bạn ấy rất shock vì nghĩ rằng mình giỏi và nghĩ rằng tôi vì tiếc những gì tôi đã đầu tư nên sẽ tiếp tục giữ bạn ấy lại. Tôi không hề tiếc những gì tôi đã đầu tư cho bạn ấy và cũng không cho đó là một sai lầm. Nguyên tắc làm người của tôi là luôn giúp đỡ những người có năng lực nên tôi đã giúp đỡ bạn ấy hết mình. Nhưng một người không biết coi trọng nguyên tắc và trách nhiệm thì cho dù có giỏi đến mấy cũng vô dụng. Đã là một giáo viên thì lại càng không thể không có nguyên tắc và không có trách nhiệm. Sẽ là sai lầm của tôi nếu tôi tiếp tục giữ bạn này lại làm việc chỉ vì tiếc công sức bỏ ra trước kia để đầu tư.

Nhân viên trợ lý hiện tại của tôi cũng là một học viên trước đây, tiếng Anh dĩ nhiên không giỏi bằng và cũng chưa có kinh nghiệm giảng dạy nhưng là một người làm việc rất có trách nhiệm. Ngay cả khi không có mặt tôi ở trung tâm, cho dù đi trễ 5 phút, bạn đó vẫn gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại xin phép. Tất cả những công việc tôi giao đều được hoàn thành nghiêm túc và đúng thời hạn. Hiện nay cùng một bạn giáo viên trẻ khác, chúng tôi đang xây dựng một team làm việc khá ăn ý và thoải mái. Trong suốt 8 tháng trời làm việc chung, tôi chưa bao giờ phải lớn tiếng trách phạt hay bực tức và các bạn cũng không còn định kiến về tôi như một ông sếp khó tính như lúc đầu mới tiếp xúc.

Đa số người Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ dù là đang là sinh viên hay đã ra đi làm, hiếm người hiểu thế nào gọi là “nguyên tắc sống” hay “nguyên tắc làm việc” mà thường làm việc rất ẩu tả, tùy tiện. Nhiều lúc tôi có cảm giác họ làm việc chỉ để cho có làm còn hầu như không bao giờ nghĩ đến hiệu quả của công việc mình phải làm hay hậu quả mình phải nhận khi làm việc không đúng nguyên tắc. Ngay cả khi được hướng dẫn tỉ mỉ nhiều lần, các bạn vẫn không thể làm việc đúng theo hướng dẫn được mà vẫn làm đại làm ẩu cho xong. Tiếng Anh là một thứ ngôn ngữ mang tính logic rất cao. Khi dạy học, tôi luôn nhấn mạnh yếu tố này và yêu cầu các bạn học viên nếu muốn học tốt tiếng Anh thì phải biết tập tư duy logic bằng cách tuân thủ những nguyên tắc mang tính chất “nhân-quả” chứ không thể học vẹt mà không hiểu hoặc suy luận tùy tiện. Những yêu cầu của tôi đưa ra cho các bạn học viên khi làm bài tập về nhà cực kỳ đơn giản nhưng giúp rèn luyện tư duy logic khá hiệu quả:
1. Trước khi làm bài tập về nhà phải xem lại phần lý thuyết học trên lớp và những ví dụ trong sách để nắm thật vững lý thuyết rồi mới làm.
2. Chỗ nào không hiểu có thể nhắn tin cho tôi để hỏi lại, tôi nhất định sẽ trả lời.
3. Những gì tôi không dạy trên lớp thì đừng tự tiện dùng nếu không hiểu hoặc nhớ không rõ ràng.
4. Từ vựng không biết rõ thì phải tra từ điển, không dùng từ ngữ một cách tùy tiện.
5. Tuyệt đối không được copy những gì của người khác.
6. Vào lớp khi sửa bài lên bảng xong, khi về chỗ thì đọc lại câu mình viết một lần nữa xem có sai sót lỗi chính tả hay ngữ pháp hay không. Nếu sai thì lên sửa lại. Và tôi luôn cho các bạn đủ thời gian để làm việc kiểm tra lại.

Những yêu cầu đó của tôi dựa trên nguyên tắc: tôi muốn nhận được một sản phẩm hoàn hảo nhất có thể chứ không phải là một sản phẩm đầy lỗi và vô số những lời biện minh bào chữa không đáng có. Nhưng mặc dù nhắc đi nhắc lại những yêu cầu này rất nhiều lần, tôi vẫn thường xuyên nhận được những câu tiếng Anh sai những lỗi sai hết sức ẩu tả vi phạm hầu hết tất cả những yêu cầu mà tôi đưa ra. Nhiều lúc tôi giận đến run người khi nhìn những gương mặt cười gượng gạo cầu tài và những lời bào chữa sượng sùng kiểu “em lỡ”, “em lộn”, “em quên”… trong khi tất cả những gì các bạn ấy cần làm chỉ là sau khi sửa câu lên bảng đọc lại một lần để kiểm tra lỗi sai. Đó là còn chưa kể những lỗi sơ đẳng của học sinh tiểu học như đầu câu hay tên riêng không viết hoa, cuối câu không có dấu chấm, câu hỏi không thèm chấm hỏi. Tôi nhận định dó là những lỗi sai do làm việc cẩu thả và không hề quan tâm đến kết quả của công việc gây ra chứ không phải là do không biết mà vô tình phạm phải.

Khi dạy học, tôi đều phân tích rất rõ sự khác biệt giữa hai từ “mistake” và “fault” trong tiếng Anh mặc dù trong tiếng Việt, hai từ này đều được dịch ra là “lỗi sai”. Trong tiếng Anh, “mistake” chỉ lỗi sai do sơ ý lần đầu vi phạm hoặc do không biết nên làm sai, còn “fault” là một lỗi sai do vô trách nhiệm hoặc tùy tiện gây ra. Một lỗi sai nếu đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần vẫn không thay đổi thì không thể gọi là “mistake”. Nhưng hầu như các bạn không hề hiểu được sự khác biệt này vì họ nghĩ đơn giản, cứ phạm lỗi thì chỉ cần cười giả lả xin lỗi cho qua chuyện là xong và hôm sau cứ tiếp tục thoải mái phạm lỗi.

Tôi đã từng làm việc với người Mỹ, người Nhật, người Đức thậm chí là người Malaysia hay Pakistan và khi làm một việc gì họ đều hết sức cẩn thận tỉ mỉ chứ không bao giờ ẩu tả làm cho có. Người Nhật thì phải nói là siêu nghiêm túc, chỉ một tì vết nhỏ trong sản phẩm của họ cũng đủ làm cho họ hết sức xấu hổ. Một người bạn Mỹ của tôi có lần mượn cuốn sách tôi đang đọc dở khi trả lại tinh ý đến mức mở ngay trang tôi vừa đọc lúc nãy. Cái cách mà người bạn Malaysia mà tôi thường nhờ mua đĩa nhạc mang về gói những chiếc đĩa nhạc trong mấy lượt túi ni-lông để khỏi trầy xước khiến cho tôi cảm thấy sự kỹ tính của mình cũng chưa là gì đối với anh ấy. Bằng cách thể hiện những nguyên tắc sống tôn trọng người khác, họ khiến tôi tôn trọng và tin tưởng họ.

Và khi tôi nhìn lại cách làm việc của người Việt Nam, tôi lại lắc đầu ngao ngán. Chỗ làm việc của tôi mặc dù có dán bảng rất rõ ràng và lịch sự “Xin đừng đậu xe nơi đây, cám ơn” vẫn thường xuyên thấy những chiếc xe đậu ngang dọc chắn hết lối vào. Nhiều bạn học viên sử dụng bút lông viết bảng xong thậm chí nắp cũng không thèm đóng lại. Ngoài đường thì xe cộ mạnh ai nấy phóng, lúc đường đông thì cố tình phóng nhanh vượt ẩu, còn lúc đường chẳng có ai thì vừa nghênh ngang ngay giữa lòng đường vừa chạy tà tà vừa bấm điện thoại. Rồi thì vứt rác ra đường, đứng tiểu nơi công cộng, hát karaoke ông ổng như chỗ không người bất chấp giờ đó là giờ nào. Tôi không cần nói chắc mọi người cũng hiểu. Khi gia đình lẫn nhà trường không hề chú trọng đến việc dạy dỗ con em mình sự cẩn thận và trách nhiệm như một đức tính để làm người thì chuyện sống và làm việc ẩu tả tùy tiện thiếu trách nhiệm là điều khó tránh khỏi. Và khi một người ngay cả với bản thân mình cũng còn tùy tiện và vô trách nhiệm, bạn thử nghĩ người đó có quan tâm hoặc có trách nhiệm với những chuyện lớn lao khác hay không?

Nhà giáo Huỳnh Chí Viễn
Bài về chủ đề Giáo dục:
Về đầu trang